ew-1696996175.jpg
Một Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số tại Vinh năm 2019

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, hiện nay, số người DTTS có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú tại TP Vinh là trên 2.800 người, trong đó, nam giới trên 1.000 người. Hầu như tất cả các phường, xã ở Vinh đều có người DTTS sinh sống. Những người DTTS tập trung đông đảo ở một số phường, xã như: Hà Huy Tập (trên 620 người), Trung Đô (trên 370 người), Bến Thuỷ (trên 220) người, Trường Thi (gần 200 người) người, Hưng Dũng (gần 200 người), Hưng Phúc (trên 102 người), Nghi Ân có (trên 430 người), Hưng Lộc (trên 163 người)…. Đây mới chỉ là số lượng người DTTS đã có hộ khẩu hoặc đã đăng ký tạm trú tại các phường, xã ở Vinh, còn một số lượng không nhỏ người DTTS xuống làm việc theo thời vụ hoặc dài hạn nhưng không đăng ký hộ khẩu hay tạm trú. Và trong số trên 2.800 người DTTS ở Vinh không chỉ có những người DTTS từ miền Tây Nghệ An xuống mà còn có người DTTS ở nhiều nơi khác đến.

Người DTTS ở Vinh có nhiều nguồn gốc khác nhau. Họ đến với Vinh cũng theo những con đường khác nhau. Hầu hết đều di cư từ miền núi xuống đô thị để tìm kiếm cuộc sống mới tốt đẹp hơn, nhưng họ xuất phát và đến đích ở những điểm khác nhau. Và con đường đi của họ cũng thể hiện sự đa dạng về nghề nghiệp, điều kiện cụ thể và cả sự thích ứng với cuộc sống đô thị của họ. Và cách gọi “Bản Vinh” như một kiểu “lãnh thổ hoá” hay “dân tộc hóa” địa danh đô thị, vừa thể hiện một thực trạng là càng ngày, số lượng người DTTS ở Vinh càng tăng lên. Và hiện nay, nếu tập trung lại một chỗ thì nó không còn là một bản nữa, mà xấp xỉ một xã nhỏ. Sự di cư xuống Vinh cũng là một hình thức “giải lãnh thổ hóa” của người DTTS, như một lời phản biện lại định kiến rằng người DTTS thì chỉ ở trên rừng núi, làm nương rẫy...

w-1696996196.jpg
Học sinh trường dân tộc nội trú ở Vinh trong những bộ trang phục truyền thống

Từ lâu nay, như một định kiến ăn sâu vào nhận thức của nhiều người miền xuôi rằng, khi nói đến người DTTS là họ liên tưởng đến những người sinh sống ở rừng sâu núi cao, cuộc sống còn lạc hậu và nghèo đói. Ngay các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý khi xây dựng các chính sách phát triển, các đề án nghiên cứu liên quan đến người DTTS đều hướng đến vùng sâu, vùng xa. Điều đó không sai khi mà hầu hết các DTTS sinh sống chủ yếu vùng rừng núi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quá trình đô thị hóa ngày càng lan rộng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng DTTS. Rất nhiều người DTTS theo tiếng gọi của các đô thị đã tiến hành những cuộc di cư về các trung tâm để tìm kiếm trải nghiệm đô thị.

Con đường đến “bản Vinh” đầu tiên là di cư theo công việc. Đây là con đường chủ yếu của các cán bộ quản lý hay các chuyên gia, chuyên viên, công chức nhà nước. Các cán bộ ở địa phương cấp huyện hay một số phòng ban ở huyện thường hay phải thực hiện chế độ luân chuyển công tác. Nhiều cán bộ huyện sau một thời gian làm quản lý ở địa phương thì luân chuyển lên tỉnh làm việc nên xuống Vinh. Sau đó đưa gia đình xuống Vinh định cư. Cơ quan cấp tỉnh có nhiều cán bộ từ miền núi xuống là người DTTS phải kể đến Ban Dân tộc tỉnh. Trưởng, Phó ban và nhiều cán bộ chủ chốt ở đây hầu hết đều là cán bộ người DTTS từ các huyện xuống và gần như họ chuyển cả gia đình xuống Vinh định cư. “Về thành phố làm việc vừa theo yêu cầu của Nhà nước phân công, vừa có điều kiện để tiếp cận cuộc sống hiện đại, để con cháu được học hành tốt hơn. Vậy nên, khi còn làm ở huyện tôi cũng đã tính đến chuyện chuẩn bị nhà cửa ở Vinh dự định khi thuận lợi sẽ về Vinh sinh sống. Khi có quyết định chuyển công tác, tôi và gia đình cũng không quá khó khăn trong việc sắp xếp”. Một vị cán bộ người DTTS chia sẻ.

Con đường thứ hai là di cư theo gia đình. Các cán bộ sau khi xuống Vinh và ổn định công việc xong thường đón gia đình xuống sinh sống. Vậy nên, có nhiều người DTTS từ miền núi xuống Vinh theo diện này. Có khi cả gia đình xuống, có khi chỉ một phần xuống do điều kiện công việc hay học tập. Như Hà, một phụ nữ người Thái ở Tương Dương chia sẻ: “Vợ chồng mình cũng nghĩ đến chuyện về Vinh sinh sống để con cái được học hành tốt hơn. Từ năm ngoái, chồng mình có quyệt định điều chuyển công tác về Vinh làm việc nên xuống trước. Chúng mình đã mua nhà trước đó, nên khi chồng xuống thì chuyển trường cho một đứa con xuống. Công việc của mình ở trên này cũng không quá quan trọng nên hết năm học này mình và đứa sau cùng bố mẹ chồng cũng chuyển về Vinh để gia đình được đoàn tụ”. Như vậy, trong trường hợp này, một người chuyển công tác xuống Vinh và có 5 người di cư theo diện đoàn tụ gia đình.

Con đường thứ ba là di cư để tìm kiếm việc làm. Đây là con đường nhộn nhịp nhất, mà chủ yếu là nhóm thanh niên. Thành phố trung tâm với các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hệ thống doanh nghiệp và hệ thống cơ sở dịch vụ thương mại luôn là điểm đến hấp dẫn đối với lao động vùng nông thôn. Lao động vùng miền núi cũng không ngoại lệ. Khi mà điều kiện sản xuất thay đổi, lao động ở miền núi thiếu việc làm ngày càng nhiều thì sự di cư xuống đô thị càng đông hơn. Với thanh niên, xuống Vinh để tìm kiếm việc làm và trải nghiệm cuộc sống hiện đại được nhiều người lựa chọn. Tùy theo trình độ học vấn, mạng lưới xã hội và các yếu tố khác mà người ta lựa chọn những điểm đến của mình. Có những người xuống xin việc ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công ty khác để làm công nhân. Có người lại lựa chọn đi làm ở các nhà hàng, khách sạn hay các điểm dịch vụ. Những người có điều kiện thì xuống Vinh để buôn bán, mở cửa hàng làm dịch vụ…. Những người thuộc nhóm này chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng khá nhiều người di cư theo mùa vụ hoặc ở khá lâu dài nhưng địa điểm không cố định nên họ không nhập hộ khẩu hay đăng ký tạm trú, gây khó khăn cho việc thống kê. Nhiều người đã lập gia đình nhưng vì nhiều lý do mà đi Vinh kiếm việc. Họ đi theo các mạng lưới xã hội riêng, chủ yếu là bạn bè, anh em giới thiệu và giúp đỡ.

sa-1696996218.jpg
Học sinh trường dân tộc nội trú ở Vinh trong những bộ trang phục truyền thống

Con đường thứ tư là di cư để học tập. Đây là đường đến Vinh của học sinh các trường dân tộc nội trú và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…. Con đường di cư này phổ biến đối với người DTTS ở Vinh. Những người này di cư khi thi đỗ vào một trường học nào đó. Sau khi học tập xong họ không lựa chọn con đường về quê mà ở lại Vinh xin việc, rồi lập gia đình và sinh sống tại đây. Nhóm này chiếm khoảng một nửa số người DTTS ở Vinh. Và họ là cầu nối quan trọng trong việc đưa những người khác từ quê xuống Vinh làm việc.

Trong một cuộc khảo sát tiến hành với 64 trường hợp về con đường họ di cư đến Vinh thì có 9% số người đi theo con đường công việc, 19% đi theo con đường đoàn tụ gia đình, 31% đi theo con đường tìm kiếm việc làm và 41% theo con đường học tập. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, sự phân chia các con đường đến với “Bản Vinh” của người dân tộc như trên về cơ bản chỉ mang tính nhận thức luận. Thực tế cuộc sống đa dạng và mỗi người đều có một con đường đi riêng của mình. Và gắn với mỗi con đường đó là những mạng lưới xã hội riêng, những sinh kế riêng và cả những câu chuyện cuộc đời riêng.

Theo ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đánh giá thì “sự di cư của người DTTS xuống Vinh, chủ yếu là di cư tự phát. Ngoài những người được điều chuyển công tác về tỉnh thì còn lại là tự di cư để kiếm tìm cuộc sống mới. Họ không di cư theo các chương trình của Nhà nước. Và cũng vì vậy mà tính chủ động của họ rất cao”. Nói vậy để thấy, người DTTS đến Vinh sinh sống là một sự chủ động tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ đến Vinh để thay đổi bản thân, để trở thành một người khác nhằm tìm kiếm những trải nghiệm về cuộc sống đô thị. Và những trải nghiệm đó cũng là nhân tố quan trọng giúp họ định hình chính cuộc đời của mình trong mối tương tác giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại ở đô thị./.