Với Iran, đây là thời điểm khá nhạy cảm, khi người dân nước này vừa mới bầu được Tổng thống mới, theo đường lối cứng rắn.
Phát biểu tại Vienna (Áo), Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran – Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi hôm qua cho biết: “Chúng tôi đang tiến gần đến một thỏa thuận hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã đạt được. Công việc còn lại vẫn còn nhiều khó khăn, các bên cần thời gian và sự cố gắng. Vì vậy, chúng tôi muốn dùng các cuộc đàm phán ở đây, để trở về nhà, không chỉ để tham vấn mà lần này là để ra quyết định".
Theo đại diện của Nga tham gia quá trình đàm phán, các bên đã ngừng đàm phán mà không đưa ra 1 lịch trình cụ thể cho vòng đàm phán mới. Ông hi vọng các bên có thể trở lại Vienna sau 10 ngày về nước.
Còn theo Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, các bên không còn thời gian và họ cần đưa ra lịch trình cụ thể cho vòng đàm phán mới. Ông Borrell cũng xác nhận, các bên liên quan đang tới “rất gần” một thỏa thuận - có thể giúp khu vực Trung Đông trở nên an toàn hơn, đồng thời giảm bớt những khó khăn với nền kinh tế Iran do các biện pháp trừng phạt dầu mỏ và tài chính mà Mỹ đã tái áp đặt 3 năm trước. Ông Josep Borrell cho rằng, tiến trình đàm phán các bên đã dành nhiều tâm huyết và ông hy vọng rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Iran mới đây sẽ không phải là trở ngại cuối cùng, khiến đàm phán có thể đổ vỡ.
Trên thực tế, Iran đã nhiều lần khẳng định, bầu cử Tổng thống ngày 18/6 vừa qua tại nước này, với chiến thắng thuộc Giáo sĩ Ibrahim Raisi – Bộ trưởng Tư pháp, sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hạt nhân, bởi tiến trình này do Lãnh tụ tối cao – Đại giáo chủ Ali Khamenei chỉ đạo. Bản thân ông Raisi cũng tuyên bố ủng hộ việc Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015, để phá bỏ các lệnh trừng phạt, cấm vận của các nước phương Tây. Điều này cũng có lợi cho mục tiêu trọng tâm của ông là vực dậy nền kinh tế.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết sẽ tiếp tục đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với các bên, đồng thời nhận định các cuộc đàm phán đã thu được những tiến triển có ý nghĩa. Còn Cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan cho biết, các bên vẫn còn khoảng cách về các lệnh trừng phạt và các cam kết hạt nhân mà Iran phải thực hiện. Theo ông này, hiện quyết định cuối cùng đang nằm trong tay Lãnh tụ tối cao Iran.
Hiện giới phân tích cho rằng, Iran và Mỹ có thể trở lại thỏa thuận hạt nhân vào đầu tháng 8/2021, trước khi ông Raisi nhậm chức Tổng thống Iran. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận như thế nào sau đó mới là vấn đề đáng bàn – nơi mà Mỹ và Iran chưa thực sự tin tưởng nhau. Hơn nữa, thế giới vẫn đang chờ những hành động cụ thể của vị tân Tổng thống Iran – người đầu tiên bị Mỹ trừng phạt khi chưa đắc cử./.