Nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
Trước đây, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong là một trong những xã rẻo cao biên giới xếp vào loại nghèo nhất của tỉnh Nghệ An. Đời sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn. Phong tục tập quán còn nhiều cổ hủ, lạc hậu. Một số hộ gia đình không có nhà cửa hoặc sống chen chúc nhau trong những ngôi nhà xập xệ, dột nát tứ bề. Môi trường bị ô nhiễm nặng do tập tục và ý thức của người dân.
Nhớ lại đầu tháng 10 năm 2007, trận lũ quét lịch sử đã nhấn chìm xã Nậm Giải trong một đêm. Tang thương bao trùm lên mảnh đất ấy khi 13 người dân ở bản Pục, bản Pòng bị chết và mất tích vì nước lũ đổ về. Người lớn nhất 41 tuổi, trẻ nhất 11 tuổi. Ngay lập tức, 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh nhận lệnh cấp tốc hành quân lên Nậm Giải để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống.
Có mặt tại bản Pục, mặc dù đã lường trước những nỗi đau mất mát và thiệt hại của người dân nơi đây nhưng cảnh tượng hoang tàn nơi đây vượt ra ngoài tưởng tượng của các cán bộ, chiến sỹ. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng loạn.
Sau khi dựng lán trại ổn định nơi ăn ở, bộ đội nhanh chóng phối hợp với các lực lượng của huyện và xã bắt tay vào giúp dân ổn định cuộc sống với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất. Tiến hành dựng lại các nhà cửa bị đổ sập, tổng dọn vệ sinh môi trường,... để người dân ổn định cuộc sống. Chỉ sau hơn 10 ngày, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực hết mình của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và các lực lượng tình nguyện không quản ngày đêm đã cơ bản giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
"Đỡ đầu” xã nghèo xây dựng Nông thôn mới
Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và chủ trương của UBND tỉnh về việc giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp các xã khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, năm 2012, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An quyết định nhận “đỡ đầu” xã Nậm Giải xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và an ninh.
Khi mới tiếp nhận, địa phương có cơ sở vật chất, hệ thống giao thông lạc hậu; trình độ dân trí thấp; tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 80%; địa hình chủ yếu là rừng núi cheo leo hiểm trở... Sau khi phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức khảo sát kỹ địa hình, các hạng mục công trình, tư tưởng và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Bộ CHQS tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch giúp dân.
Ngoài nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân cải tạo đất sản xuất, giúp người dân có được nguồn vốn, con, cây giống,... để phát triển kinh tế. Từ 30 con bò giống trao tặng bà con, hiện nay đàn bò đã sinh sản được hơn 100 con, góp phần không nhỏ giúp người dân cải thiện đời sống và có điều kiện nuôi con cái ăn học. Tin yêu và cảm phục tấm lòng của các chú bộ đội, nhiều bà con đã tình nguyện hiến đất mở đường, phối hợp cùng các lực lượng hoàn thành các con đường bê tông rộng đẹp nối liền các bản với trung tâm xã và các đường nội thôn, liên bản.
Mới đây, Bộ CHQS tỉnh cũng vừa hoàn thành việc hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng nhà ăn bán trú hiện đại cho trường Tiểu học và THCS xã Nậm Giải; lắp đặt xong hệ thống bóng đèn thắp sáng dọc trục đường liên xã, liên bản với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng.
Anh Lô Văn Tính, người dân tộc Thái ở bản Pục phấn khởi chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có bữa cơm no. Từ khi được Bộ CHQS tỉnh trao tặng con bò giống cái và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hiện bò đã sinh sản được 3 lứa rồi nên cuộc sống đã no ấm hơn trước rất nhiều. Các con cũng có thêm cơ hội mang sách đến lớp".
Để có nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân bản lâu dài, Bộ CHQS tỉnh đã phát động phong trào “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”. Theo đó mỗi tháng, tất cả cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ CHQS tỉnh và cán bộ Ban CHQS các huyện, thị xã trong tỉnh đều tình nguyện đóng góp 30.000 đồng để hưởng ứng. Ngoài ra, hàng năm đơn vị đều tổ chức các tổ đội công tác hành quân lên Nậm Giải khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho bà con đồng bào.
Từ những sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo ở Nậm giải đã giảm mạnh xuống còn hơn 30%, dự kiến cuối 2023 sẽ đạt 17 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và trở thành “điểm sáng” của huyện miền núi Quế Phong.
Bộ CHQS tỉnh Nghệ An giúp xã Nậm Giải xây dựng nông thôn mới năm 2013. Ảnh tư liệu
Bộ CHQS tỉnh Nghệ An giúp xã Nậm Giải xây dựng nông thôn mới năm 2013. Ảnh tư liệu
Phấn khởi trước sự đổi thay nhanh chóng của quê hương, ông Lô Minh Tường - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải chia sẻ: “Hiện nay bộ mặt nông thôn mới của xã đã có nhiều khởi sắc hơn trước rất nhiều. Chất lượng cuộc sống của bà con dân bản đã được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế của xã đều được Bộ CHQS tỉnh quan tâm đầu tư cơ bản. Vào các dịp lễ Tết, Bộ CHQS tỉnh luôn đến trao tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người neo đơn. Vì vậy sự tin tưởng của bà con ở đây đối với Đảng, Nhà nước và đặc biệt là đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh rất cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn ổn định”.
Trung tá Hoàng Trường Minh - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh chia sẻ thêm: “Hơn 10 năm đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nậm Giải trong công tác xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, gần 150 tấn xi măng, 30 con bò giống, hàng chục ngàn ngày công… Không chỉ trao tặng bò giống, làm đường bê tông giao thông, hướng dẫn trồng rừng, xây dựng phòng học bán trú, sân bóng chuyền cho các bản, làm cầu gỗ dân sinh giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến mọi người dân".
Thời gian qua, nhờ có sự “đỡ đầu”, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, Nậm Giải đã hoàn toàn "thay da đổi thịt". Cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây đã ấm no đủ đầy, từng bước khởi sắc, góp phần quan trọng trong việc củng cố nền quốc phòng và an ninh.