0929-sot-xuat-huyet2-166063746959628634375-1666749182.jpg
Dịch sốt xuất huyết dự báo gia tăng

Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch như diệt bọ gậy, lăng quăng, ngủ mắc màn không để muỗi đốt.

Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu vào mùa đông có nguy cơ bùng phát một số bệnh gây dịch khác như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus...

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận 10-20 bệnh nhân nặng. Các bệnh nhân đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Nhiều bệnh nhân còn có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, hoặc trên cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thấp thì mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm chí có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.

Để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết gia tăng và bùng phát, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen,... Trường hợp bệnh nhân đã uống những loại thuốc này nên đến bệnh viện sớm để bác sỹ tư vấn, không cần thiết uống kháng sinh, không truyền dịch khi không có chỉ định.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.199 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3.3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 5 ca tử vong; có 720 ổ dịch sốt xuất huyết đã được báo cáo, hiện còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.

Cũng tính từ đầu năm đến nay, riêng ở 20 tỉnh thành phía Nam đã phát hiện hơn 200.000 ca sốt xuất huyết. Trong đó, sốt xuất huyết người lớn chiếm tỷ lệ 53%./.