Năng suất khai thác sụt giảm
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cảng Cửa Lò (năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng) là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) thuộc nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ. Theo đó, cảng Cửa Lò được quy hoạch bao gồm khu bến Nam Cửa Lò (09 bến) và khu bến Bắc Cửa Lò (25 bến), phục vụ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.
Với quy hoạch như vậy, cảng Cửa Lò còn đóng vai trò tiếp nhận một phần hàng hóa quá cảnh cho nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan với quy mô có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí, bến cảng khách, du thuyền gắn với du lịch địa phương.
Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An nghiên cứu xây dựng tại Bắc và Nam Cửa Lò bến cho tàu 30.000 ÷ 50.000 tấn, phục vụ thu hút các nhà đầu tư kinh doanh cảng biển. Trong giai đoạn từ năm 2010-2020, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi thành công một số nhà đầu tư kinh doanh cảng biển, đến nay Cảng Cửa Lò đã có 12 bến đưa vào khai thác (05 bến tổng hợp; 05 bến xi măng; 02 bến xăng dầu) bước đầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận.
Đến nay, với lợi thế sở hữu vị trí thuận lợi, đón đầu xu hướng dịch chuyển nguồn hàng trực tiếp từ Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An từ khi hình thành năm 2007 đến nay. Cùng với đó, cảng Cửa Lò nằm trên trục giao thông kết nối chuỗi xuất nhập khẩu hàng hóa cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan là mắt xích chiến lược kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động logistics của cả nước.
Tuy nhiên việc khai thác hiệu quả cảng biển để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển dịch vụ logistics trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, sản lượng liên tục sụt giảm trong vài năm trở lại đây.
Qua khảo sảt, tổng lượng hàng hóa qua cảng Cửa Lò 02 năm gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, vào ăm 2021 là 12,06 triệu tấn (hàng tổng hợp là 4,65 triệu tấn; xi măng là 7,1 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,31 triệu tấn) đến năm 2022 là 11,96 triệu tấn (hàng tổng hợp là 5,60 triệu tấn; xi măng là 6,33 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,03 triệu tấn).
Còn theo báo cáo thống kê của Bộ GTVT hồi tháng 9/2021 cho biết trong 5 năm lại đây, sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng khu vực miền Trung ngày càng lớn nhưng phần tăng nhanh chủ yếu thuộc về cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Cơ chế chính sách hỗ trợ chậm triển khai
Lý do vì từ năm 2021, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách 200.000.000 đồng/chuyến vào, ra cảng đối với hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng; Hỗ trợ 700.000 đồng/container (đối với container 20 feet), 1.000.000 đồng/container (đối với container 40 feet trở lên) đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng.
Còn tại tỉnh Thanh Hoá, từ năm 2022 sẽ hỗ trợ tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 166/2022/HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến; Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.
Trong những năm gần đây, cùng với việc thu hút đầu tư hạ tầng cảng biển, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho loại hình vận chuyển bằng container qua cảng biển để khuyến khích các hãng tàu mở tuyến vận chuyển bằng container, cũng như duy trì hoạt động khai thác trong thời gian đầu, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp vận tải biển, các hãng tàu container khai thác tuyến thường xuyên qua cảng Cửa Lò bị lỗ do doanh thu không bù đắp được các chi phí hoạt động. Do đó, muốn duy trì được tuyến container cố định qua cảng Cửa Lò, đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải có chính sách hỗ trợ ban đầu khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng.
Cùng với đó, việc thu hút hàng container của doanh nghiệp ngoài tỉnh, doanh nghiệp vị trí xa cảng chuyển từ phương thức vận chuyển hiện tại (đường bộ, đường sắt, đường hàng không) sang phương thức vận chuyển bằng tàu biển container qua cảng Cửa Lò là cần thiết. Khi tuyến container được hình thành và duy trì sẽ tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tác động gián tiếp tăng các khoản thu dịch vụ tại cảng, giải quyết việc làm…cho địa phương trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề thu hút tàu container để hỗ trợ cho chủ hàng, chủ tàu của Nghệ An đến thời điểm này vẫn chưa thể áp dụng vì Nghị quyết vẫn còn nằm trên bàn thảo.
Ông Bùi Kiều Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh cho biết, trước năng lực cạnh tranh cảng biển trong bối cảnh như vậy giữa các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung Bộ, đơn vị cũng đã có văn bản kiến nghị ngành chức năng tỉnh Nghệ An về việc sớm ban hành chính sách hỗ trợ tàu hàng container.
“Từ ngày 26/9/2022, Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh đã có văn bản gửi HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị có chính sách hỗ trợ các hãng tàu khai thác tuyến container quốc tế để mở rộng, phát triển thị trường hàng hoá và thiết lập thêm nhiều tuyến vận tải container từ cảng Cửa Lò đi đến các cảng khác trên thế giới. Tuy nhiên, kiến nghị này đến nay vẫn chưa thể thành hiện thực vì phải chờ dự thảo lần 2 mới có thể thông qua HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết. Dự kiến vào tháng 07 năm nay” – ông Bùi Kiều Hưng cho biết.
Theo Ngọc Thái - diendandoanhnghiep.vn