Chiều 24/5, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Theo đó, ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch VEAM) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cùng tội danh trên, cựu Tổng Giám đốc VEAM Lâm Chí Quang bị tuyên phạt 8 năm tù.
14 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 24 tháng tù (hưởng án treo) đến 16 năm tù giam.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (cựu Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên VEAM) bị tuyên phạt 30 tháng tù (hưởng án treo) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
HĐXX sơ thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, gây rối loạn thị trường kinh tế, bất bình trong dư luận nên đòi hỏi cần phải xử lý nghiêm minh nhằm cải tạo giáo dục các bị cáo.
Theo HĐXX, việc khởi tố, truy tố các bị cáo, áp dụng hình phạt nghiêm khắc là cần thiết, nhằm trừng trị các cá nhân đi ngược lại lợi ích của nhân dân, nhằm cải tạo các bị cáo, phòng chống tội phạm kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
HĐXX cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo đồng phạm giản đơn với việc tiếp nhận ý chí khác nhau ở từng bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Ngọc Hà với 3 hành vi vi phạm pháp luật đã gây thiệt hại cho VEAM 127,6 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm chính với 2 hành vi vi phạm.
HĐXX đánh giá, tất cả các bị cáo đã khai báo thành khẩn, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Trong đó, nhiều bị cáo được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được nhận huân chương... Đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo.
Theo nội dung vụ án, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương (trong đó, vốn Nhà nước hơn 88%). Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM - Vetranco là công ty con của VEAM.
Trong thời gian từ năm 2011 - 2013, Vũ Từ Công (cựu Kế toán trưởng VEAM) đã tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình cựu Tổng Giám đốc VEAM Lâm Chí Quang ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng.
Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty CP Đầu tư Minh Quang, Công ty CP Thép Minh Quang, Công ty CP Đầu tư Tương Lai và Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng.
Hiện các công ty trên đã dừng hoạt động, không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco. Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng./.