Người Việt nói riêng và châu Á nói chung ở Úc bị kì thị khi đeo khẩu trang ngừa nCoV không phải là chuyện lạ. Mới đây, Amber Mai cay đắng kể lại chuyện cô và anh trai bị chửi, hất đồ uống vào người và tấn công chỉ vì đeo khẩu trang khi đi tàu tại TP Sydney (Úc).
Người viết xin dịch status tiếng Anh của Amber Mai:
Hôm nay trên tàu, tôi và anh trai bị hành hung vì đeo khẩu trang. Gã trai chửi mắng, hất đồ uống vào chúng tôi và đánh tôi sau cuộc cãi vã.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi rơi vào tình cảnh đó. Điều này thật đau lòng. Tôi luôn nói với gia đình, anh trai những điều tuyệt vời về nước Úc. Đó là lý do cả nhà quyết định để anh trai đến đây học cùng tôi. Anh ấy mới chỉ đến Úc 4 tháng trước và đó là điều tồi tệ anh ấy phải hứng chịu. Tôi cảm thấy xấu hổ.
Điều đáng buồn nhất là dù chúng tôi cố gắng giữ gã trai kia khỏi việc rời khỏi tàu, nhưng không ai có động thái gì. Tôi đoán mọi người có thể cũng muốn giúp đỡ mình, nhưng nghĩ rằng chuyện đó không quá nghiêm trọng và họ không chắc điều gì vừa xảy ra.
Amber Mai bị gã trai Úc hất đồ uống vào người và hành hung.
Anh trai cô sợ hãi khi chứng kiến cảnh này.
Tôi từng chứng kiến hành vi tương tự với một tài xế châu Á và một cô gái châu Á trên xe buýt. Mọi người có thể nghĩ rằng chuyện đó bình thường nên im lặng nhưng tôi đã nhảy vào tranh luận, hoặc ít nhất nói lại. Lý do vì tôi biết rằng ít nhất nạn nhân sẽ cảm thấy an toàn hơn một chút, rằng ai đó đứng về phía họ, và kẻ kia phải do dự khi định làm điều gì quá đáng hơn. Hãy tưởng tượng như rằng nếu anh trai không ở đó với tôi, sẽ có ai khác ngăn gã ta lại.
Dành cho những ai nói rằng chúng tôi nên làm gì đó quyết liệt hơn là mong đợi sự giúp đỡ từ người khác. Tôi đã tranh luận với gã ta rằng, tại sao lại nổi nóng và hất đồ uống vào người chúng tôi. Anh trai tôi rất sợ, chỉ có thể ngăn gã ta đánh tôi. Tôi cố xoay sở, đá và đẩy gã ta nhưng không ăn thua vì nhỏ con hơn. Chúng tôi kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp trên tàu và tài xế đã trả lời nhưng chỉ nhìn từ xa và đến chỗ chúng tôi sau khi gã rời đi. Dù sao, tôi cũng cảm ơn anh ấy vì ít nhất đã liên lạc với ai đó và cảnh sát rất hiểu rằng đây là vấn đề nghiêm trọng.
Đến thời điểm này, Úc có tổng cộng 709 ca nhiễm nCoV, trong đó 6 người chết. Nhiều người Úc vẫn giữ tâm lý chủ quan và xem bệnh viêm phổi cấp do nCov như cúm vặt.
Người Việt ở châu Âu, Úc sợ bị kì thị, tấn công nên ngại đeo khẩu trang
Nhiều người châu Âu, Úc quan niệm rằng chỉ ai mắc bệnh hay nhân viên y tế mới đeo khẩu trang. Vì thế, những người đeo khẩu trang ra đường ở các nước này thường bị nhìn với ánh mắt kì thị, thậm chí có nguy cơ bị tấn công vì nghi nhiễm nCoV.
Đang sống ở thủ đô Berlin, Đức, chị Mỹ Trang kể: “Ở Đức có hơn 260 ca nhiễm nCoV rồi. Hôm qua có 2 người đeo khẩu trang bị người ta đánh cho không trượt phát nào. Thằng đánh bảo: ‘Mày bị bệnh thì ở nhà đi, ra ngoài làm gì’. Ở Đức, người ta bảo không phải đeo khẩu trang, bao giờ bị bệnh mới đeo. Tôi mua khẩu trang rồi mà không dám đeo vì sợ bị tẩn”.
Cũng sống ở Berlin, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Có hơn 6 người nhiễm ở Berlin rồi. Mọi người đi lại chủ yếu bằng tàu mà chẳng thấy ai đeo khẩu trang cả. Nghe thấy bảo, nếu đeo thì bị 112 (số điện thoại khẩn cấp - PV) đến bắt. Dù vậy, ở hiệu thuốc, khẩu trang, thuốc sát khuẩn và nước rửa tay đều hết hàng”.
Trong khi anh Hổng Lam tiết lộ không đeo khẩu trang ở Đức vì lý do khác: “Cả nhà em sợ lắm nhưng không dám đeo vì làm dịch vụ. Đeo vào không ai đến nữa”.
Tính đến 15 giờ ngày 5.3, Ý có tổng cộng 3.089 ca nhiễm và 92 người chết vì nCoV. Ấy vậy mà anh Hoàng Minh (sống ở Ý) cho hay: “Khẩu trang thì không đeo mà thực phẩm thì người dân mua sạch, dự trữ kiểu như tận thế rồi ấy. Tôi ở bên này cũng không dám đeo vì ra đường cứ bị nhìn như người ngoài hành tinh”.
Hiện sống ở Cộng hòa Séc, anh Huy Hoàng cũng gặp tình huống tương tự Hoàng Minh và còn bị người dân bản địa trêu chọc vì đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm: “Đeo khẩu trang đi ra đường bị chúng nó nhìn như người ngoài hành tinh. Tối nọ đi tàu còn bị một đám nói mình bị nhiễm corona rồi. Nó còn giả vờ ho để trêu đểu mình. Mình không muốn tranh cãi nên không thèm để ý. Khi mình chuẩn bị xuống tàu, nó còn đến trước mặt mình để ho cho mình nhìn thấy rồi cười đùa với nhau”.
Nhiều tờ báo ra tại châu Âu đều có bài khuyến cáo độc giả cách phòng tránh nCoV, song đều không khuyên dùng khẩu trang. Thậm chí, tờ báo ra tại Đức trích lời một dược sĩ rằng: "Khẩu trang chỉ dành cho những người đã nhiễm bệnh, để họ không lan truyền virus sang người khác".