Cụ thể, Ngày 11/11, báo điện tử Kinh tế và Đô thị có bài viết: "Nghi vấn dự án đường giao thông bị “rút ruột”, Ban QL dự án nói gì?" phản ánh:
Thi công không đảm bảo chất lượng
Dự án đường huyện lộ ĐH56 đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 955, ngày 9/5/2022 có tổng mức đầu tư 87 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 62 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chủ đầu tư (UBND huyện Đức Thọ) huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án đường huyện lộ ĐH56 vốn đầu tư lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thiết thực đối với việc đi lại, lao động sản xuất của Nhân dân. Vậy nhưng, quá trình thi công đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Đức Thọ) và đơn vị tư vấn giám sát là liên danh Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng số 6 Hà Tĩnh và Công ty TNHH Minh Anh có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật theo thiết kế được phê duyệt.
Ghi nhận tại hiện trường vào các ngày 8-9/11, đơn vị thi công là liên danh Công ty Việt Phát và Công ty Tây An (địa chỉ ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) tổ chức thi công một cách ồ ạt. Nền đường tuyến 1 thiết kế đắp đất đồi đầm chặt K95, đối với phần nền đường mở rộng, làm mới 50cm nền đường dưới đáy áo đường đảm bảo đầm chặt K98, tuy nhiên đơn vị thi công lại sử dụng đất trộn lẫn nhiều đá bở, đá phong hóa hỗ hợp không đảm bảo chất lượng kỹ thuật để đắp nền.
Đất đắp nền không đảm bảo chất lượng, thành phần hạt không đạt, việc lu lèn, đầm nén sơ sài dẫn đến hiện tượng nền đường không được đầm chặt, nơi thì đất đá lởm chỡm lại có nơi bị kết dính, bong lớp.
Cũng tại hiện trường, nhiều cống thoát nước nhà thầu thi công bừa, thi công ẩu, không đảm bảo chất lượng kết cấu bê tông theo quy định. Móng, sân cống, tường…được xây dựng bằng bê tông xi măng M200 đá 2x4; mũ mố, giằng chống bằng bê tông cốt thép M250 đá 1x2, tấm bản bằng bê tông cốt thép M300 đá 1x2, nhưng đơn vị thi công có dấu hiệu sử dụng đá lép, đá không đảm bảo cường độ để xây lắp công trình. Hệ lụy là nhiều cống thoát nước, nhất là ở thân cống, tường cánh bê tông bị rộ, sứt mẻ, không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật.
Nhà thầu thi công ồ ạt, sử dụng nguyên vật liệu đầu vào không đảm bảo chất lượng, nhưng điều nghịch lý là đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát lại không có mặt tại hiện trường để giám sát kỹ thuật, chấn chỉnh khắc phục sai phạm. Trên công trường máy móc, thiết bị và từng tốp thợ xây mặc sức tự biên, tự diễn nhằm tăng khối lượng thi công.
Trao đổi với phóng viên, một người dân ở xã Hòa Lạc (xin được phép dấu tên) cho biết, thi công dự án đường Hòa Lạc nhà thầu sử dụng toàn đá bở để đắp nền, bê tông đổ rộ từng mảng, không đảm bảo chất lượng. Ngày nắng bụi bay mù mịt, người dân bức xúc lắm, mong các bên liên quan sớm có biện pháp xử lý, chứ để lâu dài là không được.
Trước những phản ánh của dư luận và ghi nhận thực tế tại hiện trường, ông Phan Xuân Kỳ, cán bộ kỹ thuật Công ty Việt Phát đã thừa nhận, đất đắp nền và đá đổ bê tông cống không đảm bảo chất lượng, nhiều vị trí cống bị rộ, sứt mẻ. Những sai sót do mới thi công, chưa vào guồng, hơi rối, chưa chuẩn chỉ được, vấn đề này đơn vị thi công xin tiếp thu để chấn chỉnh, khắc phục.
Sẽ ban hành văn bản chấn chỉnh thi công
Dự án đường huyện lộ ĐH56 đoạn qua xã Hòa Lạc quy mô gồm, đầu tư nâng cấp các tuyến đường có tổng chiều dài hơn 8km, trong đó tuyến 1 dài hơn 6,2km, điểm đầu giao với Quốc lộ 8 tại Km19+200, điểm cuối giao với đường tỉnh ĐT.552 tại Km12+810; tuyến 2 dài hơn 1,4km và một số tuyến nhánh.
Mục tiêu của dự án nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối trung tâm hành chính huyện với các xã vùng thượng, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ. Cùng với đó, dự án còn góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc Trần Văn Điền cho biết, UBND huyện Đức Thọ là chủ đầu tư dự án, địa phương là đơn vị hưởng lợi nên mới chỉ quan tâm đến vấn đề bụi bặm, ô nhiễm môi trường, xe cộ qua lại mất an toàn giao thông. Về chất lượng kỹ thuật, chúng tôi sẽ đề xuất chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu nhà thầu xử lý, khắc phục sai phạm để dự án phát huy hiệu quả.
Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát chưa thực hiện đồng bộ, tròn vai công tác quản lý, giám sát, trong khi đó nhà thầu thi công lại lợi dụng sơ hở, ồ ạt đổ đất nền sai thiết kế và xây lắp hệ thống cống không đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật. Điều này cũng đồng nghĩa dự án sẽ rất khó đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài nếu các bên liên quan không kịp thời vào cuộc chấn chỉnh, khắc phục sai phạm.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Duy Khán - cán bộ kỹ thuật Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Đức Thọ thừa nhận, thi công dự án đường huyện lộ ĐH56 đoạn qua xã Hòa Lạc đất đắp chưa đạt yêu cầu thành phần hạt, đá trộn lẫn quá nhiều. Hệ thống cống chưa kiểm tra được kỹ, nhưng với những cống bị rộ, sứt mẻ chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát đưa đơn vị thí nghiệm vào kiểm tra, nếu không đạt phải đập bỏ, làm lại.
“Từ nguyên liệu đất đắp đến các hạng mục thi công không đảm bảo chất lượng, chúng tôi đang đề nghị nhà thầu khắc phục, nếu không khắc phục kịp thời sẽ ban hành văn bản cho dừng thi công và không nghiệm thu giai đoạn của công trình. Đây là dự án lớn, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, hiệu quả sử dụng phải đặt lên hàng đầu”, ông Trần Duy Khán chia sẻ.
Được biết, tại Điều 2 Quyết định số 955, ngày 09/5/2022 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường huyện lộ ĐH56 đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký ban hành yêu cầu UBND huyện Đức Thọ (Chủ đầu tư) và các bên liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành; thi công đảm bảo an toàn, chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả dự án và không gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Edit từ Văn Chương - kinhtedothi.vn