nha-van-hoa-1643873198.jpg
Kinh phí thu được từ việc bán đất nông nghiệp được sử dụng một phần để san lấp mặt bằng xây dựng nhà văn hóa xóm 6 (trước đây là xóm 9), xã Hưng Yên Nam. Ảnh: QĐ

Phiên tòa không triệu tập bị hại

Như Lao Động đã thông tin, vào tháng 3.2021, Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh Hữu Hạnh, nguyên xóm trưởng xóm 9, xã Hưng Yên Nam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 6 cán bộ xóm là thành viên của Tiểu ban phụ trách công tác dồn điền đổi thửa xóm 9 cũng bị khởi tố về hành vi tương tự.

Tại Kết luận điều tra số 41 ngày 13.9.2021 của Công an huyện Hưng Nguyên do thượng tá Phan Ngọc Thanh ký, xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 496,4 triệu đồng. Số tiền trên được tính toán trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp các bị can đã tổ chức bán là 10.850m2, nhân với giá đất nông nghiệp thời điểm đó. Công an cho rằng đất đó do xã quản lý, bị xóm bán làm xã mất quyền quản lý, sử dụng, nên quy ra số tiền như trên.

Cáo trạng số 43 ngày 27.9.2021 của Viện KSND huyện Hưng Nguyên do ông Viện phó Nguyễn Văn Nam ký cũng cáo buộc các bị can đã bán đất công ích, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà nước.

Ra tòa, phía Viện KSND huyện Hưng Nguyên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Tuy nhiên, quá trình tranh tụng, Hội đồng xét xử bất ngờ xác định hành vi bán đất trái thẩm quyền của các bị cáo đã gây thiệt hại cho những người mua đất, tuyên buộc họ trả lại đất cho xã quản lý và buộc các bị cáo phải hoàn lại 100% số tiền các gia đình đã bỏ ra mua đất sản xuất. Trước đó, các bị cáo đã nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả.

Điều đáng nói là trong các hồ sơ của phiên tòa, không có đối tượng bị hại. Những người mua đất được triệu tập với tư cách những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng ra tòa họ lại được xác định là bị hại. Cơ quan điều tra cũng không lập hồ sơ bị hại theo quy định.

Luật sư Mai Sỹ Lương (Nghệ An) cho biết theo Luật Tố tụng hình sự, bị hại của vụ án hình sự cần được xác định từ khâu điều tra, thống nhất trong khâu truy tố và được triệu tập tham dự phiên tòa để bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

“Trường hợp hồ sơ phiên tòa không có bị hại là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án và quyền lợi của các bị cáo cũng như những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”  - luật sư Mai Sỹ Lương nói và cho biết trường hợp này cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.  

Bị hại kháng cáo đề nghị cấp sổ đỏ

don-ba-nga-1-01-1643873234.jpg
Bà Đậu Thị Nga (xóm 6 xã Hưng Yên Nam) có đơn kháng cáo vụ án. Ảnh: QĐ

Liên quan vụ án nói trên, một trong các “bị hại” là bà Đậu Thị Nga có đơn kháng cáo về phần dân sự.

“Tại phiên tòa, tôi không yêu cầu bồi thường bằng tiền mà đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mua. Việc bán đất cho tôi được bàn bạc, thông qua tại cuộc họp xóm 9 ngày 14.11.2016 với sự tham dự của nhiều lãnh đạo xã Hưng Yên Nam. Tôi đã nộp tiền cho xóm và canh tác 5 năm nay, không tranh chấp. Tuy nhiên, tòa lại tuyên buộc tôi phải trả lại đất cho xã và nhận lại toàn bộ số tiền đã mua đất. Tôi không đồng ý nên kháng cáo”- bà Nga nói.

Theo luật sư Mai Sỹ Lương, việc xác định những người mua đất là bị hại cần được xem xét lại. Bởi đất là của người dân trong xóm, việc mua bán chuyển nhượng công khai, tự nguyện, ngay tình, sau khi nộp tiền thì người mua có đất sản xuất và đã canh tác 5 năm, họ đã thu được hoa lợi.  

“Trường hợp không làm được sổ đỏ, người mua cũng có phần lỗi (do không tìm hiểu các quy định trước khi mua), và hoàn toàn không bị thiệt hại. Đất họ trả lại cho xóm, tiền nong 2 bên tự thỏa thuận. Một phần tiền mua đất được sử dụng vào các mục đích công ích, người mua đất cũng đã được hưởng lợi”- luật sư Lương nói./.