Giai đoạn 2023-2025, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện và 619 xã. Ngoài việc sắp xếp bộ máy, cán bộ, trụ sở... việc chọn tên đặt cho đơn vị hành chính mới cũng là vấn đề quan trọng không kém.
Chẳng vậy mà trong những ngày qua đã có tranh cãi khi một vài địa phương dự kiến đổi hoặc xóa sổ hoàn toàn tên đơn vị hành chính vốn là những địa danh có lịch sử lâu đời, gắn liền với một vùng đất.
Cụ thể như huyện Diễn Châu (Nghệ An), xã Diễn Xuân sáp nhập xã Diễn Tháp, dự kiến lấy tên Xuân Tháp; xã Diễn Ngọc sáp nhập xã Diễn Bích lấy tên xã Ngọc Bích; xã Diễn Hùng sáp nhập xã Diễn Hải, dự kiến tên mới xã Hùng Hải; xã Diễn Hạnh sáp nhập xã Diễn Quảng, dự kiến tên mới, xã Hạnh Quảng.
Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), xã Quỳnh Đôi sáp nhập xã Quỳnh Hậu, dự kiến tên xã mới là Đôi Hậu; sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa, dự kiến tên xã mới là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh, dự kiến tên xã mới là Minh Lương…
Tỉnh Khánh Hòa dự kiến đổi tên thị trấn Diên Khánh thành phường Phú Thành; sáp nhập 2 xã Diên Hồng và Diên Xuân thành xã Đồng Xuân. Nhiều người tiếc nuối khi tên thị trấn Diên Khánh gắn liền với di tích thành cổ Diên Khánh có tuổi đời 230 năm tuổi không còn tồn tại.
Trong khi đó, 2 xã Liên Phương và Hà Hồi của huyện Thường Tín (TP.Hà Nội) thuộc diện sáp nhập, tên mới dự kiến là Hà Liên; xã Vạn Điểm sáp nhập xã Vạn Nhất thành xã Vạn Nhất.
Quận Đống Đa, 2 phường Quốc Tử Giám và Văn Miếu sáp nhập, đặt tên mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được cho là khiên cưỡng, dài dòng…
Bên cạnh đó, nhiều tên xã, phường gắn liền với những dấu tích lịch sử, văn hóa như Hà Hồi, Hòa Xá, Chàng Sơn, Cầu Dền, Quỳnh Lôi, Tích Giang… sẽ không còn trên bản đồ sau khi sáp nhập.
Chia sẻ trong chương trình 30 phút cùng VOV2, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, tên làng, tên xã như một ký hiệu, thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của các cộng đồng cư dân nông nghiệp, nông thôn; Tên làng, tên xã còn là dấu tích lịch sử chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm; phản ánh nghề nghiệp, đặc điểm địa hình, điều kiện địa lý tự nhiên, phương thức khai hoang lập làng, truyền thống nghề nghiệp, học hành…
“Tôi rất trăn trở, băn khoăn, thậm chí buồn phiền, lo lắng khi nghe tin một số lượng lớn đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập, chia tách dẫn đến nhiều tên làng, tên xã không còn tồn tại”, ông Đính chia sẻ.
PGS. TS Bùi Xuân Đính nhắc đến thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) – một đơn vị hành chính dự kiến sau khi sáp nhập đổi tên thành phường Phú Thành - với nhiều băn khoăn, tiếc nuối. Bởi theo ông, Diên Khánh là vùng đất đầy biến động vào cuối thế kỷ thứ 18 khi từng xảy ra nhiều tranh chấp giữa các thế lực phong kiến.
“Về ngữ nghĩa, Diên là kéo dài, Khánh là niềm vui. Tên Diên Khánh có lẽ được ra đời vào bối cảnh nhân dân vùng đất này được hưởng một niềm vui nào đó như một chiến công chống giặc ngoại xâm; một niềm vui được được mùa; niềm vui về sự bình ổn...”, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết.
Thống kê cho thấy, hiện có 3 hình thức đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập: Đặt tên mới hoàn toàn, giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập và ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau.
Trong đó, cách đặt tên đơn vị hành chính mới theo công thức lấy mỗi đơn vị một chữ ghép lại để thành tên mới là cách làm rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành sau khi chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính.
PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, trước đây, việc ghép tên đơn vị hành chính cũng từng được sử dụng. Đơn cử như phường Yên Nghĩa (Hà Đông) được ghép bởi Yên Lộ và Nghĩa Lộ; Phường Dương Nội được ghép bởi tên hai làng La Dương và La Nội. Việc ghép tên này có vẻ như hợp lý vì dung hòa được nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý của cán bộ, người dân các địa phương.
Tuy nhiên, nếu ghép tên đơn vị hành chính mới một cách cơ học, đơn giản sẽ không phản ánh được truyền thống lịch sử, văn hóa, những đặc điểm nổi bật của các địa phương đó.
Từ thực tế này, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng, việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau khi chia tách, sáp nhập cần thận trọng, bài bản, không nóng vội và không chủ quan duy ý chí. Đặc biệt phải đảm bảo những yếu tố lịch sử, văn hóa cũng như tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã.
"Nếu xóa bỏ những tên làng, tên xã gắn liền với lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp của một vùng quê sẽ tạo ra cú sốc cho một bộ phận cư dân nào đó. Do vậy, việc đặt tên cho xã mới yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng cần phải lưu ý đầu tiên chứ không chỉ ghép tên để dung hòa giữa các cộng đồng dân cư nào đó", PGS.TS Bùi Xuân Đính nói.
Theo quy định tại Điều 129, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, đều thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phải được tiến hành theo quy trình, trình tự qua nhiều cấp và lấy ý kiến nhân dân. |