Bao đời nay, sự học ở xứ Nghệ luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Trong đó, vai trò khuyến học đã góp phần làm “rạng danh” trong phong trào giáo dục thi đua dạy và học trên quê hương Bác.
“Nở hoa” trên đất cằn
Nghệ An lâu nay vẫn được coi là một tỉnh nghèo, ở vùng đồng bằng thì “chiêm khê mùa thối”, vùng biển thì “nước mặn đồng chua”, mênh mông chỉ là cây cói, lau lách là nơi neo đậu của chim muông. Miền rẻo cao thì khí hậu khắc nghiệt, gió Lào quạt suốt ngày đêm. Nhìn chung, từ bấy lâu nay sự học ở đất Nghệ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, con người của xứ Nghệ rất kiên cường “trong bão giông nắng lửa”, dường như càng khó khăn bao nhiêu thì con người xứ Nghệ càng quyết tâm bấy nhiêu.
Bằng chứng cho thấy, riêng huyện lúa Yên Thành, vùng quê của “rốn” lũ, chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã cằn, nghèo khó hết chỗ nói, nhưng sự học ở đây luôn là lá cờ đầu. Thực tế cho thấy, ở vùng đất lúa này, những xóm, làng, xã càng nghèo, cuộc sống càng khó khăn thì tỉ lệ đậu Đại học, Cao đẳng càng cao.
Ta có thể chứng kiến sự vượt khó của nhiều học sinh nghèo như em Hoàng Đình Phú, trường PTTH Hồ Tông Thốc, nhà nghèo, tàn tật mất 2 cánh tay, nhưng bằng nghị lực và ý chí của mình, Phú đã dùng đôi chân rèn luyện thành tài. Năm 2005, Phú được Trung ương Đoàn tôn vinh là 1 trong 10 nhân vật tiêu biểu trong năm.
Hay như trường hợp của Nguyễn Thị Hiền, Trường cấp III Quang Thành, rất cám cảnh, cả nhà đi ăn mày, lang thang phiêu bạt. Trong hoàn cảnh ấy, Hiền đã làm nên điều diệu kỳ của “cô bé lọ lem” nơi miền rừng heo hút là đạt danh hiệu “học sinh giỏi toàn diện”. Hôm chúng tôi có mặt tại nhà Hiền, được bà con kể: “Bé Hiền siêng lắm, nó tự ở nhà vào rừng kiếm củi bán để kiếm tiền tự ăn học…”. Và còn nhiều những gương mặt điển hình khác
Diễn Châu, vùng đất của chua phèn ngập úng, nhiều xã cũng rất khó khăn, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề biển, nghề muối… Nhưng phong trào giáo dục, của huyện cũng đạt kết quả rất tốt. Trong năm 2006 có 17.530 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học.
Đặc biệt, phong trào khuyến học của huyện được các cấp, các ngành quan tâm, coi trọng. Khuyến học ở đây được xây dựng rộng khắp, từ trường học đến các dòng họ. Riêng về dòng họ được đánh giá rất có hiệu quả. Cụ thể có những dòng họ như họ Phan, họ Lê, họ Nguyễn… một mùa thi có hàng chục cháu đậu đại học.
Nhiều trường học, nhiều dòng họ đã huy động được quỹ khuyến học khá lớn, đã động viên, khích lệ, cỗ vũ kịp thời theo từng hoàn cảnh cụ thể (thưởng tiền học sinh giỏi đậu đại học, giúp đỡ học sinh nghèo…).
Bên cạnh đó, còn rất nhiều huyện miền núi rẻo cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, cách trở nhưng đã nở rộ nhiều tấm gương hiếu học, nhiều phong trào giáo dục tiêu biểu. Điển hình tại trường Dân tộc nội trú Tương Dương có nhiều tấm gương rất đáng nể. Đó là những em học sinh người dân tộc Mông, Khơ Mú… cách xa trung tâm gần 100 km đường rừng, đường sông Nậm Nơn nhưng vẫn bám trường bám lớp như Lữ Thị Y Va, Lô Thị Phong, Xồng Bá Mùa… là những học sinh giỏi toàn diện.
Bên cạnh đó, ngoài đẩy mạnh phong trào dạy học, một số huyện miền núi Nghệ An, đã mạng dạn thực hiện vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó như ở Kỳ Sơn. Qua cách làm này có thể “chọn mặt gửi vàng”, chọn ra được những cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh, tâm huyết với nghề, thực sự là nòng cốt để đưa phong trào giáo dục miền núi đi lên.
Khuyến học ở một tỉnh nghèo
Nghệ An là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác “xã hội hoá khuyến học”, nhờ đó phong trào học ở tỉnh nhà ngày càng phát triển. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 35 vạn hội viên, 100% đơn vị các cấp, huyện, xã, phường, thị trấn, thôn bản, dòng họ thành lập được ban khuyến học. Ngoài ra, một số địa phương đã lập được “sổ vàng truyền thống” ghi danh sách học sinh học giỏi hàng năm.
Trong 4 năm qua từ năm 2003-2006, tỉnh đã huy động được 55,3 tỷ đồng tiền dành cho quỹ khuyến học. Trong đó riêng năm 2006 huy động được 17 tỷ. Quỹ khuyến học đã tặng học bổng cho hàng vạn học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, điển hình là khen thưởng cho 180 lượt học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế.
Có thể nhắc đến nhiều nhà hảo tâm hướng thiện mang tấm lòng vàng về với quê hương. Tiêu biểu có bác sĩ Nguyễn Minh Hồng đã đóng góp 40 triệu đồng, Công ty Vĩnh An (TPHCM) 150 triệu đồng, Công ty Hoàng Quỳnh (TPHCM) 110 triệu đồng… và nhiều cơ quan ban ngành cũng có quỹ khuyến học để thưởng cho con em cán bộ hội viên học giỏi.
Ngoài ra, Nghệ An đã xây dựng được hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2003 mới có 3 trung tâm thì đến nay đã có trên 300 trung tâm. Hoạt động của các trung tâm đã góp phần phổ biến pháp luật nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Với những kết quả nói trên, tỉnh Hội đã 3 lần được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua, bằng khen, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”. Hoạt động tích cực của Hội khuyến học tỉnh nhà đã khơi dậy truyền thống hiếu học và khuyến học của quê hương, góp phần xã hội hoá giáo dục.
Tuy nhiên, khuyến học Nghệ An vẫn còn gặp không ít những khó khăn. Cụ thể, mặt bằng kinh tế ở Nghệ An vẫn còn thấp, đặc biệt là các địa phương ở vùng sâu, vùng xa hoạt động khuyến học chưa đi sâu vào nhà trường, sự phối hợp giữa Hội cơ sở và nhà trường chưa được quan tâm đúng mức.
Phương hướng nhiệm vụ của Nhiệm kỳ 2 (2006-2010) phấn đấu 100% làng bản, khối xóm, cơ quan… duy trì có tổ chức hoạt động khuyến học; 70% gia đình đạt danh hiệu thi đua gia đình hiếu học; 30 % đạt danh hiệu dòng họ khuyến học.
Đặc biệt, mở rộng và phát triển chiều sâu các phong trào khuyến học, khuyến tài. Đưa cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học thành phong trào sâu rộng ở tất cả cộng đồng dân cư; đa dạng hoá các hình thức khuyến học đối với nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tích cực vận động mỗi gia đình có ít nhất một người tham gia hội viên để toàn tỉnh có 14% dân số hội viên khuyến học.
Phát triển số hội viên tận các cơ sở khối, phố, thôn, xóm thu hút những người thực sự có tâm huyết vì khuyến học. Chủ động phối hợp với ngành giáo dục cũng cố phát triển trung tâm học tập cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động xã hội, phát triển rộng rãi các hình thức xây dựng quỹ khuyến học… Đây cũng là tâm huyết, mong mỏi của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khi về dự Đại hội trong ngày hôm nay, 18/12/2006.
Đồng chí đã xúc động phát biểu: “Đại hội gợi nhớ trong tôi nhiều kỷ niệm về truyền thống hiếu học của bao trang lứa bạn bè, đều xuất thân từ những vùng quê nghèo vắt sữa nhưng đã hun đúc lên nhiều tài năng cho đất nước. Truyền thống đó dân tộc ta, đặc biệt là quê hương xứ Nghệ đang được Hội khuyến học tỉnh nhà khơi dậy và phát huy tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển, trưởng thành trên chính mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này”.
Chủ tịch Cầm căn dặn thêm: “Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An cần quan tâm hơn nữa tới phong trào khuyến học, khuyến tài, để nuôi dưỡng, ươm mầm cho những tài năng của đất nước”.