Trong phiên xử ngày 14/5, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tòa tuyên phạt cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường mức án 7 - 8 tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999. Cùng vụ án, 13 bị cáo khác bị đề nghị các mức án từ 8 – 30 năm tù giam về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Xuyên suốt quá trình xét hỏi, ông Trương Quốc Cường nhiều lần khẳng định với vai trò, trách nhiệm là một Cục trưởng, người đứng đầu đơn vị, ông xin chịu trách nhiệm trước sai sót khi xét duyệt cấp cho 7 loại thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada lưu hành tại Việt Nam.
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân sai phạm khiến ông phải ra tòa hôm nay là do quá trình làm việc, khâu thẩm định thuốc tại Cục Quản lý Dược có quá nhiều lỗ hổng, trong đó có việc quản lý hoạt động, ban hành quy chế, quy định với nhóm chuyên gia thẩm định. Ngoài ra, còn có việc bỏ qua bước hợp thức hóa lãnh sự, với các tài liệu thuộc cơ quan y tế nước ngoài, đó là Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) và Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP).
“Tôi thấy mọi việc xảy ra đều có trách nhiệm từ tôi nhưng là do tôi không được báo cáo đầy đủ. Với Hội đồng xét duyệt thuốc, thứ trưởng - Chủ tịch Hội đồng là người quyết định cuối cùng. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng xét duyệt không đồng ý, tôi không được phép ban hành các loại thuốc này”, ông Trương Quốc Cường nói.
Được biết, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế thời điểm đó là ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng) hiện đang bị truy tố trong một vụ án khác. Trong vụ án này, Viện kiểm sát cáo buộc, ông Quang có sai phạm khi quyết định cấp số đăng ký đối với 7 thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, ký ban hành Công văn 2970 có nội dung trái quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cần tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước câu trả lời của ông Trương Quốc Cường, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã phê bình bị cáo chưa thực sự nhìn nhận chính xác, khách quan vào sai phạm của mình mà chỉ nhận trách nhiệm một cách chung chung.
“Bị cáo đã nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu nhưng đó là những trách nhiệm hành chính. Còn bây giờ, bị cáo đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên phải chịu trách nhiệm với vai trò là một người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, vì bị cáo đã làm trái quy định của pháp luật. Nếu bị cáo nhận thức được vấn đề này thì ngay từ đầu cách khai báo đã khác. Những gì bị cáo trình bày với tòa chỉ giống như nhận lỗi cho xong việc”, kiểm sát viên lập luận.
Vì lý do trên, khi nêu quan điểm luận tội, Viện KSND TP Hà Nội đánh giá ông Trương Quốc Cường chưa thành khẩn nên không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt./.