Vượt qua bao gian nan, vất vả, thầy cô vẫn đang thắp sáng những ước, hoài bão của lũ học trò nghèo với niềm tin, cái chữ sẽ xua tan cái đói, nghèo và lạc hậu nơi vùng biên viễn.

n-1727164535.PNG
Những học sinh nhỏ tại khu nội trú Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh

Bài 1: Ấm lòng tình thầy trò vùng cao

"Nhiều trẻ đến học nội trú nhưng chưa biết chăm sóc bản thân. Đêm xuống, các em vẫn khóc đòi về nhà. Sau ngày khai giảng, với học sinh khối lớp 3, các giáo viên phải "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở và cùng học bài) với học trò", cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) - chia sẻ...

6h30 sáng ngày 8/9, những chiếc bánh mì kẹp thịt nóng hổi được các thầy cô và những người phụ trách bếp bày ra ngay ngăn trên từng bàn ăn. Sau hiệu lệnh của nhà trường, hàng trăm học sinh từ khu nhà nội trú đã xếp hàng ngay ngăn, vào chỗ của mình và đồng thanh: "Chúng em mời thầy cô ăn bánh mì, mời các bạn ăn bánh mì".

Chỉ sau 2 ngày khai giảng, dù trường lớp còn bộn bề do mới được kiến thiết lại nhưng Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh đã ngay lập tức tổ chức những bữa ăn bán trú cho học sinh. Các em đều rất háo hức và thưởng thức bữa sáng đầu tiên trong năm học mới với đủ chất dinh dưỡng một cách ngon lành.

nn-1727164561.PNG
Bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng của học sinh trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh

Chiều ngày 17/9, nhà trường đã tổ chức Tết Trung thu cho các em học sinh trong toàn trường. Trung thu năm nay dù không có múa lân, không có các tiết mục văn nghệ, cũng không có nhạc hội nhưng các em vẫn cảm nhận được sự ấm áp, niềm hạnh phúc và hơn hết là sự sẻ chia nỗi đau thương, mất mát với các tỉnh phía Bắc vừa phải hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3.

Là ngôi trường đặc biệt khó khăn với phần lớn học sinh là người dân tộc Khơ Mú và Thái. Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh mới thành lập từ 2023 trên cơ sở điểm trường tại bản Minh Thành, xã Lượng Minh, nên cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn. Các phòng học hiện nay được cải tạo từ ngôi nhà gỗ vốn là nhà ở của giáo viên trước đây.

"Dù nhà trường còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn luôn cố gắng không chỉ mang kiến thức đến cho các em mà còn giúp các em vững bước trên con đường học tập. Học sinh nhà trường hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, là con của gia đình nghèo hoặc cận nghèo. Từ lớp 3, các em đã phải xa bố mẹ đến ở khu nội trú. Các em còn quá nhỏ dại, điều kiện khó khăn nên từ bé các em cũng không được bố mẹ chỉ bảo đến nơi đến chốn. Có nhiều em khi về học bán trú còn chưa biết cả vệ sinh cá nhân", cô Nguyễn Thị Hiền - phụ trách khu nội trú trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh - tâm sự.

nb-1727164587.PNG
Những thầy cô giáo miệt mài "gieo mầm tri thức" cho học trò vùng cao

Cô Hiền đã có 13 năm công tác tại xã Lượng Minh, mảnh đất nghèo khó bậc nhất ở huyện Tương Dương. "Là giáo viên bộ môn Tin học nên tôi phải dạy tất cả các điểm trường. Ngày trước, đường đến các bản là đường đất, mùa mưa bão chỉ có đi bộ 4-5km để vào điểm trường lẻ", cô Hiền kể.

Mặc dù những năm gần đây, hạ tầng giao thông ở Lượng Minh đã được đầu tư đáng kể thế nhưng hiện còn 2 bản Cà Moong và Xốp Cháo vẫn như ốc đảo. Học sinh ở 2 bản này muốn đến trường phải đi 3 chặng. Đầu tiên đi bộ từ bản ra lòng hồ thủy điện, sau đó đi thuyền gần 1 tiếng đồng hồ trên lòng hồ và cuối cùng là "tăng bo" bằng xe máy thêm 20km nữa để đến trường.

Theo cô Hiền, điều an ủi lớn nhất đối với những người "gieo chữ" trên mảnh đất khó này là những năm gần đây, các gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đi học. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, song các gia đình vẫn tạo điều kiện để con em mình được đến trường. Tất nhiên, để việc học của các em không bị dang dở, không thể không nói đến sự tâm huyết của các thầy cô cũng như chính quyền địa phương, đặc biệt sự quan tâm của Nhà nước đối với giáo dục vùng khó.

ss-1727164611.PNG
Những học trò nhỏ ở Lượng Minh phải rời bản xuống khu nội trú khi còn rất nhỏ

"3 cùng" với học sinh

Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh hiện có 522 học sinh, trong đó hơn 300 cháu phải ăn ở bán trú, tập trung nhiều nhất ở các bản Cà Moong, Xốp Cháo và Chẳm Puông. Đây cũng là những bản đặc biệt khó khăn. Cà Moong có 166 hộ dân người Khơ Mú. Do địa bàn cách trở, đất sản xuất hầu như không có, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Hầu hết các hộ dân trong bản là hộ nghèo (125 hộ) và cận nghèo.

Bản Chẳm Puông, dù chỉ cách trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh khoảng 10 km nhưng đây cũng là bản rất nghèo. Cả bản có 190 hộ (186 hộ người Khơ Mú, 4 hộ người Thái) nhưng có hơn 1.000 dân, trong đó có đến 143 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo và chỉ có 12 hộ thoát nghèo.

Vì nghèo nên trước đây, để vận động được các gia đình cho con em tới trường đi học là cả một hành trình gian nan của chính quyền địa phương và thầy cô. Vì gia đình trẻ sống cách xa trường, không có điều kiện và phương tiện đưa các con đi học. Vì nghèo nên các gia đình cũng chẳng có tiền mua quần áo cho con dù các cháu đi học đã được Nhà nước đài thọ toàn bộ tiền ăn ở, học hành. Thế nhưng, với với lòng quyết tâm cao, cô Hiền và đồng nghiệp đã làm được.

sa-1727164642.PNG
Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh - tặng quà cho học sinh nhân dịp Tết Trung thu

Để các cháu nhỏ đến trường đầy đủ đã là kỳ tích nhưng "giữ chân" các cháu cũng gian nan không kém. Cô Hiền kể rằng, có nhiều học sinh khi đến ở nội trú chỉ có mỗi bộ áo quần mặc trên người, ngoài ra đồ dùng cá nhân không có cái gì. Nhà trường còn bộn bề khó khăn, đồng lương giáo viên cũng eo hẹp nhưng thầy cô vẫn phải xoay xở để lo cho các em từ chiếc bàn chải đánh răng đến cái khăn lau mặt.

Khó nhất là với học sinh khối 3. Theo quy định mới, hiện điểm trường chỉ có học sinh lớp 1 và 2. Học sinh từ lớp 3 phải xuống trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh tại bản Minh Tiến ở bán trú. Thế nhưng, các em còn quá nhỏ dại để sống cuộc sống tự lập. Cô Hiền và các đồng nghiệp phải dạy các em từ những cái cơ bản nhất như đánh răng thế nào, gấp quần áo ra sao.

"Năm nào sau lễ khai giảng chúng tôi cũng phải "3 cùng" với học sinh khối lớp 3. Phải ăn cùng, học cùng và nhiều đêm phải ngủ cùng các cháu. Rất nhiều cháu mới xa bố mẹ, khi màn đêm buông xuống là khóc đòi về. Tôi phải ở bên cạnh để động viên, xem các cháu như con và dần dần các cháu mới ổn định tâm lý", cô Hiền chia sẻ.