nuoinghe.vnn
Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị tỉnh chấp nhận thanh toán chế độ cho giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm trong chỉ tiêu biên chế được giao. Ảnh: Hồ Lài

Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép các cơ sở giáo dục được hợp đồng giáo viên, nhân viên dưới 12 tháng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nếu tự cân đối được nguồn kinh phí chi trả lương.

Vướng mắc chi trả lương cho hợp đồng lao động trường học

Trước đó, hàng chục giáo viên, nhân viên hợp đồng của nhiều trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bị dừng trả lương. Cô Nguyễn Thị Linh (41 tuổi) dạy Ngữ văn tại Trường THCS Bá Ngọc đã 18 năm là giáo viên hợp đồng. Trong thời gian này, mức lương của cô tăng dần đều từ 1 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng. Đến tháng 1/2023, cô mới được nhận lương 4,9 triệu đồng/tháng do mức lương vùng tăng. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, cô nhận thông tin từ kế toán nhà trường cho biết, những giáo viên hợp đồng như cô sẽ bị dừng chi trả lương.

Quỳnh Lưu hiện có 24 nhân viên và giáo viên được UBND huyện tuyển dụng hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất 18 năm, ít cũng hơn 10 năm. Việc tạm dừng chi trả lương từ tháng 1/2024 do huyện này nằm trong số địa phương có giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt số lượng mà UBND tỉnh Nghệ An giao năm 2024, thực hiện theo Nghị định 111 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã có ý kiến và Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An tiếp tục trả lương tháng cho giáo viên, nhân viên hợp đồng đến khi có phương hướng giải quyết mới.

Nghệ An có gần 1.500 trường học, và đang thiếu hơn 6.000 giáo viên các bậc học. Để thực hiện nhiệm vụ, từ nhiều năm nay, tại các cơ sở giáo dục đã hợp đồng lao động thời vụ với nhiều nhân viên nhóm hỗ trợ, phục vụ (nấu ăn bán trú, nội trú; bảo vệ, tạp vụ,...) và hàng trăm giáo viên thỉnh giảng các cấp học do thiếu biên chế.

Bên cạnh đó, Nghệ An đang còn tồn đọng hơn 340 giáo viên, nhân viên diện hợp đồng huyện lâu năm, được ngân sách địa phương trả lương nhưng vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế.

Thầy Nguyễn Đình Thanh hiện là Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Tròn 20 năm công tác, nhưng thầy vẫn là giáo viên hợp đồng. Điều thuận lợi hơn so với giáo viên hợp đồng nhiều huyện khác là giáo viên hợp đồng thị xã Cửa Lò được trả lương theo đúng bằng cấp, được nâng lương theo thời hạn và hưởng phụ cấp đứng lớp (trừ 3 tháng hè). Tuy nhiên họ khó có cơ hội phấn đấu do không được bổ nhiệm vị trí chức danh nghề nghiệp giáo viên, xét thăng hạng…

Tương tự, huyện Nghi Lộc mỗi năm trích ngân sách gần 10 tỷ đồng chi trả cho gần 270 giáo viên hợp đồng. Tuy chưa có thông báo dừng chi trả lương nhưng ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng GD&ĐT huyện lo ngại về việc chi trả lương thời gian tới.

Từ tháng 1/2024, Kho bạc Nhà nước các huyện tạm ngừng chi trả, hoặc chỉ cho tạm ứng, chi trả lương đối với giáo viên diện hợp đồng huyện lâu năm.

Đề xuất được hợp đồng lao động ngắn hạn nếu tự cân đối nguồn lương

Việc chi trả tiền công, tiền lương cho các đối tượng hợp đồng trên được Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, các công việc thực hiện hợp đồng gồm nhóm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc hỗ trợ, phục vụ.

Về kinh phí thực hiện ký hợp đồng, Nghị định nêu:

Đối với cơ quan hành chính thì lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn thu khác (nếu có), nằm ngoài quỹ lương của cơ quan.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, và về phân cấp ngân sách.

Đối với các đơn vị thực hiện cơ chế tài chính đặc thù thì thực hiện theo cơ chế tài chính đặc thù do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

nguoinghe.vn
Huyện Quỳnh Lưu hiện còn 24 giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm chưa được tuyển dụng vào biên chế. Ảnh: NTCC.

Liên quan đến vướng mắc chi trả lương cho lao động hợp đồng, tháng 3/2024, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có văn bản hướng dẫn chỉ đạo thống nhất trong thực hiện chế độ.

Cụ thể, do trong Nghị định 111 không quy định về việc giao số lượng hợp đồng công việc hỗ trợ, phục vụ và những người này cũng không thuộc quỹ lương của đơn vị. Vì vậy, lâu nay các nhà trường tự cân đối các khoản thu để chi trả.

Đối với hợp đồng thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, hiện việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính tại các huyện, thành, thị khác nhau.

Cấp tiểu học và các đơn vị không thu học phí hoặc nguồn thu học phí thấp thì được xác định đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Tuy nhiên bậc mầm non, cấp THCS, THPT và GDTX do có nguồn thu học phí nên một số huyện xác định là đơn vị sự nghiệp “đảm bảo một phần chi thường xuyên”, có địa phương lại xác định “đảm bảo chi thường xuyên”.

Trong khi nguồn thu từ học phí sẽ trích nộp 40% cho cải cách tiền lương theo quy định, 60% còn lại được cân đối vào chi thường xuyên. Vì vậy, một số trường không còn nguồn thu để trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng. Thay vào đó, huyện đã chi ngân sách trả lương cho lao động hợp đồng trên, để đảm bảo cho hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, ở các huyện, cơ sở giáo dục còn phải hợp đồng ngắn hạn với nhiều giáo viên như: dạy thay giáo viên nghỉ sinh, nghỉ ốm đau, dạy chương trình tăng cường… Điều này dẫn đến số giáo viên, nhân viên hợp đồng được ngân sách chi trả lương của các huyện này vượt số lượng được giao theo Nghị định 111.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép trường học được hợp đồng lao động dưới 12 tháng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nếu các cơ sở giáo dục, UBND cấp huyện tự cân đối được nguồn kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách và nguồn thu của đơn vị. Số lượng người ký kết hợp đồng do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Sở cũng đề nghị tỉnh chấp nhận thanh toán chế độ cho giáo viên, nhân viên được UBND huyện hợp đồng không xác định thời hạn nhiều năm trước đây trong chỉ tiêu biên chế được giao.

Từ năm học 2024-2025, đề nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ theo đề xuất của đơn vị nếu có nguồn kinh phí tự cân đối chi trả.

nguoinghe.vn
Thầy Nguyễn Đình Thanh là giáo viên được UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) ký hợp đồng không xác định thời hạn, hiện công tác tại Trường THCS Nghi Thủy. Ảnh: Hồ Lài

Sau khi nhận được công văn của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Nghệ An đã có ý kiến phản hồi. Theo đó, căn cứ các văn bản quy định thì lao động hợp đồng không thuộc biên chế, số lượng người làm việc và không thuộc quỹ lương của cơ quan, đơn vị. Việc quyết định số lượng hợp đồng (kể cả hợp đồng ngắn hạn) thuộc thẩm quyền người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị sự nghiệp công lập rà soát việc thực hiện hợp đồng lao động của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập, gửi văn bản về Sở Nội vụ để tổng hợp.