Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian qua Tổng Thanh tra Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu và kết luận thanh tra còn chậm, còn chồng chéo giữa kiểm toán và kiểm tra.

1-1667632962.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo đại biểu Yến, các nguyên nhân mà Tổng thanh tra đã nêu trong báo cáo cũng như đã giải trình, trả lời chất vấn hôm nay vẫn thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là số lượng các cuộc tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều.

“Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra”, đại biểu Yến nêu số lượng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, hiện nay không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra quá nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành thanh tra. Do đó đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Tống Thanh tra Chính phủ phải có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

2-1667632990.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: QH.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Yến, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua có thực hiện nguyên tắc từng bước tách bạch hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, nâng cao tính độc lập, tính pháp lý để thanh tra hiệu quả hơn..

Về số lượng thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, hiện nay có rất nhiều đoàn thanh tra khi tiến hành ở một địa phương, là thực tế đã xảy ra.

Nhưng ngoài cơ quan thanh tra, kiểm toán còn có kiểm tra, điều tra truy tố, thanh tra các bộ ngành, thanh tra địa phương… Trong thời gian tới, để khắc phục việc này, trong việc tham mưu thủ trưởng quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm, cần lưu ý khắc phục hạn chế số lượng thanh tra để đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề dư luận quan tâm như những vụ tham nhũng...

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, mỗi năm Thanh tra Chính phủ tiến hành 15, 16 cuộc thanh tra, nên hiệu quả của công tác này sẽ phụ thuộc vào các cơ quan thanh tra của các bộ, ngành. Giải pháp mấu chốt cho vấn đề này vẫn là nâng cao hiệu quả, chất lượng thực chất của các cuộc thanh tra.

3-1667633015.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: QH.

Chung nội dung quan tâm với đại biểu Nguyễn Thị Yến, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi đối với Tổng Thanh tra Chính phủ về việc cần tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, trong tổng số hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ quan nhà nước tiến hành từ năm 2011 đến nay, cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, 90% là kiểm tra. Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục hoàn thiện Luật thanh tra chỉ điều chỉnh được 10% số lượng.

“Cơ sở pháp lý nào để điều chỉnh các hoạt động kiểm tra, bởi thanh tra quy định rất chặt chẽ về điều kiện người thanh tra, về căn cứ thanh tra, về quy trình, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động thanh tra”, đại biểu Nghĩa nêu câu hỏi.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập, không đưa hoạt động kiểm tra vào. Chính vì vậy, trong cái thời gian vừa qua, khi báo cáo số cuộc thanh tra, kiểm tra thì lại gộp cả thanh tra và kiểm tra. Nhưng thực chất số thanh tra chỉ khoảng 10%, chủ yếu là kiểm tra. Dự thảo luật đã có một điều, khoản nói rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và quy định riêng cho hai hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành…

4-1667633040.jpg
Quang cảnh buổi chất vấn. Ảnh: QH.

Đối với hoạt động kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động kiểm tra không theo trình tự, thủ tục của thanh tra; thông thường theo đặc thù của từng lĩnh vực, từng ngành.

“Do đó, khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chắc chắn rằng sẽ giải quyết tốt hơn sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán”, ông Phong khẳng định.

Về hoạt động kiểm tra có số lượng rất lớn, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tham mưu Chính phủ và có chỉ đạo cụ thể để khắc phục tình trạng trên./.