Hỏi khắp người già trong làng Thái cổ Mường Đán (ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), không ai biết việc dùng ván gỗ Sa mu để lợp nhà bắt đầu từ khi nào. Họ chỉ biết, khi lớn lên đã thấy ông cha vào rừng chọn những cây Sa mu thẳng, đẹp đem về nhà cắt, xẻ thành từng tấm ván nhỏ, bằng nhau để lợp nhà.
Trong cái khó, ló cái khôn
Chúng tôi đến Mường Đán khi cơn mưa rừng vừa dứt, để lại những giọt nước mưa còn đọng lại trên những mái nhà sàn lợp bằng gỗ Sa mu lấp lánh như khung cảnh miền cổ tích.
Ông Lô Văn Chau (59 tuổi, ở bản Xa Nái) đon đả đón khách rồi giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch: Mường Đán trước được tách thành hai bản Xa Nái và Hủa Mương, mới đây lại được nhập thành Long Thắng.
Dù đã 2 lần tách - nhập nhưng bà con vẫn cứ nói mình là người Mường Đán. Hỏi về lịch sử lập Mường, ông Chau lắc đầu: “Không ai biết nữa, chỉ biết là lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa…”.
Năm 2017, huyện đã lập và phê duyệt đề án Phát triển du lịch, thương mại và dich vụ, trong đó xác định hình thành tour du lịch: Thác Xao Va, thác Bảy Tầng, làng Thái cổ Mường Đán, quần thể cây Pay sừng. Hiện công tác tập huấn cho bà con về du lịch và dịch vụ, nhất là du lịch cộng đồng đã và đang được tiến hành. Huyện đã cho phép Công ty Du lịch Lâm Khang kết nối, phục vụ du khách. Bước đầu bà con hào hứng lắm… Bà Lô Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong
Cũng theo ông Chau: Tổ tiên của ông là người Thái Thanh từ miền Tây Bắc, nghe đâu là từ Điện Biên, Lai Châu dắt díu nhau đi tìm vùng đất mới. Họ chia thành từng nhóm, theo hướng Nam mà đi, hết ngày này qua ngày khác.
Có những nhóm phải dừng lại vì không đủ sức đi tiếp. Có nhóm đến miền Tây xứ Nghệ thì men theo dòng Nậm Việc, xuôi về một thung lũng nhỏ, xung quanh bao bọc bởi nhiều ngọn núi, rừng mọc đầy cây Sa mu. Thung lũng không lớn nhưng đất đai màu mỡ, có suối Nậm Việc trong xanh bốn mùa nên bà con quyết định dừng chân lập Mường.
Đem những thắc mắc, xưa nay việc lợp nhà bằng gỗ Sa mu được xem là bản sắc của cộng đồng người Mông, vì không gian sinh tồn của họ thường gắn liền với những đỉnh núi cao, nhiệt độ thấp hơn thì ông Chau chỉ cười nói: “Khi còn nhỏ đã nghe những cụ lớn tuổi kể lại, trước đây người dân Mường Đán lợp nhà bằng tranh. Thế nhưng, tuổi thọ của mái tranh ngắn lắm và rơm rạ ở vùng núi rất hạn chế”.
Theo ông Chau, trong quá trình đi rừng sang Lào, thấy cộng đồng người Mông lợp nhà bằng cây Sa mu vừa chắc chắn, vừa bền, khi về thấy trong rừng mình cũng có nhiều cây này, người Mường Đán liền vào rừng, chọn những cây to, thẳng, đẹp rồi làm theo. Đầu tiên chỉ một vài nhà làm, sau thấy hiệu quả nên cả bản đều làm.
“Gỗ Sa mu bền hơn nhiều so với cỏ tranh và cả tấm lợp fibro ximăng. Nhà tôi lợp từ năm 2001, đến nay đã 20 năm mà chỉ mới bị ăn mòn. Lợp gỗ này, mùa đông trong nhà ấm, mùa hè lại mát, rất tiện lợi”, ông Chau nói.
Chỉ tay về những mái nhà được lợp bằng gỗ Sa mu thẳng tắp, ông Hà Văn Hùng (60 tuổi, ở bản Xa Nái) cho biết thêm, để lợp một mái nhà, người dân phải vào rừng chọn những cây gỗ Sa mu to, thẳng, cắt thành từng khúc ngắn.
Vì loại gỗ này rỗng ruột bên trong nên mỗi khúc xẻ được khoảng 10 - 15 tấm ván. Từ tấm to, người dân lại cắt xẻ thành những tấm nhỏ, dày khoảng 2cm trở lên.
“Một ngôi nhà cần khoảng 2.500 tấm ván nhỏ và để làm được từng đó thì 4 - 5 người phải xẻ trong vòng 2 tuần mới xong. Người Mông có tục đỏ lửa nấu ăn trong nhà lớn, khói bếp bốc lên ám vào mái nhà nên mái được bền hơn. Người Thái ta nấu ăn trong nhà bếp nên tuổi thọ mái nhà chỉ được 17 - 18 năm. Ngược lại, mái nhà Sa mu của người Thái ở Mường Đán, gỗ được cắt nhỏ, vuông vắn nên khi lợp lên rất đẹp, ngay hàng thẳng lối”, ông Hùng cho biết.
Bên cạnh học tập những kinh nghiệm của dân tộc khác, người Thái ở Mường Đán còn giữ nguyên những món nghề của tổ tiên: Trồng bông dệt vải, trồng cây quế và biết canh tác lúa nước từ rất sớm.
Người Mường Đán rộng bụng, mến khách, thích giao lưu, nhưng không vì thế mà nhạt phai truyền thống cha ông. Họ còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các làn điệu dân ca, dân vũ cổ.
Mỗi khi vào hội, già trẻ gái trai hết mình với những lời ca, điệu múa của dân tộc mình. Những điệu Khắp, Lăm, Nhuôm, Xuối Lai... vang lên như không bao giờ dứt cùng với tiếng cồng chiêng, khèn, pí… hòa trong tiếng gió, tiếng núi giữa đại ngàn Pù Hoạt và lâng lâng men rượu cần…
Đánh thức tiềm năng, phát triển kinh tế
Cũng theo ông Chau và ông Hùng, trước đây, khi Chính phủ chưa cấm rừng, nhà nào ở Mường Đán cũng lợp nhà bằng gỗ Sa mu. Kể từ khi có quy định cấm khai thác gỗ trái phép, người dân nơi đây chỉ nhau chấp hành nghiêm. Từ đó, nhiều mái nhà được thay bằng ngói, tôn, fibro ximăng… nhưng hiện vẫn còn rất nhiều nhà ở Mường Đán giữ được nếp nhà xưa.
“Hai năm nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên du lịch chững lại, còn những năm trước, có rất nhiều đoàn khách đổ về Mường Đán để được trải nghiệm sống trong những ngôi nhà cổ lợp bằng gỗ Sa mu, được tắm thác Bảy Tầng, thác Xao Va. Có cả khách ta lẫn khách Tây, đoàn thì du lịch trải nghiệm, đoàn thì nghiên cứu… tấp nập, nhộn nhịp lắm”, ông Chau kể.
Ông Lô Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch tỏ ra rất hãnh diện khi nói về Mường Đán, hiếm ở đâu có làng Thái cổ mà những nếp nhà sàn lại lợp bằng gỗ Sa mu như ở Mường Đán.
Chưa hết, Mường Đán còn nổi tiếng với cây quế quỳ. Một thời gian dài chạy đua với cái đói, người dân tạm quên cây quế để trồng cây ngắn ngày. Nay đời sống khấm khá hơn, cây quế quỳ lại được ươm trồng để phát triển kinh tế.
“So với các cây trồng khác, quế quỳ có thời gian sinh trưởng dài hơn, nhưng về hiệu quả kinh tế thì ăn đứt. Mới vài năm trở lại đây, diện tích cây quế quỳ đã tăng nhanh chóng, toàn bản có 197 hộ với 863 khẩu thì có đến hơn 2/3 số hộ phát triển loại cây này. Ngoài ra, bà con còn phát triển mạnh cây keo tràm để cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Việt thông tin.
Bà Lô Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng cho biết, huyện Quế Phong có nhiều danh thắng đẹp như thác Xao Va, thác Bảy Tầng, quần thể cây Sa mu, cây Pay sừng (đã được công nhận là cây di sản), đặc biệt làng Thái cổ Mường Đán với những nếp nhà sàn trên 100 năm tuổi… là những giá trị cần phải bảo tồn và cũng cần phải đánh thức.