Long đong “thân phận” của một trụ sở
Thời điểm 2004, lúc này trụ sở UBND thị trấn Kỳ Anh cũ (thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được chuyển về khu đất ở tiểu khu 8, khu phố Hưng Lợi, thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (cũ). Sau khi ổn định vị trí, UBND thị trấn tiến hành quy hoạch, xây dựng trụ sở làm việc 2 tầng khang trang, có đầy đủ phòng làm việc cho các tổ chức, đoàn thể.
Tuy nhiên, đến năm 2012, UBND huyện Kỳ Anh lại yêu cầu chuyển trụ sở UBND thị trấn Kỳ Anh sang làm việc tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Kỳ Anh.
Điều kỳ lạ là, để có chỗ làm việc cho UBND thị trấn Kỳ Anh, UBND huyện Kỳ Anh cũng phải điều chuyển Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Kỳ Anh về một địa điểm rất xa trung tâm, đó là cơ sở bỏ hoang của một trường học cấp 2.
Trong nhiều năm, hàng chục cán bộ, nhân viên UBND thị trấn Kỳ Anh phải làm việc trong khuôn viên chật chội, hạ tầng xuống cấp của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Kỳ Anh.
Đến năm 2014, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu huyện Kỳ Anh phải có trụ sở Hội doanh nghiệp huyện Kỳ Anh. Vì thế, UBND huyện Kỳ Anh đã cắt nửa phía ngoài, giáp quôc lộ 1A của UBND thị trấn Kỳ Anh (cũ) dành cho Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Kỳ Anh. Nửa phía sau thì giao lại cho trường Tiểu học Sông Trí.
Tuy nhiên, một thời gian sau, huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh lại tiến hành thu hồi phần đất của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ để giao đất lâu dài cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh.
Theo đó, ngày 5/2/2015, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản 616/UBND-TH về việc giao đất xây dựng trụ sở hoạt động cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh. Nhưng, đúng 1 ngày sau (6/2/2015), Chủ tịch UBND thị trấn Kỳ Anh phải chấp hành khi có tờ trình số 09/TTr-UBND về việc đề nghị giao đất xây dựng trụ sở hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh.
Ngay trên khu đất này có 2 trụ sở gồm: UBND thị trấn Kỳ Anh (phía trong) và Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh (phía ngoài). Thời điểm đó, việc giao dịch, hoạt động ở đây hết sức khó khăn, chật vật.
Tiếp đó, ngày 4/5/2015, ông Trần Đại Nhân đại diện Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh, tiếp tục có đơn xin thuê đất tại khu đất của UBND thị trấn Kỳ Anh với diện tích 1.185,5 m2.
Đáp ứng điều này, ngày 5/5/2015, UBND huyện Kỳ Anh có văn bản số 609/UBND-TCKH về việc triển khai xử lý trụ sở làm việc cũ của UBND thị trấn Kỳ Anh để bàn giao cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh.
Chủ tịch tỉnh “nhúng tay” vào đất công sản?
Ngày 11/6/2015, ông Lê Đình Sơn với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định số 2223/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và cho thuê đất sử dụng vào mục đích đất thương mại dịch vụ.
Quyết định 2223/QĐ-UBND của ông Lê Đình Sơn nêu rõ, UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi 1.135,7 m2 tại UBND thị trấn Kỳ Anh cũ (địa chỉ tại tiểu khu 8, khối phố Hưng Lợi, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh), cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh thuê để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ.
Tổng diện tích đất bàn giao cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh là 1.135.7 m2, tại tiểu khu 8, Khu phố Hưng Lợi, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh. Mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ (xây dựng trụ sở làm việc). Thời hạn thuê đất là 50 năm (kể từ ngày 11/6/2016 đến 11/6/2065).
“UBND phường Sông Trí có trách nhiệm mang bản gốc Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số phát hành AQ 096980 do UBND tỉnh cấp ngày 14/12/2009 nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) để thực hiện việc đăng ký biến động theo quy định” - Quyết định 2223 chỉ rõ.
Như vậy, ngay trong Quyết định 2223/QĐ/UBND, ngày 11/6/2015 do ông Lê Đình Sơn ký đã xác định 1.135.7m2 đất tại tiểu khu 8, khối phố Hưng Lợi, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh là đất công. Và, bằng Quyết định này, ông Lê Đình Sơn giao toàn bộ khu đất công sản này cho doanh nghiệp thuê, không thông qua đấu giá.
Tiếp đó, ngày 26/6/2015, đại diện Sở TNMT, Phòng TNMT thị xã Kỳ Anh, UBND phường Sông Trí, Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất Hà Tĩnh, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh đã tiến hành lập biên bản bàn giao đất tại thực địa.
Không những vậy, khu “đất vàng” này còn được tỉnh Hà Tĩnh cho phép giảm 50% thuế sử dụng đất. Theo đó, tại Thông báo về việc nộp tiền thuê đất số 1731/TB-CT ngày 11/8/2015, của Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh, thể hiện diện tích đất thuê là 1.135,7 m2; Giá đất tính tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê là 3,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thuê đất phải nộp 4,088 tỷ đồng.
Tuy nhiên ngày 25/8/2015, Chi cục Thuế thị xã Kỳ Anh có tờ trình gửi Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đề nghị giảm tiền thuê đất đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh. Số tiền mà Chi cục Thuế thị xã Kỳ Anh đề nghị giảm tiền thuê đất đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh là 2,037 tỷ đồng.
Ngày 3/9/2015, Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1881/QĐ-CT do Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Đức ký, đồng ý giảm số tiền 2,034 tỷ đồng cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh.
Bằng Quyết định này, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh chỉ phải nộp 2,054 tỷ đồng cho suốt thời gian 50 năm thuê đất.
Như vậy, mỗi tháng, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh chỉ phải nộp gần 3,5 triệu đồng tiền thuê diện tích 1.135,7 m2 đất vàng (tức khoảng 3 nghìn đồng/m2/tháng).
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề trên, luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Hà Tĩnh) cho biết, Quyết định 2223 của UBND tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2015 nên áp dụng theo Luật Đất đai 2013. Đối chiếu với Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai 2013, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh không thuộc trường hợp được giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
“Theo Điểm d, Khoản 1 Điều 118, Luật Đất đai 2013, thì sử dụng đất thương mại, dịch vụ; Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải thông qua đấu giá. Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh thuê đất không thực hiện quy trình đấu giá là vi phạm Điểm d, Khoản 1 Điều 118, Luật Đất đai 2013” - ông Chiều nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, việc làm này đã tạo cơ hội cho Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Kỳ Anh thuê đất với giá rẻ, đồng thời tước bỏ quyền được thuê đất của các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Nguy hiểm hơn là có thể làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước do giá thuê không được xác định thông qua thị trường đấu giá.
“Vấn đề này rất cần cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ” - luật sư Chiều kiến nghị.
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ: Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ sai phạm của ông Lê Đình Sơn
Theo tôi để làm rõ dấu hiệu sai phạm của ông Lê Đình Sơn - cựu Bí thư tỉnh Ủy Hà Tĩnh, Ủy ban kiểm tra Trung ương cần vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu sai phạm của ông Sơn và đề xuất Bộ Chính trị xem xét, xử lý nghiêm.
Pháp luật quy định rõ, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật; Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Theo đó, cán bộ khi đã nghỉ hưu thì mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Nếu sau khi nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong thời gian công tác trước đó thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Việc kỷ luật này sẽ gắn với hệ quả pháp lý tương ứng.
X.H. (ghi)
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội: Đừng nghĩ về hưu là thoát khỏi vòng pháp luật
Trong quá trình làm việc, có nhiều cán bộ, công chức vướng vào sai phạm. Đảng, Nhà nước có nhiều quy định khác nhau về xử lý cán bộ, công chức. Trong trường hợp cán bộ mắc sai phạm nhưng đã nghỉ hưu có thể xử lý ở 3 khía cạnh: Thứ nhất là xử lý xem xét kỷ luật cách chức, cảnh cáo. Nếu làm thiệt hại đến tài sản, thì bị truy cứu trách nhiệm vật chất.
Thứ hai là vi phạm pháp luật dân sự: Nếu họ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đơn vị, cơ quan, tổ chức thì xem xét ở khía cạnh nào đó, đặt vào phạm vi của Luật Cán bộ, công chức.
Thứ ba là phạm tội như lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô, nhận hối lộ… vi phạm các quy định của Bộ Luật hình sự, tùy từng trường hợp để xem xét. Những người về hưu có thể áp dụng hình thức kỷ luật xem xét xử lý về mặt Đảng. Họ có gây ra thiệt hại gì thì bồi thường, còn vi phạm hình sự thì xem xét xử lý hình sự.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật áp dụng cho từng đối tượng phù hợp trong từng mối quan hệ. “Hạ cánh an toàn” là trường hợp đã tồn tại. Đó là những người có sai phạm nhưng không bị xử lý hoặc được bao che, hoặc có sai phạm nhưng không bị phát hiện. Thực tế, có một số trường hợp đã nghỉ hưu nhưng vẫn bị xử lý như cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Việc cán bộ mắc sai phạm khi đã về hưu mà vẫn bị xử lý sẽ có tác động rất mạnh đến tâm lý xã hội chung và tâm lý của tất cả cán bộ công chức hiện đang làm việc. Đó là lời cảnh cáo, cảnh tỉnh rằng về hưu cũng không phải là “hạ cánh an toàn” và đừng nghĩ anh đã thoát khỏi vòng pháp luật. Đây chính là một bài học cho tất cả cán bộ, công chức để họ thấm nhuần đạo lý làm người, làm cán bộ. Vấn đề mà họ phải luôn luôn trau dồi lý tưởng, đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội và tuân thủ pháp luật trong mọi trường hợp.
Vấn đề xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm khi đã về hưu khẳng định rằng Nhà nước rất nghiêm khắc đối với tất cả các trường hợp, bình đẳng đối với mọi đối tượng.
Theo tôi, đối với những cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật chúng ta phải làm ngay, làm kịp thời, tránh tình trạng đến lúc về hưu mới làm, mới xử lý.
Đức Sơn (ghi)
Ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa XII, khóa XIII, Chủ tịch hội Luật gia thành phố Hải Phòng: Xử lý nghiêm thì người dân mới tin
Cán bộ về hưu hay không về hưu, nếu ra quyết định sai quy định thì phải chịu trách nhiệm với các quyết định của mình và phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Không phải cứ về hưu rồi là an toàn. Việc này Đảng và Nhà nước làm rất quyết liệt.
Có như thế pháp luật mới được thượng tôn, không phải về hưu rồi là cho qua, không chịu trách nhiệm gì. Phải xử lý nghiêm thì người dân mới tin.
Khi cán bộ, quan chức về hưu rồi mà ngành chức năng vẫn xử lý hành vi sai phạm khi cán bộ này lúc còn đương chức thì có tác động rất lớn, tạo được lòng tin của nhân dân.
Đức Sơn (ghi)
Luật sư Lê Minh Trường, Công ty Luật TNHH Hà Châu: Chuyển hồ sơ đến Cơ quan tố tụng nếu sai phạm đến mức độ nghiêm trọng
Từ ngày 1/7/2020 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và viên chức năm 2019 có hiệu lực và Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/9/2020 quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng là đối tượng xem xét kỷ luật.
Theo đó, khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ.
Bên cạnh xử lý về mặt chính quyền, nếu sai phạm, không những làm giảm uy tín của tổ chức Đảng mà còn gây mất lòng tin trong nhân dân thì người này còn có thể bị xử lý về Đảng.
Cụ thể: “Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận. Nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Đây là những nội dung được nêu tại Khoản 2 Điều 1 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Trong quá trình xem xét sai phạm, nếu sai phạm đến mức độ nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì cơ quan chức năng cần chuyển hồ sơ đến cơ quan tố tụng có thẩm quyền để xem xét, làm rõ hành vi của cá nhân liên quan để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật.
Hạnh Nguyên (ghi)