Sử dụng sai mục đích đất?

Tại Điều 12 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ đã quy định, sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai.

Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần sang đất ở tại khu vực nông thôn thì hình sẽ bị xử phạt bằng tiền.

a-1656817679.jpg
Hình ảnh công trình vi phạm của hộ ông Trương Trọng Đinh.

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, chính quyền còn phải yêu cầu người vi phạm phải khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu hoặc tiến hành cưỡng chế công trình để thực hiện việc khôi phục lại hiện trạng theo điểm 5 điều 12 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019. Cụ thể, Điểm 5 điều 12 quy định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…

Nghị định 91/2019/NĐ-CP nêu rõ ràng là vậy, song tại xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) có lẽ những quy định của pháp luật chỉ “nằm trên giấy”, bởi những sai phạm về đất đai ở đây vẫn ngang nhiên diễn ra, không chỉ khiến đất nông nghiệp, phi nông nghiệp bị biến dạng mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương.

Cụ thể, theo thông tin phản ánh của người dân, tại diện tích 542m2 khu đất ao cổng Gò (làng Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh), đã bị hộ ông Trương Trọng Đinh ngang nhiên lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép.

Hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng của hộ ông Đinh diễn ra công khai, ngang nhiên nhưng không hiểu vì sao đến nay chính quyền sở tại không cưỡng chế, xử lý.

b-1656817712.jpg
Công trình vi phạm của hộ ông Đinh vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị chính quyền địa phương cưỡng chế hay tháo dỡ.

Tìm hiểu của phóng viên, trước khi 542m2 đất ao cổng Gò “mọc” lên công trình trái phép của hộ ông Đinh, thì khu đất này được hộ ông Trương Văn Bàn (làng Bến Trung) mua đấu giá của thôn vào năm 1992.

Theo ông Bàn, năm 1992 gia đình ông mua 3/4 đất đấu giá ao của thôn, đã thực hiện nghĩa vụ nộp đầy đủ tiền mua theo phiếu thu số 30 ngày 20/4/1992, với số tiền 750 nghìn đồng. Từ đó đến nay, gia đình ông Bàn vẫn đóng thuế đầy đủ, có đủ phiếu thu thuế đất ở, có xác nhận của Chi cục Thuế. Thế nhưng, tháng 5/2021, toàn bộ diện tích đất nói trên đã bị hộ ông Đinh ngang nhiên lấn chiếm.

c-1656817745.jpg
 Nằm ngay cạnh công trình vi phạm của hộ ông Đinh là một nhà xưởng cũng rộng đến hàng trăm mét vuông.

Mặc dù từ tháng 5/2021, ông Bàn đã làm nhiều đơn đề nghị UBND xã Bắc Hồng giải quyết tranh chấp; yêu cầu xã Bắc Hồng xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng của ông Trương Trọng Đinh. Tuy nhiên đến nay, sự việc không được giải quyết, công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Thay vào đó, sự việc lại được chính quyền xã “đùn đẩy” sang Tòa án.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống ngày 29/6/2022, tại khu vực người dân phản ánh cho thấy, công trình nhà xưởng trái phép của hộ ông Đinh đã hoàn thiện phần tường gạch xây cao trên 1m ở 2 mặt; lắp đặt hệ thống khung cột, dầm, kèo bằng thép chắc chắn; bắn tôn một vài vị trí xung quanh tường.

Thời điểm phóng viên ghi nhận, xung quanh công trình không có dấu hiệu của việc thi công.

d-1656817785.jpg
Nhiều nhà xưởng khác "mọc" tràn lan, có dấu hiệu sử dụng sai mục đích đất ở làng Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Khu vực nói trên còn “mọc” lên hàng loạt nhà xưởng sản xuất kinh doanh khác nhau, có dấu hiệu sử dụng sai mục đích đất. Điển hình là nhà xưởng có diện tích cũng lên đến hàng trăm mét vuông, chuyên làm nhôm cửa, bên trong nhiều công nhân hoạt động nhộn nhịp nằm ngay cạnh công trình ông Đinh. Bên ngoài, nhà xưởng này đề tấm biển có chữ: “An Phú Aluminum gia công uống vòm”.

Chưa dừng lại, tại khu vực làng Quan Âm (xã Bắc Hồng) tình trạng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp bị “xẻ thịt” thành nhà hàng, nhà xưởng, kho, bãi tập kết vật liệu xây dựng, sử dụng sai mục đích đất cũng diễn ra rầm rộ. Hầu hết, các công trình trái phép chỉ làm bằng tôn tạm bợ.

e-1656817818.jpg
 Tại khu vực làng Quan Âm của xã Bắc Hồng tình trạng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp bị “xẻ thịt”  thành nhà hàng, nhà xưởng, kho, bãi tập kết vật liệu xây dựng cũng rầm rộ.

Chính quyền xã chưa xử lý triệt để sai phạm?

Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin liên quan, ngày 29/6/2022 phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Văn Tô - Chủ tịch UBND xã Bắc Hồng.

f-1656817845.jpg
Trụ sở UBND xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. 

Tuy nhiên, trả lời về vấn đề trên ông Tô chỉ cho phóng viên biết thông tin qua loa rằng trước năm 1992 chưa có luật đất đai, thôn có bán cho hai hộ gia đình là ông Trương Trọng Đinh và ông Trương Văn Bàn (cùng trú tại làng Bến Trung, xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội) khu đất ao cổng Gò tại làng Bến Trung. Khi thôn giao đất cho hai hộ, ranh giới lại không rõ ràng nên xảy ra việc tranh chấp.

“Việc tranh chấp xã đã tiến hành hòa giải và hướng dẫn các bên liên quan ra Tòa giải quyết và Tòa đã thụ lý”, ông Tô nói.

Phóng viên đã đặt câu hỏi, tại sao xã lại để xảy ra việc hộ ông Trương Trọng Đinh ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trái phép? Vị Chủ tịch xã sau đó nói lý do bản thân vừa mới nhận công tác.

Dù vậy, vị này vẫn cho hay khi phát hiện sự việc xã cũng đã lập biên bản, đình chỉ và có hồ sơ báo cáo lên huyện Đông Anh. Tuy nhiên, ông Tô không cũng cấp bất cứ văn bản liên quan nào cho phóng viên.

Thiết nghĩ, UBND huyện Đông Anh; Thanh tra huyện Đông Anh cần phải sớm vào cuộc, thanh kiểm tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất đai ở xã Bắc Hồng. Đồng thời, có sự chỉ đạo kịp thời đối với Chủ tịch UBND xã Bắc Hồng, nhanh chóng cưỡng chế, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Trước việc gia đình ông Trương Trọng Đinh lấn chiếm đất, xây trái phép nghiêm trọng nhưng không bị chính quyền địa phương không xử lý, nên gia đình ông Trương Văn Bàn đã tự đứng ra ngăn cản việc lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép.

“Khi thấy con trai và cháu tôi ngăn việc xây dựng công trình trái phép, ngày 8/1/2022, con trai của ông Đinh là Trương Văn Tuyết và Trương Văn Tùng đã hành hung cả con trai và cháu của tôi. Thậm chí Tuyết còn cầm dao đuổi chém, dọa giết con và cháu của tôi. May mắn thời điểm đó còn có người can ngăn kịp thời, nên không xảy ra án mạng”, ông Bàn nhớ lại.

g-1656817906.jpg
 Hình ảnh ông Trương Văn Tuyết (con ông Đinh) cầm dao quắm đòi chém con cháu ông Bàn trước sự chứng kiến của lực lượng Công an.

Ngay sau sự việc, con cháu ông Bàn đã làm đơn tố cáo, gửi Công an xã và Công an huyện Đông Anh về tội “Cố ý gây thương thích; tội đe doạ giết nhiều người; tội gây rối trật tự nơi công cộng”. Tuy nhiên, cơ quan Công an cho rằng hành vi trên chưa cấu thành tội nên sự việc không được giải quyết.

Hiện tại, gia đình ông Bàn tiếp tục gửi đơn tố cáo lên Giám đốc Công an thành phố Hà Nội./.