Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng Vân Anh đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe ô tô và người bị hại là chủ xe thì số tiền 148 triệu đồng mà cô gái đã nộp cho cơ quan điều tra để trả cho người mua xe trước khi bị khởi tố sẽ không được trả lại cho người bị hại, không được xác định là tiền khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Theo quy định của pháp luật, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong vụ án này cần xem xét lại tội danh và xác định lại tư cách của người bị hại để giải quyết thấu đáo vụ án và áp dụng đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, thông tin từ cơ quan điều tra cho biết đã khởi tố Ninh Thị Vân Anh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 BLHS và tài sản bị chiếm đoạt được xác định là chiếc xe ô tô trị giá hơn 700 triệu đồng.
Theo đó, chủ xe sẽ được xác định là người bị hại, còn người mua xe chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, trong trường hợp này số tiền trả cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người mua xe) có thể sẽ không được coi là bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Về mặt pháp lý, chiếc xe ô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu tài sản. Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, việc chuyển nhượng mới chỉ viết tay, chưa có công chứng, chưa được đăng ký sang tên, nên chưa có việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản.
Nếu người thuê xe ô tô sau đó gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt chiếc xe đó hoặc sử dụng chiếc xe đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì mới có thể xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS.
Còn nếu hành vi chỉ là chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản, đây là quan hệ dân sự hoặc có thể xử lý về tội chiếm giữ trái phép tài sản hoặc tội sử dụng trái phép tài sản chứ không phải là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hành vi của Vân Anh không chỉ là thuê xe ô tô và không trả lãi đúng hạn mà còn làm giả giấy đăng ký xe, mạo danh là chủ xe để bán chiếc xe này lấy tiền. Hành vi thứ hai mới thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đây là tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản (Tài sản bị chiếm đoạt là số tiền mua xe).
Đến nay chiếc xe ô tô đã được thu hồi, trả về cho chủ xe nên chủ chiếc xe này được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chứ không thể xác định là người bị hại được. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan này chỉ có thể yêu cầu bị can bồi thường thiệt hại số tiền sử dụng xe thuê mà chưa trả, thiệt hại do hao mòn của xe... Đây là quan hệ dân sự hợp pháp và chưa có gì chứng minh là đã có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Cường cho rằng, bị can đã làm giả giấy tờ xe, giả mạo mình là chủ xe để bán cho người khác nhằm chiếm đoạt số tiền bán xe, hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 BLHS và người bị hại sẽ được xác định là người mua xe.
Bị can trả lại tiền là trả lại do chiếm đoạt của người mua xe chứ không phải là trả tiền thuê xe hay bồi thường thiệt hại do chiếc xe bị hao mòn. Vấn đề bồi thường thiệt hại, trả tiền thuê xe là vấn đề dân sự có thể được giải quyết trong một vụ án dân sự khác. Còn số tiền mà bị can đang chiếm đoạt là 390 triệu đồng trên tổng số tiền muốn chiếm đoạt là 450 triệu đồng.
Cụ thể, cơ quan chức năng cho biết, ngày 9/6, Vân Anh đã bán xe cho anh Bùi Đức Hiếu (28 tuổi, ngụ TP Hà Nội) với giá 450 triệu đồng và đã nhận trước 390 triệu đồng. Vân Anh đặt làm giả một giấy đăng ký xe giao cho anh Hiếu để tạo lòng tin và hẹn cuối tháng 9 sẽ làm thủ tục sang tên chủ xe nhưng rồi tránh mặt. Như vậy, số tiền mà Vân Anh có ý định chiếm đoạt là dưới 500 triệu đồng chứ không phải là trên 700 triệu đồng như đánh giá ban đầu từ phía cơ quan chức năng. Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án này thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong trường hợp hành vi có thể thỏa mãn dấu hiệu của nhiều tội danh, về nguyên tắc sẽ áp dụng tội danh có hình phạt nghiêm khắc hơn để xử lý và hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của người mua xe rất rõ ràng. Bởi vậy rất có thể cơ quan điều tra sẽ thay đổi quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can để xác định đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị hại là người mua xe và thẩm quyền thuộc về cơ quan điều tra công an cấp huyện.
Khi đó số tiền 148 triệu đồng mà bị can đã nộp khắc phục hậu quả trước khi bị bắt sẽ được xác định là tình tiết bị can bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, đây là tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị can này.
Ngày 10/10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Ninh Thị Vân Anh (SN 1995, quê Bắc Giang) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo cơ quan điều tra, Ninh Thị Vân Anh thuê ôtô BKS: 51H-242… của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Gia Đình Việt (trụ sở tại TP.HCM) để sử dụng, thời hạn thuê đến ngày 24/4, nhưng sau đó không trả lại xe. Ngày 9/6, Tina Duong đã bán xe cho anh Bùi Đức Hiếu (28 tuổi, ngụ TP Hà Nội) với giá 450 triệu đồng và đã nhận trước 390 triệu đồng.
Thông qua mạng xã hội, Tina Duong đặt làm giả một giấy đăng ký xe giao cho anh Hiếu để tạo lòng tin và hẹn cuối tháng 9 sẽ làm thủ tục sang tên chủ xe nhưng rồi tránh mặt.
Được biết, trước khi chuyển giao vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, ngày 10/10, Công an TP Phan Thiết đã ra quyết định xử lý vật chứng vụ án. Cụ thể, Công an TP Phan Thiết đã trao trả chiếc ôtô BKS: 51H-242… cho đại diện uỷ quyền của Công ty Gia Đình Việt. Ngoài ra, Công an đã trao trả số tiền 148 triệu đồng cho anh Bùi Đức Hiếu, là nạn nhân trong vụ án./.