a-1664770373.jpg
Quang cảnh hội nghị

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 119 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận. Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh. Huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

b-1664770392.jpg
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Lê đề nghị đề nghị xem xét ủy quyền cho Sở Y tế thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý các nội dung cụ thể của dự án luật. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Lê, về phạm vi điều chỉnh cần bổ sung thêm Người đại diện của người bệnh, người làm việc khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đề nghị xem xét ủy quyền cho Sở Y tế về thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đề nghị lựa chọn phương án 2 là kiểm tra đánh giá năng lực sau khi thực hành. Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2019 (trừ đối tượng y sỹ) sẽ chuyển từ chứng chỉ hành nghề không thời hạn sang Giấy phép hành nghề có thời hạn bắt đầu từ ngày 1/1/2027 (Sau 03 năm kể từ khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành).

Về hình thức cấp, bổ sung, gia hạn và cấp lại chứng chỉ hành nghề, cần quy định rõ các trường hợp cần bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn, đơn cử như đã có chứng chỉ hành nghề ngoại khoa và có chứng chỉ đào tạo định hướng sản phụ khoa thì cần phải bổ sung chứng chỉ hành nghề. Tăng thời gian có hiệu lực của Giấy chứng nhận chất lượng từ 05 – 10 năm.

Đối với trường hợp người bệnh điều trị nội trú, Sở Y tế góp ý không gửi giấy chuyển viện kèm tóm tắt hồ sơ bệnh án vì bệnh nhân cần chuyển lên tuyến trên thì tình trạng người bệnh thường nặng, cần xử lý nhanh cho người bệnh chuyển viện, nếu chờ tóm tắt bệnh án (theo mẫu Thông tư 56/2017/TT-BYT) sẽ gây phiền hà thêm cho người bệnh. Mặt khác, trong giấy chuyển tuyến đã ghi rõ quá trình bệnh sử, diễn biến bệnh, kết quả cận lâm sàng và phương pháp điều trị đã sử dụng nên tóm tắt hồ sơ bệnh án kèm theo giấy chuyển viện là không cần thiết...

Các đại biểu cũng đồng tình cao với việc chỉ quy định 01 điều về “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh” tại điều 6 của dự thảo Luật. Bởi vì, mặc dù Hội nghề nghiệp có vai trò quan trọng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật về Hội sẽ chi tiết cụ thể hơn.

Đối với chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi. Về quy định liên quan đến cấp cứu, cần quy định rõ về tổ chức, nguyên tắc, điều kiện hoạt động, điều kiện bảo đảm để tạo thuận lợi, có hành lang pháp lý rõ ràng nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả; đề nghị bổ sung hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở cấp cứu ngoài bệnh viện, bởi vì cấp cứu ngoài bệnh viện là một hoạt động rất quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh, góp phần cứu sống nhiều người bệnh trong lúc nguy kịch, tai nạn thương tích...

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ bổ sung mục 2, Chương VIII về thử nghiệm lâm sàng, các đại biểu cho rằng việc luật hóa các nội dung này là cần thiết và đảm bảo những quy định liên quan đến quyền con người được quy định bằng Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu những nội dung còn vướng mắc khi tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh để đề xuất sửa đổi, bổ sung, nghiên cứu xây dựng dự án Luật về thiết bị y tế, tương tự như Luật Dược để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý của lĩnh vực quan trọng này.

Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đồng tình với phương án 2 của dự thảo vì quy định rõ hơn các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và đã giao Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng tình với phương án 1 dự thảo, tuy nhiên cần làm rõ thêm nội hàm của 04 yếu tố cấu thành giá để thể hiện rõ tính đầy đủ từng chi phí cấu thành giá dịch vụ nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ giá khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch...

c-1664770415.jpg
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung phát biểu

Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là đại diện lãnh đạo các cơ sở Y tế. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, ghi nhận và trình đến Quốc hội để Luật Khám chữa bệnh đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua./.