Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa; Trương Đình Tuyển - Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh tại 21 điểm cầu trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, cán bộ công chức viên chức cấp huyện, cấp xã.
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Di tích Thành cổ Vinh
- Nghệ An: Khởi công 2 dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Quy hoạch cán bộ kiểu...: Nếu 3 lãnh đạo cao nhất của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đều tốt nghiệp Đại học Nông..., thì răng?
Quy hoạch mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng mới cho sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững của tỉnh Nghệ An
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của tỉnh; xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã khẩn trương tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tin tưởng rằng, cùng với Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố hôm nay; đây là những cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng mới cho sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững của tỉnh Nghệ An.
Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sau khi được phê duyệt, gắn với tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đến năm 2030, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước
Theo quyết định, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Nghệ An bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Nghệ An và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Quy hoạch tỉnh hướng đến là xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An sẽ tập trung phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.
Tỉnh thực hiện 03 đột phá chiến lược theo Quy hoạch. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển.
Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ. Tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hình thành và phát triển 04 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.
Phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị: Đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.
Quy hoạch cũng xác định phương hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực của tỉnh gồm, ngành công nghiệp; ngành dịch vụ; ngành nông, lâm, thủy sản; phát triển kinh tế biển, giáo dục và đào tạo; y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; văn hóa và thể thao; lao động, việc làm và an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Quy hoạch xác định các phương án: Phát triển mạng lưới giao thông; phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện; phát triển mạng lưới viễn thông; phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước; phát triển thu gom và xử lý chất thải; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.
Quy hoạch cũng đưa ra phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai; danh mục các dự án và thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.