a-1652594109.jpg
Bị cáo Trương Quốc Cường trả lời thẩm vấn tại tòa - Ảnh: GIANG LONG

Chiều 14-5, sau 3 ngày xét xử, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án với cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án buôn thuốc giả liên quan đến Công ty VN Pharma.

Theo đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trương Quốc Cường 7 - 8 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty VN Pharma) bị đề nghị 20 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, cộng với bản án trước đó 17 năm tù, tổng hợp là 30 năm tù.

12 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 đến 30 năm tù, về một trong ba tội danh: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị hội đồng xét xử buộc các bị cáo tại Công ty VN Pharma liên đới bồi thường số tiền hơn 31 tỉ đồng thu lời bất chính. 

VKS ghi nhận ông Trương Quốc Cường tự nguyện nộp hơn 1 tỉ đồng, Nguyễn Minh Hùng nộp 5 tỉ đồng để bảo đảm thi hành án.

b-1652594133.png
Đại diện VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo - Ảnh: GIANG LONG

Đại diện VKS đánh giá các bị cáo tại Công ty VN Pharma vì ham muốn lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, pháp luật, sức khỏe người dân. Hành vi này ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế, phạm tội nhiều lần… nên cần có hình phạt nghiêm khắc.

Riêng các bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Nguyễn Trí Nhật… đều đã có tiền án có hiệu lực pháp luật nên cần tổng hợp thành bản án chung để thi hành.

VKS đánh giá quá trình xét xử, bị cáo Trương Quốc Cường mới chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu mà chưa thành khẩn thừa nhận sai phạm cụ thể như cáo trạng truy tố.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó trưởng Phòng quản lý giá thuốc) vì động cơ cá nhân mà thực hiện trái công vụ, tạo điều kiện cho thuốc giả được cấp số đăng ký. Quá trình xét xử, bị cáo khai báo quanh co.

Trước đó, tại phần thẩm vấn, cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường thừa nhận có sai phạm với trách nhiệm người đứng đầu Cục Quản lý dược ở thời điểm bị cáo giữ chức cục trưởng, khi để 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu, tiêu thụ tại Việt Nam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Minh Hùng nói nhận thức rất rõ sai phạm của mình, xin chịu trách nhiệm trước pháp luật và xin được hưởng khoan hồng...

Theo cáo trạng, trong thời gian 2008 - 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (người Việt Nam định cư tại Canada và có quốc tịch Canada) đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Cudupha, Công ty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký.

Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý dược thiếu trách nhiệm, hoặc có động cơ cá nhân đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.

Kết quả điều tra cho thấy Nguyễn Minh Hùng đã cùng Nguyễn Lê Xuân Khang, Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên Công ty VN Pharma, Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C thực hiện các thủ đoạn để buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ.

Hai bị can Hùng và Cường đã chỉ đạo các thuộc cấp làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu hơn 838.000 hộp thuốc, trị giá gần 26 tỉ đồng.

c-1652594155.jpg
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng trả lời thẩm vấn - Ảnh: DANH TRỌNG

Các bị can còn làm giả giấy tờ nâng khống giá số thuốc này lên tổng cộng thành 54 tỉ đồng. Công ty VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng hơn 623.000 hộp, thu lợi bất chính 31,5 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định thời điểm là cục trưởng Cục Quản lý dược, ông Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Cường nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc, dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc này điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỉ đồng./.