Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức thanh tra 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quá trình thanh tra sẽ tập trung vào hai nội dung chính: Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và Chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

a-1667987851.png
Trường Cao đẳng FPT POLYTECHNIC là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm trong diện thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH

Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có 11 đơn vị thuộc diện thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (Hà Nội), Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội (Hà Nội), Trường Cao đẳng Bách Nghệ Hà Nội (Hà Nội), Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội (Hà Nội).

Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội (Bắc Ninh), Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh (Bắc Ninh), Trường Cao đẳng Đại Việt (Bắc Ninh), Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang), Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình (Thái Bình) và Trường Cao đẳng Y - Dược Thăng Long (Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, Bộ cũng giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng triển khai thanh tra 17 trường có đào tạo khối ngành sức khỏe (Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y - Dược Hà Nội, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên…) và 5 trường cao đẳng mở địa điểm ngoài trụ sở chính không có trong quyết định cho phép thành lập, đổi tên, mở địa điểm đào tạo của Bộ LĐ-TB&XH gồm: Trường Cao đẳng NOVA, Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội, Trường Cao đẳng Duyên Hải, Trường Cao đẳng FPT POLYTECHNIC.

Cũng trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thanh tra việc tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia ở 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp là Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang (Khánh Hòa).

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 theo các nội dung cụ thể, trong đó có thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là việc rà soát, nhận diện các vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Qua thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH (Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đã phát hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động giáo dục nghề nghiệp có những hành vi vi phạm hành chính chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như: Tuyển sinh không đúng đối tượng; chậm ban hành một số quy định, quy chế thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; đào tạo liên thông không đúng quy định; liên kết đào tạo nhưng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không thực hiện đúng quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo; không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo đối với các ngành, nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng;..../.