Trước làn sóng công nghiệp và đô thị hóa vũ bão, làng nồi đất cổ, có từ thời nhà Trần ngày càng mai một, ít ai biết đền. Thời hưng thịnh, cả làng làm nồi đất, song hành với làm nông, như đôi chân khỏe mạnh. Giờ chỉ còn mấy chục hộ, sống lay lắt không nỡ bỏ nghề vì “đó là nghiệp tổ. Đói khổ cũng cố giữ vì nghề đã cưu mang người dân làng Trù (giáo xứ Lưu Mỹ, xã Trù Sơn, Đô Lương, Nghệ An) bao đời nay. Giúp dân vượt qua bĩ cực, nuôi con cái ăn học thành ngườì, dù vất vả. Người phụ đất, chứ đất không phụ người”.

1-1640162775.jpg
Cây Noel 2018 được làm từ nồi đất. Ảnh: HTH

Nồi Trù Sơn có hơn 30 loại. Từ nồi thường nấu cơm, nồi to nấu nước, nồi nhỏ kho thịt cá đến nồi đinh gánh nước, hông xôi, nấu rượu…Từ các chảo rang, siêu thuốc Bắc, đến chén bát, các loại ống nhổ, bầu đựng nước mát, áo chai đựng rượu, quách đựng hài cốt. Từ giò treo phong lan, ống đựng tiền, heo đất, chén khè kim loại trang sức. Có yêu cầu là làm. Sản phẩm Trù Sơn từng có mặt khắp nước, vào từng hộ gia đình đến các nhà hàng cơm niêu, kho tộ...

Nồi đất Trù Sơn đơn giản, thô mộc, không tráng men, không hoa lá cành, không dùng các phụ gia. Tất cả đều từ đất tự nhiên, qua nhào nặn, nung đủ, mỏng nhẹ, nhẵn bóng, màu hồng nâu ngọt, không thấm nước, gõ kêu boong boong… nên rất khó làm giả. Với lại giá bán quá bèo, nồi nấu cơm chỉ mươi ngàn, chẳng ai làm giả. Nghề không cần nhiều vốn, chỉ cần chữ Tâm và cả nhà đồng lòng.

2-1640162801.jpg
Cây Noel 2018 được làm từ nồi đất với cách điệu cánh quạt cối xay gió. Ảnh: HTH

Đất làm nồi được lấy ở Nghi Lộc, cách làng 12km. Phải đào hết lớp đất màu, qua lớp sỏi đá ong mới có đất sét, đưọc thử bằng tay, xúc lên xe, chở về nhà, nhồi bằng tay, đạp bằng chân, giã bằng chày. Màu vàng tạp, chuyển thành đỏ hồng, tươi rói, dẻo quẹo như cá thác lác. Đất nhuyễn vắt thành “rói” to bằng ngón tay và dài chừng 2 tấc.

Các “nghệ nhân” ngồi vào bàn xoay, điều khiển bằng các ngón chân thay vì đi vòng quanh như làng gốm Mỹ Nghiệp (Phan Rang, Ninh Thuận), dùng “khót” - miếng nứa mỏng để làm nhẵn hoặc tạo dáng. Thêm miếng khăn vải và một ít tro rơm. Những “bàn tay phù phép” sẽ biến đất thành hàng chục sản phẩm. Làm thủ công nên nhìn giống nhau mà đều khác biệt, cái nào cũng có hồn vì đẫm mồ hôi của bao người.

Sản phẩm làm xong đem phơi nắng cho khô. Công đoạn khó nhất là nung bằng rơm rạ hay lá khô chứ không đốt bằng củi. Nếu chọn đất không đúng chuẩn, khi nung, nồi “ăn vạ” phản kháng, nứt mẻ lung tung. Gọi lò chứ thật ra chỉ là mấy viên gạch kiểu bếp ông táo, xếp chồng nồi lên nhau, hẫng khỏi mặt đất, phủ rơm và đốt, chừng một buổi. Từ việc căn lửa, khói cho đến độ chín của nồi đều dùng mắt thường và trực quan người thợ.

3-1640162826.jpg
Cây Noel 2020 cách điệu từ khẩu trang. Ảnh: HTH

Từ Noel 2017, làng bỗng dưng nổi tiếng, lên cả báo đài Sài Gòn, ra tận nước ngoài. Làng ngề nồi đất nhen nhóm hy vọng hồi sinh. Dưới bàn tay sáng tạo của những giáo dân mộ đạo, yêu nghề 6.039 nồi đất nối kết thành cây thông độc đáo, cách mặt đất 2m7, đường kính dưới là 8m1, đường kính đỉnh là 0m8. Chiều cao cây thông là 25m8. Phía gần chóp, một bên có dòng chữ NOEL 2017, bên kia là Lưu Mỹ, xếp từ đỉnh xuống, mỗi chữ cái và dãy số cao 0m3. Đỉnh là ngôi sao giáng sinh cao 1m2. Chiều cao cây Noel tính từ mặt đất đến đỉnh ngôi sao là 28m7, có thể nhìn thấy từ xa hàng ngàn mét.

Buổi tối cây noel được chăng đèn ngũ sắc nhấp nháy cầu vồng, sáng đẹp hư ảo giữa trời khuya. Những chiếc nồi hồng nâu màu đất, nhẵn thín, thấm đẫm mồ hôi làng nghề, hình như cũng biết tự hào nên rạng rỡ, sát cánh bên nhau, tựa những hạt ngọc khổng lồ, lấp lánh. Cư dân mạng chia sẻ nhau những hình ảnh về cây thông làm bằng mấy ngàn chiếc nồi đất. Quả là ý tưởng lạ và không đụng hàng, được tổ chức Guiness công nhận Kỷ lục Việt Nam vào đúng đêm Noel 2017.

4-1640162850.jpg
Cây Noel 2021 đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: HTH

Nhiều người bất ngờ vì ý tưởng độc, lạ, lãng mạn và ý nghĩa của cộng đồng giáo dân nghèo xứ Nghệ, từ linh mục cho đến Hội đồng giáo xứ. Linh mục Anton Hoàng Trung Hoa vừa gợi ý, là giáo dân đã bàn luận sôi nổi và tích cực hưởng ứng. Bản vẽ thiết kế được phác thảo bởi những “kiến trúc sư” tay ngang và ngoan đạo.

Từ đó đến nay, thành thông lệ, gần Noel là giáo xứ nhộn nhịp như ngày hội. Giáo dân tấp nập, chia nhau mỗi người một việc, hào hứng tham gia. Năm đầu vất vả nhất vì phải làm khung và chưa có kinh nghiệm. Giáo dân chia nhóm đi chở sắt, cắt ráp và thi công theo bản vẽ. Nhóm xếp loại nồi, làm chốt bên trong và néo dây kẽm để vít vào khung. Nhóm lo hậu cần, nước nôi ăn uống.

5-1640162873.jpg
Được đỡ bằng khung thép, phía bên ngoài các vỏ xe cũ được tái sử dụng để trang trí. Ảnh: HTH

Ngày nào cũng hàng chục thợ không chuyên làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối mịt, chạy đua với thời gian. Ngày ít cũng 10 - 15 công, ngày nhiều có khi tới ba chục. Càng lên cao càng vất vả vì chưa có kinh nghiệm. Phải dùng loa tay chỉ huy thi công. Trời cuối năm lạnh, gió mạnh và rét càng thêm thử thách...

Cây Noel 2018 vẫn bằng nồi đất, có thêm cặp đại phong xa (cặp cối xay gió khổng lồ), với chiều dài hai cách là 9,19m, và nặng 280 kg, được gắn mô tơ để quay, như muốn nối kết từ truyền thống sang những bước tiến triển mới. Năm 2019, cây được giữ nguyên vì các công trình cải tạo nhà xứ.

Năm 2020, dịch bùng phát, làng nghề sáng tạo thêm cây thông Noel bằng khẩu trang cách điệu, nhắc mọi người luôn tuân thủ 5K phòng chống dịch và đón tin vui, được UBND tỉnh công nhận Làng nghề. Cây Noel nồi đất có thêm đứa em là Cây Noel khẩu trang, đối xứng, với các thông số kỹ thuật tương tự.

Dịch bệnh hoành hoàng suốt hai năm qua, hậu quả và thiệt hại khôn lường. Có thời điểm người dân từ vùng dịch nườm nượp di tản, nháo nhào tìm cách về quê tránh dịch. Có khi dòng người vượt cả ngàn cây số hơn với đủ loại phương tiện cá nhân. Cả trăm ngàn vỏ xe các loại xe hư hỏng, phải vứt bỏ.

6-1640162896.jpg
Thông điệp cây Noel 2021 làng nồi đất là “Chia sẻ với số phận khổ đau, nguyện cầu cho dịch bệnh sớm chấm dứt” và  “Nếu biết tận dụng phế phẩm, phế liệu; cả những thứ bỏ đi, vẫn có thể hữu ích, làm đẹp cho đời; khi con người thật tâm, thành ý, sáng tạo”. Ảnh: HTH

Năm 2021, cây Noel khẩu trang 2020 được làng nghề biến hóa với những vỏ xe gắn máy, xe đạp, ô tô bị hỏng, hết hạn sử dụng. Dân làng cần mẫn thu gom vỏ xe bị hỏng. Thiên hạ cứ tưởng để làm hàng rào, chất đốt, vật dụng chơi gì đó. Mấy trăm vỏ xe vứt đi, được góp nhặt, xử lý vệ sinh, lưu dụng, nối vòng tay lớn quanh cây Noel, tạo nên sự độc đáo; nâng chiếc ấm đất không lồ, quảng bá cho sản phầm Trù Sơn.

Vỏ xe bị hỏng còn được dùng làm mái hang đá, trang trí quanh khu vực. Thông điệp cây Noel 2021 làng nồi đất là “Chia sẻ với số phận khổ đau, nguyện cầu cho dịch bệnh sớm chấm dứt”. Thể hiện cho sự sẻ chia đó, trong năm nay, giáo xứ trong lạc quyên hỗ trợ cho người trong vùng dịch, và nấu gần 600 suốt cơm cho người hồi hương cách ly tập trung tại các trung tâm địa phương lên đến cả trăm triệu đồng.

7-1640163000.jpg
Hang đá cũng được trang trí bằng vỏ xe cũ. Ảnh: HTH

Bên cạnh thông điệp chính yêu đó, giáo xứ còn muốn gửi đến một thông điệp khác là “Nếu biết tận dụng phế phẩm, phế liệu; cả những thứ bỏ đi, vẫn có thể hữu ích, làm đẹp cho đời; khi con người thật tâm, thành ý, sáng tạo”. Cây Noel và hang đá còn thay lời muốn nói, nhắc nhở và cảnh báo mọi người về tai ương dịch bệnh; sự tôn trọng môi trường sống, trân quí những hạnh phúc hiện có. Những vòng tròn vỏ xe đang muốn bay vút như ước mơ, khát vọng vươn lên từ bao đời nay của làng nghề xứ Nghệ.

Đứng riêng lẻ, nhiều vật dụng bình thường không có giá trị. Nhiều thứ rác rến, phế thải nếu biết tận dụng, nối kết chặt chẽ sẽ tạo thành dấu ấn đặc thù và vô giá. Được người thổi hồn, đất và vỏ xe hỏng cũng có bạn tri âm và biết buồn vui thế cuộc.

Đường đi: Từ Vinh, theo Quốc lộ 1 ngược ra Bắc 12,5km. Qua ngã ba Quán Hành rẽ trái vào đường 358B chừng 25 km, gặp ngã ba đường N5; có bảng hiệu không đụng hàng, nồi đất khổng lồ, cao 2m7, đường kính 2m5, đặt trên trụ cao 2m6; rẽ trái 2km là tới làng nghề Trù Sơn với hai anh em cây Noel kỷ lục./.