uy-1691636250.jpg
Các bị cáo tại tòa ngày 8/8.

Từ ngày 8/8, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo đó, các bị cáo trong vụ án phải ra hầu tòa gồm: Đặng Quang Tuấn (Nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc); Phan Việt Anh (nguyên Phó TGĐ), Chu Thị Ngọc Ngà (nguyên Trưởng ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh).

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ là doanh nghiệp cổ phần, trong đó Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần (doanh nghiệp có 98,83% vốn Nhà nước) là cổ đông đang nắm giữ 50,09% vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần còn lại (49,91%) do cổ đông là người lao động và cổ đông ngoài công ty nắm giữ.

Năm 2011, Công ty Tây Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh giao khu đất tại huyện Quế Võ có tổng diện tích hơn 581.437m2 để xây dựng Khu đô thị mới Quế Võ.

Năm 2014, Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng cho TNHH Tùng Bách 281.373,3m2 diện tích dự án.

Trong phần diện tích đất còn lại có 180.650,0m2 được giao cho Công ty Tây Hồ làm Chủ đầu tư. Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp 118 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với 118 lô đất ở, phần dự án còn lại lúc này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng do thiếu vốn.

Cuối tháng 2/2017, Hội đồng quản trị công ty đã họp, ra nghị quyết giao 118 lô đất nêu trên cho Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng, ban liên quan làm việc với đơn vị thẩm định xác định giá trị đầu tư, xây dựng phương án kinh doanh chuẩn bị bán hàng thu hồi vốn…

Quá trình thực hiện các bị cáo đã thuê Công ty cổ phần đầu tư và thẩm định giá AIC - Việt Nam để xác định giá trị quyền sử dụng các lô đất. Công ty AIC - Việt Nam, tiến hành thẩm định sơ bộ xác định giá mỗi lô đất dao động từ 6 - 7,5 triệu đồng/m2.

Tháng 5/2017, các thành viên HĐQT là Tuấn, Hải, Việt Anh có sự tham gia của bà Ngà, đã thống nhất chủ trương sẽ tìm cách “bán buôn” 118 lô đất để huy động vốn hoàn thiện hạ tầng, khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện việc “bán buôn”, Công ty ký hợp đồng thuê văn phòng luật sư và được tư vấn ký “hợp đồng hỗ trợ tài chính” với một số tổ chức, cá nhân để “hợp thức hóa” việc bán đất.

Các bị cáo đã ký hợp đồng hỗ trợ tài chính và chuyển nhượng cho 2 nhóm khách hàng 94 lô đất. Với 24 lô còn lại được bán cho Công ty Bất động sản Tây Hồ (Công ty Tây Hồ là cổ đông) với giá 62,6 tỷ đồng.

Quá trình bán đất, 4 bị cáo HĐQT và bị cáo Ngà còn bàn nhau, thống nhất sẽ ra Nghị quyết để phê duyệt giá bán thấp hơn giá thực tế để lấy tiền chia cho các thành viên HĐQT, chi thưởng lãnh đạo chủ chốt, chi các khoản không có chứng từ, không hạch toán được.

Cụ thể, các bị cáo đã ký hợp đồng hỗ trợ tài chính và chuyển nhượng cho nhóm khách hàng là bà Nguyễn Thị H. (ở Hà Nội) 77 lô đất với giá 71,9 tỷ đồng.

Giá bán thực tế cho bà H. là 5,2 triệu đồng/m2 đất biệt thự và 6,5 triệu đồng/m2 đất liền kề. Nhưng giá bán trên sổ sách tương ứng với 2 loại đất trên là 4,2 và 5,4 triệu đồng.

Nhóm khách hàng do bà Nguyễn Thị S. (ở Bắc Ninh) đứng tên mua 17 lô đất, với giá 13 tỷ đồng. Giá thực tế là 7 triệu đồng/m2 nhưng giá sổ sách chỉ là 4,7 triệu đồng/m2 đất biệt thự và 5,8 triệu đồng/m2 đất liền kề.

Còn 24 lô biệt thự trong đó có cả những lô biệt thự phải xây thô, lúc này, giá đất đã tăng nên nhóm lãnh đạo Công ty bàn bạc để chuyển nhượng cho một công ty sân sau là Công ty bất động sản Tây Hồ.

Công ty bất động sản Tây Hồ, do bị cáo Ngà làm Tổng giám đốc, mua đất với giá 5,2 triệu đồng/m2 rồi bán ra thị trường cho các khách hàng lấy tiền chênh lệch dùng vào việc chung của Công ty Tây Hồ.

Tổng số tiền chênh lệch để ngoài sổ sách là 23,7 tỷ đồng, do bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà thu và quản lý.

Sau khi thu được tiền chênh lệch, nhóm lãnh đạo gồm Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải mỗi người đút túi 2 tỷ đồng; Phan Việt Anh 1,5 tỷ đồng và Ngà được chia 1 tỷ đồng.

Số tiền còn lại được dùng để chi vào các dịp lễ tết, các khoản chi không có chứng từ, chi xin lại 10 ha đất tại Khu đô thị mới Quế Võ đã bị UBND Bắc Ninh thu hồi năm 2013.

Theo Viện kiểm sát, số tiền chuyển nhượng hơn 148 tỷ đồng, trong khi đó ngày 4/1/2022 Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kết luận xác định, tổng giá trị của 118 lô đất là hơn 333 tỷ đồng và kết luận hành vi chuyển nhượng 118 lô đất trái quy định của nhóm bị can tại Công ty Tây Hồ gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 91 tỷ đồng và thiệt hại cho nhóm cổ đông khác hơn 92 tỷ đồng.