a-1641776012.jpg
Chính phủ đề xuất một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Trong ảnh: Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây)

Lợi lớn khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu

Trong dự thảo báo cáo đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH vừa gửi đến Quốc hội, Chính phủ đề xuất một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, có quy mô vốn lớn thuộc chương trình.

Theo đó, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đã thực hiện tốt các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho rằng, về bản chất, chỉ định thầu được áp dụng đối với những công trình mang tính cấp bách, đặc biệt quan trọng, đòi hỏi tính hiệu quả về thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn, trong đó có tính minh bạch,…

“Việc Chính phủ đề xuất chỉ định thầu tư vấn và xây lắp các gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, phù hợp và tối ưu hiệu quả cho dự án”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn phân tích, ưu điểm lớn nhất khi chỉ định thầu là sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm từ 6 đến 8 tháng. Đồng thời, khi áp dụng chỉ định thầu sẽ giúp doanh nghiệp, nhà thầu chủ động công việc. Bởi, trong quá trình chờ các khâu trình duyệt, doanh nghiệp vẫn có thể triển khai song song một số bước chuẩn bị tiếp theo. “Đây là điều khác biệt so với đấu thầu, bởi trong quá trình đấu thầu,  các doanh nghiệp không thể chủ động thực hiện các bước chuẩn bị dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng nói: “Ưu điểm lớn nhất của chỉ định thầu là nhanh chóng tìm đúng người, đúng việc, tăng được tiến độ triển khai dự án từ 6 tháng đến 1 năm, ngược lại, nếu đấu thầu thì thời gian kéo dài và thời gian hoàn thành dự án sẽ chậm”.

Theo ông Khôi, để quyết định chọn hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu thì cần căn cứ vào mục tiêu của dự án. Nếu tiến độ dự án cấp bách thì chỉ định thầu sẽ là giải pháp tối ưu và giải quyết được những nhược điểm kéo dài thời gian của đấu thấu.

Dẫn chứng tại các dự án nâng cấp, mở rộng mở rộng QL1 trước đây, ông Khôi nói: “Công trình này áp dụng phương thức chỉ định thầu nên đạt được kỳ tích chưa từng có, tiến độ triển khai thần tốc, vượt cả mục tiêu hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Ban đầu, thời gian triển khai xây dựng dự án dự kiến từ 2014 - 2016, nhưng sau khi được chỉ định thầu, dự án triển khai nhanh, chỉ triển khai thi công từ 2013 đến 2015 đã cơ bản hoàn thành, rút ngắn thời gian hoàn thành từ 1 - 1,5 năm”.

b-1641776045.jpg
Nếu tiến độ dự án cấp bách thì chỉ định thầu sẽ là giải pháp tối ưu và giải quyết được những nhược điểm kéo dài thời gian của đấu thấu.

Nhiều công trình kém chất lượng do giảm giá trong đấu thầu

Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, PGS.TS Trần Chủng -  Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, mục đích cuối cùng của việc lựa chọn nhà thầu là tìm được các nhà thầu có năng lực phù hợp đảm bảo tiến độ, chất lượng và giá thành của công trình.

Theo ông Chủng, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu vừa qua có nhiều điều chưa đạt được như kỳ vọng. Dễ thấy nhất là việc đấu thầu quá chú trọng vào giá thành, nói cách khác đấu thấu trong thời gian qua chẳng khác nào đấu giá. “Đấu thầu hay chỉ định thầu mục đích là lựa chọn nhà thầu để làm ra sản phẩm cuối cùng. Nhiều dự án khi đấu thầu giảm giá được mấy chục tỷ, thậm chí một vài trăm tỷ đồng,… nhưng chất lượng sản phẩm cuối cùng lại không như mong muốn thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều”, ông Chủng chia sẻ.

Ông Chủng phân tích thêm, lâu nay, trong đấu thầu xây dựng chỉ quan tâm đến giá thành giống như đấu thầu mua sắm hàng hóa thông thường, điều này là hoàn toàn không phù hợp. Bởi, đấu thầu mua sắm đã có sản phẩm rất cụ thể, có thể mục sở thị được sản phẩm đó như thế nào. Trong khi đó, đấu thầu xây dựng là đấu thầu một loại sản phẩm đặc biệt, trong giai đoạn đấu thầu không thể biết sản phẩm đó như thế nào, bởi đây là một sản phẩm trong tương lai. Vì vậy, độ tin cậy của nhà thầu là cực kỳ quan trọng.

“Lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông dựa trên niềm tin rằng nhà thầu sẽ làm ra sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo tiến độ, giá thành. Nhưng, trên thực tế có nhiều công trình, dự án đã lựa chọn nhà thầu đưa ra giá đắt hơn đến 5% vì giữa cam kết và thực thi của họ tạo ra được niềm tin cho chủ đầu tư để “chọn mặt gửi vàng”. Ngược lại, nhiều nhà thầu mạnh, đủ năng lực, khi đấu thầu đưa ra giá thành rẻ nhưng lại không tạo ra được sự tin tưởng. Tôi vẫn hay nói rằng, đấu thầu thì toàn thợ bậc 7, bậc 8, ra công trường thì đội nón đi dép lê”, ông Chủng chia sẻ.

Từ kinh nghiệm thực tế nhiều năm trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình, ông Chủng nói thẳng: “Ở đâu có ép giá, ép tiến độ, ở đó không thể có chất lượng công trình. Nhà thầu thi nhau ép giá trong quá trình đấu thầu, ai giá thấp nhất trúng thầu thì rất nguy hiểm. Đã có rất nhiều bài học khi công trình sập, đổ,… vì vật liệu không đảm bảo”.

“Cá nhân tôi luôn ủng hộ chỉ định thầu một cách công khai, minh bạch, bởi đây là giải pháp rất hiệu quả. Tuy nhiên, để chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam thì cơ quan quan chức năng phải tăng cường công tác giám sát, kiểm soát phải nghiêm minh, không toan tính, không lợi ích nhóm, không tư túi… nhà thầu được chọn phải chứng minh cho các nhà thầu đối thủ rằng, mình là doanh nghiệp làm ăn tử tế”.

Theo ông Chủng, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng quốc gia được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đặc biệt quan tâm. Do đó, tiến độ dự án quan trọng nhưng dứt khoát không được xảy ra tình trạng kém chất lượng. “Cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình”, ông Chủng nhấn mạnh và cho biết thêm, lựa chọn nhà thầu là điều quan trọng nhưng giám sát sau đấu thầu còn quan trọng hơn rất nhiều, nên các cơ quan phải làm bài bản, khoa học. 

c-1641776076.jpg
Dù đấu thầu hay chỉ định thầu, các doanh nghiệp vẫn phải khẳng định mình đáp ứng được yêu cầu của dự án. 

Không để “xin - cho” khi chỉ định thầu

Dù có nhiều ưu điểm, nhưng không ít ý kiến trong dư luận cho rằng, khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu rất dễ dẫn tới cơ chế “xin - cho”.  Bày tỏ quan điểm về vấ đề này, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc TEDI cho rằng, chỉ định thầu có thể hiểu đơn giản là đấu thầu có một nhà thầu. Nhà thầu này vẫn phải vượt qua hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí, đồng thời phải trình hồ sơ chứng minh năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu của dự án; khả năng tổ chức sản xuất; khả năng đáp ứng về mặt thời gian thực hiện;  khả năng đáp ứng các yêu cầu con người, máy móc, thiết bị thi công; cam kết tiết giảm 5% so với dự toán.

“Khi đáp ứng đủ hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí thì nhà thầu mới đủ tư cách để được chỉ định thầu. Vì vậy, chỉ định thầu không phải là chỉ đích danh mỗi tên công ty, không phải là “xin – cho”, không phải doanh nghiệp dựa dẫm vào cơ chế”, ông Sơn nói.

Ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng phân tích, ở góc độ doanh nghiệp dù đấu thầu hay chỉ định thầu, các doanh nghiệp vẫn phải khẳng định mình đáp ứng được yêu cầu của dự án. Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng công trình giao những năm gần đây liên tục đưa những “góc khuất” ra “ánh sáng” nên môi trường cạnh tranh không còn những yếu tố tiêu cực nổi cộm như trước.

Cũng theo ông Khôi, hiện nay, lĩnh vực xây dựng công trình giao thông không còn hấp dẫn như trước đây vì phải chịu nhiều sức ép về đơn giá, định mức,… nên doanh nghiệp rất khó khăn. “Đơn giá bây giờ rất thấp, những nhà thầu không chuyên nghiệp, không đủ khả năng tài chính, khả năng quản lý, không đáp ứng được thiết bị, máy móc mà phải đi thuê,… thì sẽ không bao giờ đáp ứng được tiến độ, chất lượng công trình, hiệu quả kinh doanh”, ông Khôi nói.

Dẫn chứng tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, ông Khôi cho biết, các dự án này đều tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu. Dù các nhà thầu trúng thầu hầu như không giảm giá nhưng vận bị lỗ nặng. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản do đơn giá, định mức quá thấp. “Dù đấu thầu hay chỉ định thầu nhưng công tác lập dự án không tốt, không đảm bảo có lợi nhuận thì doanh nghiệp cũng không dám nhận”, ông Khối nói.

Theo ông Khôi, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với các nhà thầu, bởi việc đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí để được chấm thầu là điều không hề dễ dàng. Do vậy, để phát huy được hiệu quả tối ưu của chỉ định thầu, chủ đầu tư phải chọn được đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án chuẩn chỉ, phải đúng, phải đủ, bám sát được thực tế,…

“Điều rất quan trọng đối với cơ quan quản lý là phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chuẩn mực, minh bạch để lựa chọn nhà thầu đảm bảo lựa chọn được những nhà thầu mạnh, có đủ năng lực và kinh nghiệm và để đảm đảm hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đúng tiến độ, chất lượng”, ông Khôi đề xuất./.