Nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9, bức tranh "Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập" của họa sĩ Văn Giáo hoàn thành năm 1974, chất liệu sơn dầu, kích thước 110x81cm đã được ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã được gia đình ông Đoàn Văn Đức giữ gìn và bảo quản như một kỷ niệm quý giá nhất suốt 30 năm qua.

Tại lễ trao tặng bức tranh "Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập", ông Đoàn Văn Đức cho biết, trong quá trình lưu giữ, bảo quản bức tranh đã có một số cơ quan đơn vị liên hệ, chiêm ngưỡng bức tranh. Tháng 7 năm 2023, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gặp ông và đề nghị mong muốn Bảo tàng Hồ Chí Minh được lưu giữ bức tranh. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông đã quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

"Bảo tàng Hồ Chí Minh được mang tên Bác, địa điểm tại khuôn viên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi hồn thiêng sông núi. Và chính tại nơi đây, 78 năm về trước, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để giữ gìn, phát huy giá trị muôn đời. Vì thế, tôi hy vọng bức tranh sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để đồng bào, chiến sĩ chúng ta ở 63 tỉnh thành, kiều bào nước ngoài, bạn bè có thể chiêm ngưỡng bức tranh, từ đó thể hiện lòng kính yêu Bác, nhớ đến Bác thì tinh thần, trí tuệ và đạo đức cách mạng trong sáng hơn...”- ông Đoàn Văn Đức chia sẻ.

a-1693617609.jpg
Tác phẩm “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”

Họa sĩ Văn Giáo thuộc lớp họa sĩ thế hệ đầu của nền hội họa cách mạng Việt Nam. Ông là người có điều kiện được tiếp xúc, nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên các tác phẩm ông sáng tác về Người được các nhà chuyên môn đánh giá rất có hồn và chạm đến trái tim của đông đảo người dân Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm trong mỹ thuật cách mạng nước nhà.

Đặc biệt, bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi dành cho hội họa, họa sĩ Văn Giáo đã đi khắp nơi như Nghệ An, Cao Bằng để ghi lại những khoảnh khắc có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Văn Đức, con trai họa sĩ Văn Giáo, những ghi chép mà họa sĩ để lại rất ít, song về tác phẩm “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” ông đã kể lại nhiều lần. “Cha tôi là người cẩn trọng trong công việc, nhất là quá trình sáng tác mỹ thuật. Ông luôn ghi chép, nghiên cứu và phác họa tác phẩm với các chất liệu, kích thước khác nhau”- họa sĩ Nguyễn Văn Đức bày tỏ.

Bức tranh “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” được họa sĩ Văn Giáo thực hiện với 3 bức. Bức đầu tiên phác thảo năm 1971 bằng màu nước, kích thước 25x32cm. Bức thứ hai bằng bột màu thực hiện năm 1973 được tặng cho Văn phòng Trung ương Đảng. Bức thứ ba chính là bức được Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Đoàn Văn Đức hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh đặc tả hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang viết Tuyên ngôn độc lập tại tầng 2 ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, với vầng trán rộng, đôi mắt suy tư, phong thái giản dị nhưng thanh cao, toát lên thần thái của một bậc vĩ nhân trước vận mệnh lịch sử của dân tộc.

Họa sĩ Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, mặc dù được tiếp xúc với Bác nhiều lần, song cha ông không có cơ hội được vẽ Bác trong thời điểm Người viết Tuyên ngôn Độc lập ngày 28 – 30/8/1945. Vì vậy, họa sĩ Văn Giáo đã phải tìm các tư liệu lịch sử liên quan đến sự kiện, trò chuyện với chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nhà tư sản Trịnh Văn Bô; gặp gỡ các đồng chí được Bác gọi đến góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Họa sĩ đã bắt được tinh thần và ý nghĩa của sự kiện trọng đại này. “Đó là cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào 14 giờ ngày 2/9/1945”, họa sĩ Nguyễn Văn Đức bày tỏ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Đức nhớ lại, khi vẽ bức sơn dầu này, họa sĩ Văn Giáo cũng giải thích màu sắc và các chi tiết ông lựa chọn cho phù hợp. Ông cho biết, họa sĩ Văn Giáo chú ý nhất tư tưởng và phong thái của Hồ Chí Minh khi ngồi viết, đặc biệt là gương mặt với ánh mắt suy tư, nghiêm nghị và cánh tay viết tập trung, dứt khoát của Người. Đây cũng là hai chi tiết ông mất nhiều thời gian để phác họa. Ngoài ra, trang phục với bộ quần áo nâu giản dị của Bác cũng là một điểm nhấn để họa sĩ chọn màu nền cho bức tranh. Đó là màu trắng tinh khiết mà ông ví như không gian của ánh sáng cách mạng…

Đánh giá về giá trị tác phẩm của họa sĩ Văn Giáo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, PGS.NGND. Lê Anh Vân cho hay, tranh có lối diễn tả khái quát, màu sắc nhã nhặn, cân nhắc từng đường nét, hình khối, tâm trạng. Họa sĩ Văn Giáo có bút pháp giản dị, nhìn vào dáng ngồi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được sự mộc mạc nhưng trang nghiêm, sang trọng của một lãnh tụ ở một trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam.

Việc bức tranh được tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là ý nguyện của gia đình họa sĩ Văn Giáo khi đa phần tác phẩm của ông sử dụng bột màu, sơn dầu, dễ bị thời tiết làm hư hỏng. Nếu được bảo quản đúng cách, tác phẩm sẽ được trưng bày để người dân và khách tham quan hiểu hơn cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, những sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Giáo được đánh giá là rất gần gũi, có hồn. Không chỉ dừng lại những bức chân dung về lãnh tụ, đó còn là những thời khắc lịch sử của dân tộc cũng như những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm nghệ thuật được tiếp nhận lần này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm phong phú thêm kho hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đồng thời đây chính là những tác phẩm nghệ thuật gốc mang nhiều giá trị, thể hiện tấm lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Giáo, là người đã dành cả cuộc đời để vẽ chân dung Bác Hồ.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh từ năm 2018, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có chủ trương, định hướng và bắt đầu nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ nổi tiếng sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục tiêu xây dựng một bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật để gìn giữ, bảo quản và trưng bày phục vụ công chúng trong nước, quốc tế.

Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được một số tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phản ánh chân thực cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: tranh màu nước “Nguồn Cốc Bó” của danh họa Trần Văn Cẩn, tranh lụa “Đêm Nguyên tiêu” của họa sĩ Nguyễn Thụ, tranh sơn dầu “Nắm đất Tổ quốc” của họa sĩ Văn Giáo cùng các bản phác thảo tranh có giá trị khác.

Sau khi từ Chiến khu cách mạng Tân Trào về Hà Nội, sáng ngày 26 tháng 8, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn các chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, thông qua danh sách Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa để Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào.

Hồi ức của đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần giúp đỡ, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.