Bến cảng phê duyệt hoành tráng
Khu bến cảng biển Đông Hồi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 838/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2011 với chức năng nhiệm vụ là cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, vật liệu xây dựng trong Khu công nghiệp Đông Hồi và vùng lân cận. Tổng diện tích đất quy hoạch là 1.096,7ha, trong đó, phạm vi quy hoạch vùng đất là 540,4ha; phạm vi quy hoạch vùng nước là 556,3ha. Phân khu chức năng bao gồm:
Bến cảng nhà máy nhiệt điện gồm 04 bến đáp ứng cho cỡ tàu từ 10.000DWT-20.000DWT, chiều dài bến là 800m. Giai đoạn đến năm 2015 có 02 bến, chiều dài 300m.
Bến cảng cho nhà máy thép gồm 04 bến, trong đó 01 bến xuất sản phẩm cho tàu 50.000DWT, các bến còn lại cho tàu từ 10.000DWT - 20.000DWT, tổng chiều dài tuyến bến là 850m. Giai đoạn đến năm 2015 có 04 bến mức độ khai thác hạn chế.
Bến cảng xi măng và vật liệu xây dựng gồm 11 bến đáp ứng cho tầu từ 20.000DWT-50.000DWT, chiều dài tuyến bến là 2.850m. Giai đoạn đến năm 2015 có 06 bến, chiều dài tuyến bến 1.500m, mức độ khai thác hạn chế. Các khu chức năng khác gồm có: Khu đất hậu phương cảng 166,8ha; khu nước, luồng tầu và công trình bảo vệ: 556,3ha; khu đất dự phòng phát triển: 221,5ha.
Theo dự kiến đến năm 2020, cảng sẽ tiếp nhận được tàu từ 30.000-50.000DWT với tổng vốn đầu tư dự kiến là 16.555 tỷ đồng, trong đó đầu tư đến năm 2015 khoảng 10.574 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay sau hơn 11 năm hầu hết các hạng mục chưa triển khai xây dựng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sau khi được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng đã có 3 nhà đầu tư xúc tiến các thủ tục pháp lý để xây dựng dự án bến cảng, nhưng tình hình triển khai vấp phải khó khăn, vướng mắc tại các dự án thuộc khu bến cảng Đông Hồi.
Cụ thể, bến cảng Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và bến cảng Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (cỡ tàu lớn nhất 50.000 DWT) hiện nay chưa triển khai do phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các dự án tại Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập.
Dự án Cảng Vicem Đông Hồi do Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh cho phép lựa chọn địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3279/QĐ-UBND.CN ngày 30/7/2013. Theo đó, Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam đăng ký đầu tư xây dựng Cảng Vicem Đông Hồi với 10 bến phục vụ xuất nhập khẩu xi măng. Tổng diện tích nghiên cứu khảo sát là 120ha trong đó phạm vi trên cạn khoảng 45ha, dưới nước 75ha.
Dự án Cảng Vicem Đông Hồi chủ yếu để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho Nhà máy xi măng Hoàng Mai I và Nhà máy xi măng Hoàng Mai II. Tuy nhiên, do dự án Nhà máy xi măng Hoàng Mai II chưa hoàn thành hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nên các bến cảng phục vụ nhà máy chưa được triển khai thực hiện.
Dự án Bến cảng Thanh Thành Đạt do Công ty TNHH Thanh Thành Đạt làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 305/QĐ-UBND.ĐTXD ngày 22/01/2014. Tổng diện tích khu đất quy hoạch xây dựng cảng là khoảng 20ha. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 25/01/2014 với tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã làm việc với ngân hàng để có cam kết cấp tín dụng triển khai dự án; ký hợp đồng với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Nghệ An để trích lục và đo vẽ bản đồ địa chính phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng; ký hợp đồng với đơn vị tư vấn TEDI PORT để triển khai khảo sát địa chất công trình, lập hồ sơ thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công công trình bến cảng.
Sau hơn 11 năm phê duyệt vẫn “gỡ không ra”
Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và tư vấn thiết kế đường bộ Nghệ An (đơn vị thi công tuyến đường nối đường 36 ra cảng biển Đông Hồi) cho biết: “Công ty chúng tôi là đơn vị thi công đoạn đường nối đường 36 ra cảng Đông Hồi, tuyến nối này đã làm xong từ hơn 3 năm trước với 4 làn xe có tổng dự toán hơn 14 tỷ đồng, nhưng đến hiện tại chỉ để nối thông ra bãi đất trống. Hiện tại, chủ đầu tư cũng đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo quy định và có triển khai kế hoạch xây dựng 2 cầu cảng tại Cảng biển Đông Hồi như do các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dùng chung như kè chắn sóng, luồng tàu vào cảng đến nay vẫn chưa được triển khai thi công, nên chủ đầu tư chưa tiến hành ký hợp đồng triển khai xây dựng 2 cầu cảng này được”.
Ông Đinh Sơn Minh – Phó phòng Quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: “Các dự án đầu tư các bến đều gặp khó khăn trong việc triển khai đầu tư xây dựng do chưa có nhà đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng dung cho cả khu bến cảng như đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng. Trong những năm vừa qua việc bố trí nguồn vốn cho dự án là rất khó khăn do Dự án đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Đông Hồi không nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Mặt khác, việc kêu gọi thu hút các nhà đầu tư cho dự án nêu trên còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn để thực hiện là rất lớn”.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch chi tiết, khu bến cảng biển Đông Hồi được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 838/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2011, hệ thống đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Đông Hồi được quy hoạch sử dụng chung cho toàn bộ các bến cảng. Theo Khoản 3 Điều 4, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, trong đó “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyền tải chuyên dùng có trách nhiệm đầu tư xây dựng, thiết lập kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải chuyên dùng, khu nước…”. Như vậy, khi nhà đầu tư xây dựng bến cảng theo đúng quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Đông Hồi thì rất khó khăn trong việc xây dựng, thiết lập luồng hàng hải, khu nước để sớm đưa bến cảng đi vào hoạt động, ông Minh cho biết thêm.
Một cảng biển được kỳ vọng tạo bước đột phá liên kết phát triển kinh tế cho vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ với chức năng nhiệm vụ là cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, vật liệu xây dựng trong Khu công nghiệp Đông Hồi và vùng lân cận. Thế nhưng, sau hơn 11 năm không hiểu vì lý do gì mà các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dùng chung như kè chắn sóng, luồng tàu vào cảng đến nay vẫn chưa được triển khai thi công… Đã đến lúc, UBND tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các đơn vị chức năng cần sớm tìm ra hướng tháo gỡ để sớm đưa cảng biển Đông Hồi vào hoạt động tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà./.