Mặc dù các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường nhưng tình trạng buôn bán tại nhiều chợ truyền thống như chợ Vinh, chợ Ga, chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng… ở Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn ế ẩm. Theo khảo sát của PV Người Đưa Tin, mặc dù hết quý 1/2023 song tại nhiều chợ truyền thống, nhiều tiểu thương vẫn chưa mở cửa trở lại, một số người treo biển sang nhượng lại ốt quán.

55-1680869680.jpg
Nhiều tiểu thương rao chuyển nhượng, cho thuê ốt.

Theo Ban quản lý chợ Vinh, cả khu vực chợ Vinh có trên 3.000 ki ốt. Từ thời điểm sau dịch đến nay, các tiểu thương bỏ chợ, sang nhượng quầy ốt rất nhiều. Cụ thể, ở khu đình chính với hơn 1.000 ki ốt nhưng đến nay đã giảm đến 10-15%; còn khu đình Tây cũng trên 900 ki ốt bán chủ yếu các mặt hàng như: gạo, thịt, mắm, muối… nay tiểu thương cũng bỏ chợ đến 70-80%.

gg-1680869702.jpg
Khu vực bán hàng gia dụng ở chợ Ga Vinh thưa thớt khách.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An, tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,36%. Có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,77%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,35%; May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,29%; Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,1%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%; Giao thông giảm 0,28%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,14%.

Trước tình hình ế ẩm đó, ở các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương đã bắt đầu chuyển đổi phương thức kinh doanh, vừa bán hàng trực tiếp vừa bán hàng online. Những cửa hàng thực phẩm cũng đã tính toán, rao bán trên mạng xã hội các mặt hàng của mình với giá ưu đãi, sơ chế sẵn để thuận tiện cho người mua,...thậm chí là ship hàng tận nơi. "Ngoài bán hàng ngoài chợ, tôi còn nhờ con đăng các mặt hàng của mình lên facebook, zalo,...để tăng sức mua", chị Hà Thị Phương tiểu thương ở chợ Ga Vinh cho biết.

Theo một chủ cửa hàng quần áo ở chợ Ga Vinh, ngoài phục vụ bán ở chợ cho khách ở chợ, cửa hàng còn tập trung mạnh cho kênh online. Nhờ vậy doanh thu bán hàng cũng tăng đáng kể.

Để duy trì và phát triển. nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Nghệ An cũng đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới. Theo đó, giải pháp quan trọng được nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở Nghệ An lựa chọn là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng, thực hiện nhiều chương trình giảm giá để cải thiện sức mua.

h-1680869726.jpg
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt năm 2023 ước đạt 6.797,8 tỷ đồng

Theo ông Trần An Khang – Giám đốc siêu thị BigC Vinh, hiện tại thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi. Người tiêu dùng đã đi ít lại và giỏ hàng nhiều hơn. Họ không còn đi mua sắm nhiều lần như trước đây, khách hàng đã thắt chặt chi tiêu hơn. Đặc biệt người tiêu dùng cũng quan tâm các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Vì vậy, để kích cầu mua sắm siêu thị Big C Vinh đã chạy chương trình khuyến mãi lớn 2 lần/1 tháng. Ngoài ra, còn có các chương trình về thực phẩm tươi sống giảm thêm 10% nếu khách hàng đi chợ trước 10h sáng hằng ngày, giảm giá sốc trên 1000 sản phẩm thiết yếu là chương trình lớn nhất trong năm đang chạy. Chiến dịch về giá được quảng bá rộng rãi để khách hàng trải nghiệm mua sắp tiết kiệm nhất trong giai đoạn này. Doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa, duy trì sức mua. Với nhiều “chiêu” kích cầu này, doanh thu của Big C 3 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2022. Đơn vị này còn chú trọng hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt và tăng sức mua bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá luân phiên đa dạng mặt hàng.

Để duy trì kinh doanh, đa số các nhãn hàng và thương hiệu ở các siêu thị như MM Mega Market, Maximax, Siêu thị Hương Giang ... đã đồng loạt tung gói khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng chi tiêu như mua 1 tặng 1, tặng voucher giảm 10% cho hoá đơn từ 500.000 nghìn đồng... Đại diện các siêu thị này cho biết, thời điểm này để giữ được mức giá ổn định cho người tiêu dùng, cũng cả một nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp.

bb-1680869747.jpg
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Nghệ An đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An, tháng 3/2023 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nghệ An giảm với mức giảm 0,36% mặc dù tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bình quân quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,80% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người. Người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn,…

Theo bà Hà, chợ truyền thống vắng chủ yếu do khách hàng mua qua kênh online và khó khăn chung về kinh tế, nên người dân càng thắt chặt chi tiêu. Sở Công Thương đã ghi nhận khó khăn của tiểu thương và đây cũng là khó khăn chung của nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thời gian tới không chỉ chợ truyền thống mà cả ngành hàng bán lẻ cũng rơi vào khó khăn chung…

Theo Minh Tâm - Hà Hằng - nguoiduatin.vn