Sự gián đoạn trong đàm phán, với một khoảng thời gian dài hơn dự kiến, đang khiến các nhà đàm phán phương Tây lo lắng và đặt ra câu hỏi cho những bước đi tiếp theo nếu tiến trình đàm phán rơi vào “ngõ cụt”.
Trên trang mạng xã hội, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran – Thứ trưởng ngoại giao Abbas Araqchi hôm qua viết: “Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển tiếp khi một cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ được tiến hành tại thủ đô. Do đó, các cuộc đàm phán ở Vienna, Áo rõ ràng cần phải đợi chính quyền mới của chúng tôi”.
Tuyên bố của ông Abbas Araqchi được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn Iran và các nước đã trở về nước sau khi vòng đàm phán thứ 6 tại Vienna, Áo kết thúc vào ngày 20/6 vừa qua. Lúc bấy giờ, chính ông Abbas Araqchi đã tuyên bố về nước để tham vấn, để có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi các bên còn lại hi vọng vòng đàm phán thứ 7 sẽ được nối lại trong 10 ngày sau đó.
Tuy nhiên, mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn khi Iran vừa bầu ra Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi theo đường lối cứng rắn. Dù tuyên bố ủng hộ trở lại thỏa thuận hạt nhân và không gây trở ngại cho tiến trình đàm phán; song rõ ràng sự chậm chễ trong việc quay trở lại Vienna để đàm phán đang khiến các nước phương Tây tỏ rõ lo lắng, đồng thời đã đặt ra câu hỏi về những bước đi tiếp theo nếu tiến trình đàm phán để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 rơi vào ngõ cụt.
Phản ứng trước tuyên bố mới nhất từ phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price vừa cho biết, những bình luận của phía Iran là một nỗ lực đánh lạc hướng cho những bế tắc hiện tại. Theo ông, sự chậm chễ trong việc trở lại đàm phán sẽ không giúp ích gì cho Iran; đồng thời nhấn mạnh rằng phía Mỹ luôn sẵn sàng quay trở lại Vienna để hoàn thành công việc cùng Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, sau khi Iran đưa ra các quyết định cần thiết.
Trong khoảng gần 1 tháng về nước tham vấn, Iran cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố khiến các bên trong đàm phán lo ngại, như thông báo ý định sản xuất kim loại uranium làm giàu ở mức 20%; hay Iran có khả năng làm giàu uranium ở mức 20%, 60%, thậm chí là 90%.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Iran Hassan Rouhani cho biết: “Ngành công nghiệp hạt nhân của Iran vẫn phát triển mạnh mẽ và ngày càng phát triển hơn trong những tháng gần đây. Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran đã chỉ ra rằng họ có khả năng sản xuất uranium được làm giàu 20% và 60%. Ngay cả khi một lò phản ứng cần uranium được làm giàu đến 90%, chúng tôi cũng có thể sản xuất nó".
Tuy nhiên, Tổng thống sắp mãn nhiệm Iran vẫn bày tỏ hy vọng người kế nhiệm ông - Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi có thể đạt được thỏa thuận quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, qua đó dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Ông cũng khẳng định, lập trường cơ bản của Iran đối với tiến trình đàm phán hạt nhân sẽ được giữ nguyên. Bởi theo ông, người có quyền lực tối cao tại Iran thuộc về Đại giáo chủ Ali Khamenei - đã "bật đèn xanh" cho thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015, cũng như chấp thuận cho những nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này.
Dẫu vậy, cả Mỹ và Iran đều tuyên bố sẽ không đồng ý với các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo kéo dài bất tận, nhất là Mỹ - quốc gia đang lo ngại những tiến bộ trong chương trình hạt nhân mà Iran đạt được gần đây có thể giúp Iran có được vũ khí hạt nhân trong tương lai gần.
Theo đại diện của Nga tham gia tiến trình đàm phán tại Áo, các bên đã hoàn thành hơn 90% công việc để đưa Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Một số khúc mắc đang cần thảo luận thêm. Còn theo giới chuyên gia, trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 là lựa chọn tốt nhất cho cả Mỹ và Iran và rằng một thỏa thuận thay thế khó lòng được Iran chấp thuận ở thời điểm hiện tại./.