Trịnh Lan Hương đã được UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng nhiều Bằng khen. Hiện nay, Hương đang là giọng ca trẻ hát nhạc dân gian được công chúng yêu thích và mến mộ.

Tôi gặp ca sỹ Trịnh Lan Hương tình cờ tại "Không gian thơ và nhạc" do Hội Tao đàn Mùa Xuân Nghệ An tổ chức ở Diễn Châu. Lan Hương có một vẻ đẹp ngây thơ và thánh thiện, đôi mắt ánh niềm vui, đôi môi mọng lúc nào cũng líu lo những âm thanh trong trẻo. Lan Hương sinh ra và lớn lên ở Vinh. Gia đình không ai theo "con đường" ca hát chuyên nghiệp. "Bố mẹ em chỉ là những công nhân ngành Xây dựng nhưng cả hai ham ca hát và yêu âm nhạc. Ông bà bao giờ cũng nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của cơ quan - Lan Hương tâm sự.

Dòng nhạc dân gian kén chọn người hát lẫn người nghe; là dòng nhạc truyền thống, chở nặng văn hóa dân gian của quê hương đất nước, đang ngày đêm bị mai một bởi dòng nhạc thị trường lấn át. Việc chọn để đi theo và phát triển con đường ca hát ở dòng nhạc này của một ca sĩ trẻ như Lan Hương đòi hỏi cô phải hy sinh nhiều. Trên sân khấu của Ngày Thơ Việt Nam năm 2017 do Tao đàn Mùa Xuân Nghệ An tổ chức ở Diễn Lâm (Diễn Châu), tôi được thấy một Trịnh Lan Hương khoe chất giọng trong trẻo, uyển chuyển, có nội lực với nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca Nghệ An, Hà Tĩnh.

opp-1703903058.jpg
Ca sĩ Trịnh Lan Hương.

Lan Hương hóa thân vào các nhân vật trong bài hát để thể hiện sự mùi mẫn, tình tứ, ngọt ngào, sâu lắng của ca từ trong những bài ví giặm và những bài hát dân ca ngọt ngào, dẫn dụ người nghe chìm đắm vào không gian văn hóa Xứ Nghệ. Tại đây, tôi đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ trẻ Lan Hương:

- Ai đã đưa Lan Hương vào nghề, để bây giờ trở thành ca sỹ?

+ Đang học lớp 12 thì em biết tin Đoàn Ca nhạc múa kịch Hương Sen, bây giờ là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An tuyển diễn viên nên em tham dự và trúng tuyển. Xứ Nghệ là một không gian văn hóa rất đặc biệt. Gần như người Nghệ lớn lên đã được đằm mình trong dân ca. Em cũng không ngoại lệ.

Từ nhỏ em rất thích nghe các làn điệu dân ca ví giặm mà bà ngoại vẫn hát ru. Làn điệu của quê hương thành máu thịt của con người xứ sở. Lớn lên em thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn của trường học, khối phường. Em chỉ hát dân ca thôi. Những bài em ưa thích ngay từ bé là "Trông cây lại nhớ đến Người" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, "Thăm bến Nhà Rồng" của nhạc sĩ Trần Hoàn… Hồi bé, em khát khao cháy bỏng sau này lớn lên trở thành ca sỹ để hát về quê hương, phục vụ bà con.

- Đâu là những người thầy ảnh hưởng đến lựa chọn âm nhạc của Lan Hương?

+ Với em, người thầy đầu tiên ảnh hưởng đến mình chính là bố. Cuộc sống mưu sinh dù mệt nhọc nhưng đêm đêm, căn nhà nhỏ luôn luôn có tiếng đàn ghi ta của bố và tiếng hát của cô con gái bé bỏng chính là em. Bố em thường hát cho con gái nghe các ca khúc "Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho, "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký, "Lên ngàn" của nhạc sĩ Hoàng Việt. Em cứ thế hát theo bố và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật từ những buổi sinh hoạt văn nghệ gia đình như vậy.

Sau này khi được vào Đoàn, chính bố em hướng dẫn để em hát "Người con gái sông La" và "Bài ca hy vọng". Sau khi nghe em hát, chính NSND Tiến Dũng - Trưởng Đoàn Ca nhạc múa kịch Hương Sen lúc đó đánh giá cao. Chú hỏi: "Ai dạy cháu hát?". Em trả lời: "Bố cháu dạy". NSND Tiến Dũng lại hỏi: "Chắc bố cháu là thầy dạy nhạc hay ca sỹ gì đó?" Sau khi biết bố em chỉ là công nhân, chú Tiến Dũng rất ngạc nhiên.

Sau khi vào Đoàn, em nhận thấy đã có cơ hội thực hiện ước mơ lúc bé là trở thành ca sỹ chuyên nghiệp, do vậy em rất cố gắng học tập các ca sỹ đàn chị, đàn anh. NSƯT Ngọc Hà không chỉ là đồng nghiệp mà còn là "người thầy" thứ hai trong cuộc đời em khi truyền lửa và chỉ bảo em về kỹ thuật thanh nhạc… để em trưởng thành trên con đường ca hát của mình.

- 15 năm trên con đường ca hát, Lan Hương tự thấy mình có những thành tựu gì?

+ Nói "thành tựu" thì hơi to tát, chỉ là có ít vốn để dành thôi. Nhưng em đã rất cố gắng. Năm 2005, trong Liên hoan Giọng hát hay do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức tại Huế, em đoạt Huy chương Vàng với ca khúc "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" của nhạc sỹ Hoàng Vân. Năm 2007, tại Cuộc thi Sao Mai của tỉnh Nghệ An, em đoạt giải Ba dòng Nhạc dân gian. Năm 2015, tham gia Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tại Thái Nguyên, em đoạt Huy chương Bạc với ca khúc "Xuôi dòng Lam Giang" của nhạc sỹ Trịnh Quang Thuận. Năm 2016, em ra CD, DVD "Tình quê" để tri ân khán giả đã yêu mến giọng hát của mình.

- Dân ca xứ Nghệ dễ chinh phục lòng người nhưng nếu làm một ca sĩ chuyên nghiệp vươn ra toàn quốc, em có gặp nhiều rào cản không?

+ Dạ đúng thế ạ. Dân ca ví giặm xứ Nghệ là một bức tranh trọn vẹn, đầy màu sắc về cuộc sống của nhân dân lao động xưa, đặc biệt trong đó cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của người phụ nữ Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng được thể hiện khá đậm nét. Đây là thuận lợi nhưng đồng thời là thách thức đối với các ca sỹ như chúng em.

Với lại dòng nhạc dân gian đâu có "đắt show" như dòng nhạc thị trường mà các ca sỹ thị trường đang lựa chọn. Đã xác định chọn dòng nhạc dân gian, dân ca xứ Nghệ thì em chỉ biết đam mê và tận hiến hết mình. Nhiều khi không nghĩ đến lợi nhuận hay kiếm tiền nữa anh ạ. Yêu dòng nhạc này, mình sẵn sàng hy sinh vì nó. Nhiệm vụ của chúng em còn phải đi vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con các dân tộc, các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo.

Dòng nhạc dân gian, như anh biết, về biểu diễn đã có nhiều đàn anh, đàn chị với những thành tựu, nhiều giọng ca "đỉnh" và chinh phục trong cả nước cũng như thế giới. Do vậy em tự xác định mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, trau dồi về chuyên môn để thể hiện tốt những bài hát mang âm hưởng dân gian, tiếp bước các thế hệ đi trước qua các ca khúc để ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, đồng thời tham gia dìu dắt các thế hệ sau em… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại trên chính quê hương mình.

Tạm biệt cô gái trẻ yêu dân ca xứ Nghệ, tôi cảm phục ý chí và nghị lực cùng tình yêu âm nhạc của em. Tôi biết để giữ đam mê nghề nghiệp, Trịnh Lan Hương phải bươn bả đủ nghề: trồng nấm, kho cá... Dẫu khó khăn nhưng đam mê ở ca sỹ trẻ này với âm nhạc truyền thống, dòng nhạc dân gian luôn cháy bỏng. Hy vọng Trịnh Lan Hương thành công trên con đường dấn thân vì âm nhạc dân tộc trên quê hương xứ Nghệ.