v-1682494608.jpg
Cô Ngô Thúy Nga – giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Dạy Ngữ văn 18 năm, cô Ngô Thúy Nga đã lắng nghe nhiều câu chuyện của các thế hệ học sinh tâm sự, chia sẻ và cũng “vô tình” làm công việc tư vấn tâm lý. Những thông tin, sự việc liên quan đến tâm lý học sinh, bạo lực học đường khiến cô đau đáu suy nghĩ về mối quan hệ nhà trường – gia đình, giáo viên – học sinh – phụ huynh... Báo Giáo dục và Thời đại xin chia sẻ bài viết của cô về chủ đề “Bạo lực học đường – nguyên nhân và giải pháp”.

Vấn đề nghiêm trọng

Bạo lực học đường là vấn đề nghiêm trọng, thế giới có khoảng 565 trẻ hay thanh thiếu niên tự sát vì không chịu nổi cảnh bị bạo lực học đường này. Châu Á là nơi xuất hiện nhiều vấn nạn bạo hành học đường. Đặc biệt các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...

Còn ở Việt Nam, theo thông tin từ Bộ giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, mỗi năm đã có khoảng 1.600 vụ đánh nhau trong và ngoài trường. Theo số liệu của Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm, tình trạng người phạm tội đang có xu hướng trẻ hóa, với nhiều đối tượng phạm pháp hình sự nằm ở độ tuổi còn đi học.

vv-1682494647.PNG
Cô Ngô Thúy Nga và học sinh Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Con số trên cho thấy bạo lực học đường diễn biến vô cùng phức tạp, trở thành một vấn nạn lớn trong tương lai nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Và có thể khẳng định, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành thủ phạm hoặc là nạn nhân của bạo lực học đường. Tuy nhiên, đây đó, hiểu biết về vấn đề này của nhiều bậc cha mẹ và kể cả giáo viên chưa thực sự được thấu đáo. Chính vì vậy, chúng ta vô tình góp phần làm cho thực trạng trên càng trở nên nhức nhối. Do đó, tôi thiết nghĩ, muốn đồng hành cùng con trẻ để hạn chế tối đa vấn nạn bạo lực học đường, trước hết chúng ta cần trang bị một số hiểu biết cơ bản.

Trước hết, cần hiểu thế nào là bạo lực học đường. Đây là hành vi cố ý gây hại cho người khác trong môi trường giáo dục. Chúng có thể bao gồm: Đánh nhau giữa học sinh, tấn công tình dục, trêu ghẹo, nhục mạ, xúc phạm lên tinh thần, thể xác của học sinh, giáo viên, người làm việc, học tập trong trường học. Những hành vi bạo lực có thể gây ảnh hưởng lên thể xác, tinh thần, tạo ra nỗi ám ảnh lớn rất lâu sau đó.

Theo đó, có thể tạm chia bạo hành học đường thành một số hình thức như:

- Bạo lực về thể chất: Đánh đập, xé áo quần, kéo tóc, xô đẩy, trấn lột, đổ đồ ăn lên người…

- Bạo lực bằng lời nói: Xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục, bắt người khác làm theo ý mình...

- Bạo lực xã hội: Phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu rếu xung quanh hay trên mạng xã hội.

- Bạo lực điện tử: Uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin, đe dọa và bêu rếu người nào đó trên mạng xã hội...

Vì thế, không thể hiểu: Chưa đánh nhau thì chưa coi là bạo lực học đường!

Bạo lực học đường gia tăng do đâu?

Gia đình chính là cái nôi giáo dục đầu tiên. Vì vậy, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ gia đình. Trước đây, trước khi viết đề tài “Hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh THPT nói chung và học sinh cá biệt nói riêng”, tôi đã tiến hành khảo sát xã hội ở 15 trường THCS và THPT trong tỉnh. Kết quả cho con số đáng lưu tâm: 80% học sinh cá biệt bắt nguồn nguyên nhân từ gia đình. Và nạn bạo lực học đường, theo tôi, cũng ít nhiều tương tự như thế.

3-1682494687.PNG
Theo cô Thúy Nga: "Mỗi đứa trẻ đều có những giá trị riêng của mình, sở trường, sở đoản riêng". Ảnh: NVCC.

Ảnh hưởng từ gia đình là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, có thể kể như:

- Cha mẹ không quan tâm, bỏ bê, khiến con thiếu tình cảm gắn bó với cha mẹ, dễ rơi vào tình trạng cô độc, lầm lì, ít chia sẻ. Mặt khác, khi cha mẹ thiếu sự giám sát cũng có thể tạo cơ hội cho trẻ tham gia các băng nhóm; sử dụng chất kích thích và có hành vi chống đối xã hội...

Tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt” (Napoléon Bonaparte).

- Do áp lực, bế tắc trong cuộc sống; vợ chồng sống không hòa thuận... làm cho cuộc sống gia đình căng thẳng, khiến con không hạnh phúc. Đặc biệt, có bố mẹ hay trút giận lên chính những đứa con của mình, bằng nhiều hình thức như: Bỏ bê, chửi bới, hoặc đánh đập con khi không có lý do chính đáng. Những hành động tưởng chừng như nhỏ ấy đã vô tình gieo nhận thức tiêu cực vào tâm lý khiến con bị tổn thương trầm trọng. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nhân cách , khiến con dễ ức chế, nổi nóng, khó làm chủ cảm xúc và hành vi. Trên thực tế chứng minh trẻ từng tiếp xúc hoặc chứng kiến bạo lực thường dễ gia tăng nguy cơ hành động bạo lực.

- Mỗi đứa trẻ đều có những giá trị riêng của mình, sở trường, sở đoản riêng nhưng cha mẹ lại kỳ vọng quá lớn, rồi hay hay so sánh “Con nhà người ta”, khiến con tổn thương, khiến trẻ vô tình không coi trọng giá trị của bản thân, thiếu tự tin, không có lý tưởng hoài bão, thiếu ý chí, thiếu nỗ lực trong cuộc sống. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến con dễ có những hành vi chống đối, bạo lực.

- Cha mẹ quá nuông chiều khiến con sống ích kỷ, không còn chỗ cho lòng trắc ẩn, không còn chỗ cho sự áy náy khi làm điều sai, dễ vô cảm, dễ làm điều ác...

- Cha/mẹ lạm dụng chất kích thích hoặc rượu bia cũng làm tăng nguy cơ trẻ có hành vi bạo lực.

- Kỷ luật không đúng mức. Nếu kỷ luật quá khắc nghiệt thì con dễ ức chế, còn quá dễ dãi, con không sợ khi làm sai.

Vì vậy, khi xảy ra vấn đề bạo lực học đường xin phụ huynh đừng hoàn toàn đổ lỗi cho nhà trường và con cái. Ông bà ta nói nhìn con mà sửa mình là vì vậy!

Nguyên nhân tiếp theo đến từ chính bản thân học sinh. Bạo lực học đường xảy ra ở học sinh từ khoảng 12 đến 18 tuổi. Đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về sinh lý, kéo theo thay đổi tâm lý. Là độ tuổi vô cùng nhạy cảm, thích khẳng định cái Tôi của mình nhưng kinh nghiệm sống còn ít ỏi. Vì vậy, các em khó có thể xử lý tình huống hiệu quả, dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột với nhau.

4-1682494726.PNG
Sự quan tâm, giáo dục và chăm sóc tinh thần cho trẻ từ phụ huynh, từ nhà trường là một điều hết sức cần thiết. Ảnh: NVCC.

- Thanh thiếu niên có chỉ số IQ thấp, nhận thức kém hoặc rối loạn học tập có nhiều khả năng gây hành vi bạo lực. Thiếu chú ý và bị tăng động cũng là những yếu tố nguy cơ.

- Hành động chống đối xã hội và tham gia vào hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như sử dụng ma túy và rượu bia, cũng làm tăng khả năng thanh thiếu niên trở nên hung hãn và dễ có hành vi bạo lực...

- Do trẻ em Việt Nam luôn được cha mẹ, ông bà, được thầy cô dạy rằng: “Im lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý” khiến đa số trẻ có xu hướng sợ hãi, không dám chia sẻ tình trạng thật của mình với cha mẹ, thầy/cô, cho đến khi quá trễ.

Với những trường hợp này, sự quan tâm, giáo dục và chăm sóc tinh thần cho trẻ từ phụ huynh, từ nhà trường là cần thiết.

Bạo lực học đường một phần liên quan đến trường học. Vì nhìn chung, giáo dục trong nhà trường còn mang đậm tính hàn lâm, lý thuyết, nặng về kiến thức, ít có tính ứng dụng và cũng từ đó coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

- Trong gia đình nếu cha mẹ không hạnh phúc thì con cái không thể hạnh phúc. Nhà trường cũng vậy, khi thầy cô không vui thì học sinh khó mà vui được. Thầy cô không vui liên quan nhiều nguyên nhân, có thể kể như:

+ Bệnh thành tích trong giáo dục. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến môi trường học tập. Chạy đua thành tích đã vô hình trung làm đảo lộn mọi giá trị, lẫn lộn hư – thực, dẫn đến đánh giá giáo viên thiếu thực chất, thiếu khách quan, thiếu công bằng. Khiến đây đó, một số giáo viên có năng lực thực sự dễ chán nản, bất mãn, giảm dần tâm huyết với nghề; số khác dễ ức chế, không có động lực phấn đấu.

+ Lương thấp khiến giáo viên không thể trang trải cuộc sống, buộc thầy cô phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc dạy thêm ngày càng tràn lan. Điều này, khiến học sinh chịu áp lực học thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như cơ hội để các em rèn luyện kỹ năng sống.

+ Áp lực công việc lớn. Các công việc "không tên" của giáo viên quá nhiều, thủ tục hành chính rắc rối... Ngoài giảng dạy và chủ nhiệm, họ phải làm đủ thứ việc: Kế hoạch bài dạy, ra đề thi, chấm kiểm tra, thu tiền, họp cơ quan, họp tổ chuyên môn... Luật quy định được nghỉ hè thì giáo viên lại phải đi coi thi, chấm thi, học chuyên đề, học chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia. Các ngày Quốc lễ, ngành khác được nghỉ thì giáo viên phải dạy bù chương trình...

Trên đời này, phàm làm cái gì có hứng thú mới có động lực. Khi có động lực thì dẫu công việc có nặng nề mấy cũng không mệt mỏi, như thế thì mới có hiệu quả thực sự. Và đặc biệt, mọi áp lực lên một cá nhân nào đó luôn có trạng thái dịch chuyển trở thành thành bạo lực (trút lên đầu con cái hoặc học sinh)…

5-1682494774.PNG
Hãy để thầy cô có khoảng trống tự do để đầu tư vào chuyên môn và hứng thú, sáng tạo trong công việc của mình. Ảnh: NVCC.

+ Tinh thần đấu tranh quá yếu của giáo viên trước những mặt trái của xã hội, điều sai trái trong nhà trường ảnh hưởng đến thân thể, nhân phẩm, quyền lợi của học sinh. Vì ai cũng sợ bị trù dập, ai cũng ghét lôi thôi, ghét những chuyện đau đầu. Mọi người với tâm lý “đấu tranh tránh đâu”. Đồng thời, ai cũng nghĩ có những chuyện khiến mình bận lòng quá thì buông đi cho nhẹ nhõm.

Hậu quả khiến cho cái xấu có nguy cơ lan tràn và những điều tốt đẹp cứ thế thu hẹp dần đi. Mặt khác, chúng ta cũng không thể làm gương cho học trò được. Thế nên hãy ngừng đòi hỏi khi học sinh không dám dũng cảm bảo vệ cho những điều đẹp đẽ, chân lý, không đủ dũng khí tố cáo những bạn là thủ phạm của nạn bạo lực học đường, cũng như các tệ nạn xã hội khác.

- Vì đây đó có một số giáo viên không có tâm lành. Mà đã là ác tâm, xin đừng làm nghề giáo viên. Đồng thời, đây đó, một số giáo viên kỹ năng xử lý tình huống sư phạm rất kém. Trên đời này có ai mà không mắc sai lầm. Tuy nhiên, đáng lẽ lỡ mắc lỗi thì nên bản lĩnh đối mặt với lỗi lầm, chấp nhận lỗi lầm về phía mình một cách chân thành và xin lỗi ngay.

Nhưng trên thực tế có những giáo viên vẫn ngoan cố khi mắc lỗi, dù là lỗi xâm phạm thậm tệ đến thân thể và nhân phẩm học trò. Mà tất cả mọi hành vi đổ lỗi và cố tình ngụy biện để che giấu lỗi đều chỉ có thể làm cho lỗi lầm càng nghiêm trọng hơn. Đồng thời, chúng ta không thể làm gương cho trò về một bài học xử lý tình huống khi mắc lỗi. Từ đó dẫn đến một số học sinh bất mãn, ức chế với thầy cô, dễ gây ra hành vi bạo lực…

6-1682494809.PNG
Thầy cô hạnh phúc thì cũng biết cách để xây dựng trường học hạnh phúc, học trò hạnh phúc. Ảnh: NVCC.

Nguyên nhân cuối cùng là từ xã hội. Văn hóa bạo lực như trong các bộ phim ảnh, sách báo và các trò chơi game mang xu hướng bạo lực…ngày càng tràn lan trên mạng và không được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Dẫn đến, những đối tượng ở độ tuổi vị thành niên này bị tò mò và tiếp xúc với những loại hình ấy. Từ đó, sinh ra tâm lý bạo lực học đường ở ngoài đời.

- Kết giao với những người bạn phạm tội có thể làm tăng nguy cơ trẻ vị thành niên tham gia vào hoạt động bất hợp pháp và bạo lực.

- Tin tức tiêu cực có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy lo sợ về sự an toàn của mình, điều này có thể khuyến khích các em sử dụng những biện pháp cực đoan để phòng vệ...

Hạn chế bằng cách nào?

Trẻ bị bạo lực học đường thương có biểu hiện:

- Vẻ mặt buồn rầu, hoặc lầm lì, ít nói, dễ cáu giận, hoặc tự nhốt mình trong phòng kín, không muốn gặp gỡ, giao tiếp với người khác, thậm chí là gia đình.

Giáo dục hiện đại đòi hỏi chương trình giáo dục hãy dạy cho học sinh những điều thực sự cần thiết và cũng đòi hỏi các nhà sư phạm hết sức thận trọng. Chỉ cần sai sót, chúng ta có thể đẩy trẻ em vào các triệu chứng tâm thần, thậm chí đẩy chúng vào chỗ nguy hiểm đến tính mạng.

- Khó ngủ, mất ngủ thường xuyên.

- Sách vở, vật dụng cá nhân bị mất hoặc bị phá hoại.

- Có dấu hiệu giả bệnh, để không phải đến trường.

- Thói quen ăn uống thay đổi như bỏ ăn hoặc ăn quá ít.

- Gặp những vấn đề sức khỏe như rụng tóc, đau đầu, đau bụng thường xuyên.

- Có các hành vị tự hại bản thân, tệ nhất là có suy nghĩ tự sát, hoặc có biểu hiện muốn tự tử.

- Có những vết thương thể chất như các vết trầy xước, bầm tím không thuộc các vị trí do bất cẩn gây ra...

Với trẻ là thủ phạm gây bạo lực học đường ngày càng trở nên dễ bất mãn, hung hãn, dễ ức chế.

- Có bạn bè là người bạo lực học đường.

- Không có trách nhiệm về các hành vi của mình.

- Dễ tham gia vào các mâu thuẫn bằng thể xác hoặc lời nói.

- Có xu hướng đổ lỗi cho người khác hoặc không thừa nhận lỗi sai của mình...

Giải pháp tối ưu nhất cho việc này, chính là có một môn Kỹ năng sống trong trường học, dành cho học sinh từ mầm non cho đến đại học, độc lập như những môn học khác, trong chương trình chính khóa.

7-1682494855.PNG
Với bạo lực học đường, "hãy phòng hơn chống, đó luôn là công lý"!. Ảnh: NVCC.

Có những giải pháp nằm ngoài khả năng của chúng ta – những người làm bố mẹ/thầy cô, vì nó phụ thuộc vào cơ chế xã hội. Tuy nhiên, chúng ta (gia đình, bản thân học sinh, nhà trường) hãy ngừng lại việc nêu khẩu hiệu chung chung, ngừng lại việc than vãn, đau đớn, ngừng lại việc đổ lỗi cho một ai, cho một tập thể nào khi có những câu chuyện đau lòng xảy ra.

Thay vào đó là hãy có hành động thiết thực, ý nghĩa kịp thời, khả thi. Bởi vì - câu chuyện bạo lực học đường không của riêng ai, trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta. Bởi vì - nếu không hành động kịp thời, con trẻ và ngay cả chính chúng ta, có thể, sẽ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm gây ra những câu chuyện đáng tiếc không thể cứu vãn!

Thiết nghĩ, nếu chúng ta có trách nhiệm, dám đối mặt nghiêm túc nhìn vào thực trạng, có hiểu biết nhất định về bạo lực học đường, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, cùng đồng lòng, tất cả vì con trẻ thì thiết nghĩ sẽ hạn chế được tình trạng nghiêm trọng, nhức nhối trên khi chưa quá muộn.

Phòng hơn chống. Điều đó luôn luôn là chân lý!

Bên cạnh việc bảo vệ để con không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, cha mẹ cần gần gũi, tâm lý, quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời. Cha mẹ, thầy cô cần xem xét lại nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, có hành động phù hợp để ngăn chặn trẻ tiếp tục hành vi.

Theo Ngô Thúy Nga - giaoducthoidai.vn