Trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật số 120 ra ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Người cũng đúc kết: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Để làm tốt công tác dân vận, trong tác phẩm “Dân vận”, Bác chỉ rõ: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kì được”.

Tại sao việc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang lại lợi ích cho Nhân dân? Nói về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

ki-1697511801.jpg
 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải dựa vào Nhân dân. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”. Do đó, nếu chế độ xã hội chủ nghĩa là một cái cây xanh tốt thì Nhân dân chính là gốc rễ vững bền. Người khẳng định: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Trong phong trào thi đua yêu nước, công tác dân vận càng quan trọng. Trong bài viết “Công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô” (Báo Nhân Dân, số 53, ngày 10/4/1952), Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mỗi người làm hết năng lực của mình, mỗi người được hưởng theo năng suất của mình. Chủ nghĩa cộng sản là gì? Là mỗi người làm hết năng lực của mình, mỗi người được hưởng theo sự cần dùng của mình. Muốn đi đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản, thì phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để sản xuất thật đầy đủ, thật dồi dào tất cả những thứ cần cho đời sống của mỗi người”.

Do đó, để người dân hăng hái phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác nhắc nhở Đảng cần hết sức chăm lo đến đời sống của Nhân dân và có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Người chỉ rõ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân… Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân”. Trong Di chúc, Người cũng căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và v#n hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân… Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Đảng và Nhà nước ta đã vận động Nhân dân cả nước tham gia các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa là tiến bộ, khoa học và nhân văn. Cho nên, phấn đấu cho những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cũng chính là phấn đấu cho con người có được cuộc sống ngày càng hạnh phúc. Những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và được hoàn thiện thêm một bước trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 (Kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bài “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” viết năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kì của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.