Dịch Covid-19 được xem là “phép thử” để đo "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khó khăn, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng...
 
Do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn trước những diễn biến khó lường.
 
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 48.200 tỉ đồng, bằng 14,3% dự toán và giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Nguyên nhân chính được cho là do tác động của dịch Covid-19, đà tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu đã chậm lại, trong đó, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn đều giảm.
 
Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho hay, số lượng tàu đến cảng giảm. Có một số khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển giảm mạnh như: Quảng Nam giảm 72%, khu vực cảng An Giang, Nam Định giảm từ 33 - 36%, khu vực TP HCM giảm 18% so với cùng kì năm 2019.
 
Hàng hóa nhập khẩu không thuận lợi như trước khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, chậm đơn hàng, song vẫn phải “gồng mình” chống đỡ. Ông Trần N. H. - giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh hàng gia dụng tại Hà Nội cho hay, dịch bệnh là sự cố bất khả kháng, không ai đoán trước được nên doanh nghiệp của ông gặp khó khăn trong việc đảm bảo các đơn hàng, cũng như chậm trễ tiếp nhận các linh kiện nhập khẩu.
 
“Từ đầu năm đến nay công ty tôi đang phải gánh lỗ vì doanh số bán hàng giảm, linh kiện nhập khâu từ nước ngoài về chậm. Đến nay mới đón được công hàng đầu tiên”, ông H. chia sẻ.
 
Về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông H. cho rằng, bên cạnh việc đề xuất các phương án hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp phải đối mặt và tìm cách thích ứng. “Cụ thể, doanh nghiệp cần có phương án chuyển đổi, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế cũng như tiếp cận đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ mới, giảm sự lệ thuộc vào các đầu mối kinh doanh truyền thống. Thực tế là hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khả năng đối phó với rủi ro chưa cao, do đó phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác trở thành khách hàng, thị trường của nhau hoặc chia sẻ nguồn, nguyên liệu mới có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông H. nói.
 
Hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực quốc tế, ông Đỗ M. C. - lãnh đaọ một công ty tư vấn du học và xuất khẩu lao động tại Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 tác động đáng kể tới công ty. Số lượng học viên sang các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản giảm đáng kể khi dịch bệnh hoành hành. Công ty đã phải cắt giảm số nhà thuê cho các học viên ở, đồng thời tạm dừng các lớp học tập trung để tránh dịch.
 
“Dịch bệnh càng kéo dài thì công ty càng khó khăn thêm vì kỳ tuyển sinh du học sắp tới của các em đang đến gần”, ông C. chia sẻ.
 
Theo ông C., tác động của dịch Covid-19 là khó tránh khỏi, nhưng đây cũng chính là phép thử đối với "sức khỏe" của mỗi doanh nghiệp, để từ đó tái cơ cấu, sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới. “Trong khó khăn luôn có cơ hội và mỗi doanh nghiệp sẽ tự nhìn thấy và có kế hoạch, hành động nắm bắt thời cơ đó. Điều quan trọng là dù trong hoàn cảnh nào thì công ty vẫn đảm bảo chất lượng và uy tín là ưu tiên số 1”, ông C. nhấn mạnh.
 
Theo quan điểm của ông chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì hệ lụy và thiệt hại sẽ rất lớn. Tuy nhiên, sự cố này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại hướng đi của mình, phải thay đổi tư duy, chú trọng phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. 
 
Bên cạnh việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và bộ, ngành, địa phương thì doanh nghiệp cần bình tĩnh xác định lại chiến lược phát triển dài hạn bởi các hỗ trợ từ Nhà nước chỉ mang tính thời điểm và dịch bệnh chỉ là một trong trong những rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
 
Do đó, doanh nghiệp cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất và các nguồn lực có thể khai thác được để tiếp cận các thị trường mới, phát triển sản phẩm, đồng thời chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng với rủi ro, TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị.