Nơi xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô
Núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An, nơi xây dựng Đền thờ Hoàng đế Quang Trung hiện nay trước đây là khu vực được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Sau đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất là chọn đất đóng đô cho vương triều mới. Sau nhiều lần qua Nghệ An, thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nên ông đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Viện trưởng Sùng chính thư viện, xây dựng thành.
Vị trí được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô là vùng đất giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) ở Yên Trường, Châu Lộc, Nghệ An, nay là phường Trung Đô, TP Vinh. Đây là vùng đất hội tụ cả long - ly - quy - phượng để xây thành, gọi là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Theo đó, mỏm đá về phía Tây có hình dáng long gọi là Mũi Rồng. Chi chạy theo hướng Đông Nam có hình dáng loan cánh phượng, tục gọi là Phượng Hoàng. Chi chạy về phía Nam gọi là Kỳ Lân hay núi Con Mèo, chi chạy theo hướng Đông Bắc mang tên Cồn Rùa.
Mặc dù chỉ được xây dựng trong thời gian ngắn và gấp, nhưng thành đã có thành nội, thành ngoại và điện Thái Hòa, nơi Hoàng đế Quang Trung thiết triều.
"Hoàng Lê nhất thống chí" đã viết: "Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu 3 tầng cùng 2 dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ".
Trong khi đó, sách "La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp" của GS Hoàng Xuân Hãn cũng ghi: "Ngoài các vách núi làm bức lũy tự nhiên còn phải đắp bờ thành Nam dài 300 m, bờ thành Tây dài 450 m và các nền cao thì ngang dọc cũng chỉ chừng 20 m"... Rất tiếc, khi thành Phượng Hoàng vừa xây xong, kế hoạch dời đô còn dang dở thì Hoàng đế đột ngột băng hà.
Ngoài ra, theo một số ý kiến, núi Dũng Quyết, nơi xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đặc biệt linh thiêng bởi đây có thể là nơi an táng của vị vua tài năng này.
Tọa lạc trên đỉnh núi
Đỉnh núi Dũng Quyết mà người dân quen gọi là núi Quyết có bốn chi: Chi hướng về phía Tây gọi là Long Thủ (đầu rồng), chi hướng về phía Đông Nam là Phượng Dực (cánh phượng hoàng), chi hướng về phía Đông Bắc gọi là Quy Bối (lưng rùa) và chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con mèo).
Đền thờ vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi thứ hai, thuộc chi Phượng Dực, trên độ cao 97 m so với mực nước biển, được khởi công xây dựng từ ngày 15-8-2005, đến ngày 7-5-2008 làm lễ khánh thành và mở hội phục vụ khách tham quan, là công trình kỉ niệm 220 năm Phượng hoàng Trung Đô.
Hiện, từ chân núi đi theo con đường núi dài khoảng 1 km quanh co, hai bên là rừng thông, chúng ta lên khu vực xây dựng Đền thờ Hoàng đế Quang Trung.
Để vào khu vực đền, du khách phải đi qua 81 bậc tam cấp. Bước chân vào khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm 1 cổng lớn và 2 cổng nhỏ đối xứng ở hai bên; cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài, ở cổng chính hai bên có 2 thần hộ pháp canh giữ đền.
Tiếp đó là tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá Thanh Hóa có chạm khắc hoa văn. Sau bình phong là 2 nhà bia ngoảnh mặt vào nhau. Phía nhà bia bên tay phải có 1 chuông lớn và bia khắc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung với lòng tự hào dân tộc. Nối tiếp là nhà tả vu và hữu vu gồm 3 gian, 2 chái làm bằng gỗ lim.
Nhà hữu vu là nhà đón tiếp đại biểu và các đoàn khách về viếng thăm. Giữa hai nhà là khoảng sân rộng 1.500 m2 với vườn cây cảnh tạo nên một không gian thơ mộng.
Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm giữa rừng thông, đứng từ đền thờ chúng ta có thể tha hồ chiêm ngưỡng dòng sông Lam hiền hòa uốn lượn, ngắm TP Vinh mờ ảo trong sương.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung là điểm du lịch tâm linh mà mỗi ai khi đến xứ Nghệ cũng mong muốn một lần được ghé qua./.