Những ngày gần đây, từ khóa “bạo lực học đường” lại một lần nữa nóng lên sau vụ việc nữ sinh tại trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường.
Với nhiều người, tuổi thanh xuân trong quãng thời gian đến trường có nhiều "vết sẹo" cả về thể chất lẫn tâm hồn, còn ám ảnh họ mãi sau này do bị bạo lực học đường.
Bạo lực học đường không trừ một ai!
Đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và trực tiếp điều trị cho học sinh bị ảnh hưởng do bạo lực học đường, Tiến sĩ, Bác sĩ Đàm Thị Bảo Hoa - Trưởng Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên chia sẻ sự đồng cảm sâu sắc với những nạn nhân của bạo lực học đường.
Bàn về vụ việc nữ sinh tại Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường, cô Hoa nhận định vụ việc còn chờ kết luận chính thức từ các cơ quan liên quan, nhưng rõ ràng, chuyện này đã tạo ra những ảnh hưởng tâm lý rất lớn, không chỉ với gia đình, mà còn cả nhà trường và toàn xã hội.
“Khi nữ sinh không may mắn dừng lại tuổi thanh xuân của mình, đây cũng sẽ là một phần kí ức ám ảnh với bạn bè, giáo viên trong trường”, Tiến sĩ Hoa bình luận.
Giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên nhận định, trong vụ việc này đã có một số dấu hiệu báo trước, và nếu người lớn dành sự quan tâm tới học sinh thì có lẽ đã không phải đối mặt với kết cục đau lòng. Cô giáo đã chứng kiến nhiều lần em xin nghỉ học, nhà trường cũng đã nhận được đề nghị chuyển lớp từ học sinh và gia đình.
“Tạo điều kiện cho học sinh được học tập và rèn luyện trong một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện là trách nhiệm của mỗi nhà trường”, Tiến sĩ Hoa phân tích.
Theo cô Hoa, bạo lực học đường là nguy cơ mà tất cả các đối tượng trong môi trường giáo dục đều có thể gặp phải, trong đó, học sinh là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Trong quá trình làm việc tôi cũng trực tiếp điều trị, can thiệp và hỗ trợ tư vấn rất nhiều trường hợp các em bị bạo lực học đường. Nhìn chung, các trường hợp đều có biểu hiện, nếu cha mẹ, giáo viên bạn bè quan tâm, để ý có thể phát hiện sớm như: lo lắng, căng thẳng, sợ đến trường, mất ngủ, mất hứng thú trong học tập, tự ti, thu mình trước các mối quan hệ, thậm chí có ý tưởng tự sát…”, vị giảng viên cho biết.
Bạo lực học đường gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trước hết là: giảm sút kết quả học tập, rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm,... Nếu không có sự can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến hành vi đáng tiếc, hay có trường hợp tự sát nhưng không thành.
Cô Hoa nhấn mạnh: “Về lâu về dài, bạo lực học đường sẽ trở thành một ám ảnh tâm lý kéo dài đối với nạn nhân. Hiện tôi cũng đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu bị trầm cảm, thu mình sợ tiếp xúc xã hội, thậm chí có ý tưởng tự sát. Bạn ấy đã tốt nghiệp đại học, tuy nhiên hiện tại chưa thể đi làm được do ám ảnh về ký ức bị bạo lực học đường từ năm lớp 12”.
Bạo lực học đường là vấn đề nóng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, là một vấn đề nổi cộm trong giáo dục hiện nay. Tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến tinh vi, phức tạp.
Các hành vi bạo lực không chỉ đơn thuần về thể chất mà chúng ta có thể nhìn ở bên ngoài, bạo lực học đường còn bao gồm cả bạo lực về tinh thần, cô lập về xã hội,... Và đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường không chỉ có học sinh “hư” như chúng ta vẫn thường mặc định, trái lại, ngay cả trong môi trường giáo dục tinh hoa là trường chuyên lớp chọn vẫn xảy ra bạo lực học đường.
Điều này được giải thích một phần bởi lý do trẻ đang trong lứa tuổi phát triển, rất dễ bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. “Không chỉ trẻ bị bạo lực học đường, mà ngay cả trẻ thực hiện hành vi bạo lực cũng bị tác động bởi: Môi trường sống, bạn bè, mạng xã hội, bản thân chưa có kĩ năng kiểm soát các hành vi, cảm xúc,.... Có em cũng chưa đủ năng lực nhận thức đầy đủ hành vi của mình là bạo lực học đường”, cô Hoa phân tích.
Quan tâm hơn nữa về nhu cầu tư vấn tâm lý cho người trẻ tuổi
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ sự bức xúc trước nạn bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông nhấn mạnh:
“Bạo lực học đường - vấn đề này đã được quốc hội lên tiếng rất nhiều lần, tuy nhiên thực tế vẫn diễn biến rất phức tạp. Để bảo vệ học sinh trước những vụ bạo lực học đường chúng ta cần rất nhiều biện pháp, nhưng giải pháp quan trọng trước tiên chính là phải thực sự nêu cao trách nhiệm, mối quan hệ giữa nhà trường - học sinh và gia đình, xã hội”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, lứa tuổi học sinh đang ở giai đoạn phát triển, do vậy cần sự quan tâm đặc biệt của người lớn, không chỉ trong việc giáo dục tri thức mà còn cả rèn luyện đạo đức, nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường học mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên thực tế vẫn còn có nhiều điểm hạn chế.
Nhìn từ góc độ y tế - tâm lý, Tiến sĩ, Bác sĩ Đàm Thị Bảo Hoa đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường trong môi trường giáo dục ngày nay. Theo cô, cần đặc biệt tăng cường giáo dục, rèn luyện giáo dục nhân cách cho học sinh, để trẻ có kỹ năng sống, biết cách kiểm soát cảm xúc.
“Chúng ta cần giúp trẻ hiểu rằng tự vệ không phải là đánh trả bạn, thay vào đó là khả năng xử lý tình huống một cách phù hợp, ưu tiên việc hạn chế để các mâu thuẫn leo thang căng thẳng, dẫn tới trở thành nguy cơ của bạo lực học đường”, cô nhấn mạnh.
Là một bác sĩ tâm lý, đồng thời cũng là nhà giáo, cô Hoa thừa nhận: “Phải trung thực nhận thấy rằng trong giáo dục hiện nay, thầy cô giáo với nhiều công việc và nhiệm vụ cần hoàn thành, nên để quan tâm sát sao, cụ thể tới việc rèn luyện nhân cách của từng học sinh chưa được như mong đợi. Do vậy, cô cho rằng cần thiết phải thiết lập, tạo dựng ra một môi trường giáo dục thân thiện hơn nữa nhằm giúp học sinh có cơ hội chia sẻ khó khăn, dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khi các em gặp rắc rối.
Thêm vào đó, cần tăng cường phát huy vai trò tích cực của các nhóm, đội trong đơn vị trường học như Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các câu lạc bộ,... nhằm giúp học sinh có sân chơi lành mạnh.
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với gia đình - nhà trường - xã hội trong việc phát hiện các vấn đề của trẻ để kịp thời can thiệp và hỗ trợ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thực tế cho thấy, nhu cầu về tư vấn tâm lý cho người trẻ tuổi trong thời đại công nghệ ngày nay là cấp thiết. Do vậy, việc tuyên truyền, phát hiện sớm để có can thiệp phù hợp là việc làm quan trọng và cần thiết để nâng cao sức khỏe tâm thần cho người trẻ nói riêng và cho cả cộng đồng.
Theo Bắc Sơn - giaoduc.net.vn