Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 14h00 chiều 02/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

8-1667399505.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến về việc cần phải chuyển từ "tham luận" sang "tranh luận". Ảnh: QH

Nhấn mạnh việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp vào thời điểm này là kịp thời, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, nếu Kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của Kỳ họp. Tuy nhiên, theo đại biểu Vân, hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, lối mòn cũ xưa.

"Gọi là thảo luận nhưng vào thảo luận thì mỗi người lấy một tờ giấy ra đọc theo hướng khác nhau", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân,  nghị trường chỉ có tranh luận để sáng tỏ các quyết định lập pháp. Đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở Tổ, ở Đoàn, đây là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại Hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở Đoàn, ở Tổ, khi thảo luận tại Hội trường sẽ hướng đến tranh luận, phân tích những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn.

Đồng thời, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, vốn là một chính trị gia, chứ không phải đọc ê a, người dân sẽ chán, bản thân đại biểu Quốc hội cũng thấy buồn ngủ. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, với những phiên họp có quá nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp.

Tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đồng tình với ý kiến về nâng cao chất lượng của Kỳ họp quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, để nâng cao chất lượng Kỳ họp Quốc hội thì cần một lộ trình phát triển.

9-1667399555.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) tranh luận, không phải đại biểu nào cũng có khả năng nói trước công chúng

Đại biểu Lê Thanh Vân có nêu yêu cầu về hùng biện, tuy vấn đề này rất tốt nhưng đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, các đại biểu đại diện cho các vùng miền khác nhau, trình độ khác nhau, văn hóa khác nhau và nghề nghiệp khác nhau.

Do vậy, yêu cầu không dùng giấy và không được đọc thì khó. Vì nếu không quy định rõ vấn đề này thì có những đại biểu lần đầu tham gia sẽ e ngại trong quá trình phát biểu.

Giơ biển tranh luận lại, Đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ, việc nâng cao hiệu quả phiên họp tổ, phiên họp tại Đoàn sẽ mang đến 3 tác dụng, đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi Quốc hội từ tham luận sang tranh luận; nâng cao chất lượng quyết định của Quốc hội; rèn luyện kỹ năng tranh luận, hùng biện của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu cũng cho rằng, việc tăng cường chất lượng hoạt động của Quốc hội đồng nghĩa với việc lựa chọn những nhân sự xứng đáng giới thiệu ra Quốc hội. Đây là vấn đề quan trọng, liên hệ mật thiết đến chất lượng nhân sự của Quốc hội, cần lưu ý để chuẩn bị tốt nhân sự cho Quốc hội các khóa sau./.