Vừa qua, Báo Giao thông có loạt bài “Nghệ An: Đất vàng được định giá… "bèo", phản ánh việc 93.000m2 đất có vị trí đắc địa ở thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được định giá bèo bọt, giao cho doanh nghiệp để đổi lấy 2 tuyến đường đô thị, dài chưa đến 1.200m theo hợp đồng BT.

Tuy nhiên, sau 2 năm, tuyến đường vẫn chưa làm xong, trong khi khu đất vàng đã được gấp rút xây dựng, còn những hộ dân thuộc diện tái định cư, nhường đất cho dự án phải chịu không ít hệ lụy.

1-1648900132.jpg
93.000m2 đất ruộng có vị trí đặc địa ở thị trấn Yên Thành được giao cho doanh nghiệp xây khu đô thị để bán.

Đi không được, ở không xong

Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Đức Thanh (74 tuổi, ở khối 3 thị trấn Yên Thành) chỉ tay vào cái ao trước nhà, giọng bức xúc: "Năm 2017, gia đình tôi dự định làm nhà cho con trai. Tôi có lên thị trấn hỏi thì nhận được câu trả lời, có tuyến đường đi qua nhưng chắc chỉ ảnh hưởng một ít nên làm được.

Thế nhưng, lúc gia đình múc đất làm móng thì huyện đến đình chỉ vì phần đất trùng vào quy hoạch đường đô thị.

Rồi đến khi triển khai làm đường, họ đưa ra giá đền bù cho 326m2 đất và nhà cửa trên đất chỉ với 3,3 tỷ đồng. Trong khi đó, giá ngoài thị trường, có người đã đến nhà tôi hỏi mua với giá 7 tỷ và sẵn sàng chồng tiền".

Cũng theo ông Thanh, thông thường đất ở thị trấn Yên Thành được chia theo suất với diện tích khoảng 140m2. Hiện tại, một suất đất ở thị trấn giá rẻ cũng khoảng 3 tỷ đồng. Còn giá đất ở khu đô thị kiểu mẫu mà doanh nghiệp đang làm hạ tầng, dù chưa có giá chính thức nhưng ước tính phải 4 tỷ đồng trở lên.

"Với số tiền đền bù nói trên, chúng tôi chỉ đủ để mua đất ở khu tái định cư, chứ không còn tiền để xây nhà cửa. Chưa kể, vị trí tái định cư ở mãi tận trên khối 2, rất xa nơi này", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, đầu tiên, huyện tính đền bù cho người dân theo giá nhà nước và cho họ ra ở mặt đường 538 (nay là QL7B).

Thời điểm đó, theo giá nhà nước thu thuế hàng năm thì giá đất mặt đường 538 là 5 triệu đồng/m2, trong khi đó đất ở đây là 2,7 triệu đồng/m2. Người dân hoàn toàn nhất trí, chỉ chờ huyện trả tiền để xây dựng nhà trên đất mới.

Sau đó mấy tháng, huyện lại mời lên họp và có đại diện cả đại diện doanh nghiệp. Lúc này huyện cho biết định giá bồi thường đất GPMB và tái định cư thay đổi theo giá thị trường. Phía ngoài đường 538 là 18 triệu/m2, phía trong là 9 triệu đồng/m2. Sau đó 2 bên không thống nhất được tiếng nói chung đến giờ”, ông Thanh nói và cho biết thêm:

Trong cuộc họp cuối cùng giữa chính quyền với người dân vào ngày 21/1/2022, sau khi không thống nhất được phương án bồi thường, đại diện UBND huyện cho biết sẽ thi công một nửa tuyến đường phía đối diện. Tuy nhiên, từ đó đến nay chính quyền cũng không có động thái hay thông báo gì.

"Chúng tôi già rồi, chỉ muốn yên ổn, đi thì đi mà ở thì ở luôn để an dưỡng tuổi già. Cứ như thế này không khác gì bị trói tay chân, đi không được, ở không xong, đoạn đường trước mặt nhà thì hư hỏng, xuống cấp trầm trọng…", ông Thanh nói.

2-1648900166.jpg
Dù được xác định rất cần thiết, cấp bách nhưng Dự án BT một số tuyến đường nội thị thị trấn Yên Thành chưa biết đến bao giờ mới xong.

Đường làm mãi không xong, đất đã chuẩn bị bán

Dự án BT nói trên được tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2017 và được ký kết hợp đồng vào ngày 14/5/2018 với hiệu lực 2 năm kể từ ngày ký.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, tổng giá trị khối lượng thi công mà Công ty CP Tây An thực hiện được chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Thay vì thu hồi dự án do chậm tiến độ, tỉnh Nghệ An lại cho phép nhà đầu tư gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến ngày 30/6/2021.

Và sau đó, ngày 4/11/2020, tỉnh Nghệ An quyết định cho chuyển nhượng dự án từ Công ty CP Tây An sang cho Công ty CP Đầu tư và thương mại Hùng Sơn.

Quyết định này được ban hành vào thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã ban hành, chỉ còn 26 ngày sẽ có hiệu lực (1/1/2021). Cùng đó, Chính phủ yêu cầu dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Sau khi được chuyển nhượng, Công ty Hùng Sơn dù chưa làm xong dự án BT nhưng vẫn được tỉnh Nghệ An "ưu ái" giao trước 93.000m3 đất nông nghiệp để xây dựng hạ tầng 2 khu đô thị.

Và ngay thời điểm hiện tại, dù tuyến đường chưa biết ngày về đích, nhưng mọi hạ tầng bên trong 2 khu đô thị đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ bán.

Điều đáng nói là với 2 khu đô thị, nhà đầu tư làm ào ạt mấy tháng là xong, còn mất tới 4 năm, 2 tuyến đường dài vỏn vẹn 1,2km vẫn chưa hoàn thành, dù phần lớn đi qua đất nông nghiệp,

Ông Phan Huy Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Yên Thành cho biết, huyện chỉ là đơn vị được uỷ quyền để giám sát việc thực hiện dự án BT chứ không có quyền ký kết với nhà đầu tư. Dự án này là rất cần thiết và cấp bách, không chỉ kết nối các vùng trong thị trấn mà còn kết nối ra các địa phương khác của huyện.

Bởi vậy, sau khi hợp đồng được ký kết, ngoài việc thay mặt tỉnh giám sát việc thực hiện dự án, huyện cũng rất nỗ lực trong việc xây dựng khu tái định cư. Đến nay, khu tái định cư đã hoàn thành, chỉ chờ người dân nhận đất và xây nhà.

Về công tác quản lý dự án, ông Hải cho biết: "Đây là lần đầu tiên huyện thực hiện quản lý dự án BT nên rất cẩn trọng. Việc chuyển giao dự án, tỉnh có xin ý kiến và đã được Bộ KH&ĐT đồng ý.

Còn về việc giao đất, phê duyệt xây dựng bên trong khu đất nông nghiệp rộng 93.000m2 (dùng để đổi lấy 2 tuyến đường) đều do các sở ngành liên quan và tỉnh chỉ đạo thực hiện. Ở huyện, chỉ có Phòng Kinh tế hạ tầng thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng trên địa bàn".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, huyện đã rất nỗ lực làm việc với người dân nhưng đến nay vẫn còn khoảng vài chục hộ chưa bàn giao mặt bằng cho dự án. Hiện tại huyện vẫn chưa chốt được thời điểm nào sẽ hoàn thành công tác GPMB…

Còn về khu đô thị, ông Dương cho biết: "Sau khi địa phương GPMB, nhà đầu tư xin được giao đất thì tỉnh có quyết định giao đất để họ xây dựng hạ tầng trước.

Còn diện tích xây dựng nhà ở bên trong thì chưa được giao vì chưa được tính giá đất. Giá ban đầu chỉ là giá khái toán, xây dựng để thuyết minh dự án. Sau này, hội đồng định giá của tỉnh sẽ có phương pháp tính lại giá.

Đất trong khu đô thị sẽ được tính theo khung giá khi GPMB (đất ruộng), chưa có hạ tầng".

Nhìn vào hành trình sau gần 4 năm thực hiện dự án này, ai cũng thấy rõ chính quyền và người dân nơi dự án đi qua chưa được hưởng lợi gì. Trong khi đó, nhà đầu tư đã "ôm" gọn 93.000m2 đất "vàng" ở giữa thị trấn và tương lai sẽ được định giá đất ở thời điểm GPMB (đất ruộng)./.