dongbaoconggiaonghean-1640312232816-1640314914.jpg
Mô hình trồng cam sạch của gia đình ông Lê Công Chất ở xóm 1 xã Nghi Văn.

Những ngày này, giáo dân ở các giáo xứ, giáo họ ở huyện Nghi Lộc đang chuẩn bị đón mừng mùa Giáng sinh, đêm Noel vui tươi. Các tuyến đường liên gia, liên xóm, đường đến nhà thờ đều được rải bê-tông rộng rãi, sạch sẽ, rực rỡ cờ hoa.

Ðổi thay ở xứ đạo

Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nghi Lộc Hồ Nam cho biết: Nghi Lộc là địa phương có đông đồng bào theo đạo, với hơn 55 nghìn tín đồ (chiếm hơn 25% dân số) sinh hoạt tại 84 giáo xứ, giáo họ ở 22/29 xã, thị trấn. Trên địa bàn có Tòa Giám mục cùng nhiều cơ sở tôn giáo của Giáo phận Vinh... Thời gian qua, đồng bào Công giáo huyện Nghi Lộc đã đoàn kết, sáng tạo tích cực phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đời sống văn hóa, xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Nghi Văn là xã thuần nông có hơn 52% dân số là giáo dân. Sau gần 10 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2019, Nghi Văn đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, Nguyễn Thế Hải cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, hiến đất đều được giáo dân hưởng ứng sôi nổi. Hộ ông Nguyễn Văn Trị, bà Trương Thị Sáu ở xóm 10… ngoài khoản đóng góp làm đường còn hiến hàng chục m2 đất ở, tường rào để mở rộng đường. Giờ đây, bà con còn đóng góp làm đường cờ gắn với điện chiếu sáng, đường hoa. Nhiều hộ dân tận dụng lợi thế đất vườn đồi, cần cù lao động, xây dựng những mô hình kinh tế, cho thu nhập cao. Tiêu biểu như gia đình giáo dân Lê Văn Chất ở xóm 1 đã đầu tư trang trại 10 ha để trồng 3 ha cam, nuôi hàng chục con bò, đào ao nuôi lươn, cá lóc, cho doanh thu khoảng năm tỷ đồng/năm. Anh Chất còn hướng dẫn người dân trong vùng kỹ thuật trồng cam sạch, nuôi cá lóc, nuôi lươn; cung cấp cây, con giống hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều xã khác có đông giáo dân như Nghi Diên, Nghi Phương… cũng "thay da đổi thịt", đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,8%... Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động hơn 6.047 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp đáng kể của giáo dân trong huyện…

Huyện Quỳnh Lưu có hơn 48.300 giáo dân, chiếm 16,95% dân số. Những năm qua, đồng bào Công giáo ở Quỳnh Lưu thực hiện tốt phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo" do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Riêng năm 2021, bà con công giáo đã đóng góp 1,2 tỷ đồng, 1.970 ngày công, hiến 850 m2 đất ở làm được gần 2 km đường bê-tông; xây dựng mới và chỉnh trang 14 nhà văn hóa thôn, làm tám tuyến đường cờ đại đoàn kết gắn đèn chiếu sáng... Hiện nay đang tiếp tục xây dựng mô hình "Xứ Ðạo an lành, văn minh" tại giáo xứ Vạn Thủy giai đoạn hai để nhân rộng thêm ở giáo xứ khác. Sự đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo đã góp phần giúp huyện Quỳnh Lưu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Chung sức xây dựng quê hương

Nghệ An có hơn 50.840 hộ giáo dân, với gần 290.000 tín đồ (chiếm khoảng 9% dân số toàn tỉnh) sinh hoạt tại 13 giáo hạt, 112 giáo xứ tập trung ở 174 xã, phường, thị trấn, thuộc 17 huyện, thành phố, thị xã. Trên địa bàn có Tòa Giám mục Giáo phận Vinh với 183 chức sắc. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An Lê Văn Ngọc cho biết: Trong nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc, đồng bào công giáo khơi dậy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, giúp đỡ nhau. Từ đó, đồng bào Công giáo đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chỉ tính trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo đã hiến hàng trăm nghìn m2 đất vườn, đất nông nghiệp, hàng chục nghìn mét tường bao, đóng góp hàng chục nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng, làm mới 427,8 km đường... Qua đó, góp phần đưa bảy đơn vị cấp huyện và 300/411 xã của tỉnh hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới.

Thông qua xây dựng nông thôn mới, giáo dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh; đưa các loại cây, con, giống mới có năng suất và giá trị kinh tế vào sản xuất, góp phần tăng sản lượng và năng suất. Số mô hình phát triển kinh tế trong đồng bào Công giáo ngày càng cao với hơn ba nghìn mô hình kinh tế vườn, trang trại, kinh doanh,dịch vụ và ngành nghề truyền thống... Ðiển hình như Công ty TNHH Nông sản Thiên Sơn (Yên Thành) và Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Thiên Sơn (Con Cuông) của ông Trịnh Xuân giáo, Chủ tịch Hội Doanh nhân Giáo phận Vinh, ở giáo xứ Yên Ðại, thành phố Vinh với 85 ha đất chuyên trồng cam cho thu nhập mỗi năm từ 20 tỷ đến 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 150 người lao động với mức thu nhập từ năm triệu đến sáu triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Nguyễn Văn Bình ở giáo xứ Cửa Lò chuyên kinh doanh hải sản, mỗi năm doanh thu năm tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 người lao động với mức thu nhập năm triệu đồng/người/tháng.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An khẳng định, những năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới có sự chung sức của bà con giáo dân tỉnh Nghệ An đã làm khởi sắc diện mạo các vùng quê; đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của bà con giáo dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cũng như giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.