Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để điều tra Ninh Thị Vân Anh (“Anna Bắc Giang”, "Tina Dương”, SN 1995, quê Bắc Giang). Đồng thời bàn giao hồ sơ vụ án sang Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bình Thuận để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Vân Anh thuê xe ô tô của Công ty Gia Đình Việt (TP Phan Thiết). Tuy nhiên, đến khi hết hạn hợp đồng không trả lại mà chiếm đoạt mang đi bán cho người khác lấy tiền tiêu xài, mất khả năng chi trả. Chiếc xe được định giá hơn 774 triệu đồng.

khoi-to-vu-co-dau-sieu-lua-tina-duong-kich-ban-nao-cho-don-1665648220.jpg
Ninh Thị Vân Anh ( “Anna Bắc Giang”, "Tina Dương”) 

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, giao dịch thuê xe ô tô là hợp pháp và giao dịch này chỉ có thể chuyển hóa thành quan hệ hình sự (tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) nếu như có đơn thư tố cáo của nạn nhân là chủ chiếc xe ô tô và cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng đã gian dối, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản.

Nếu chứng minh được Vân Anh thuê xe đã bỏ trốn nhằm chiếm đoạt chiếc xe đó, có thể xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên để chứng minh yếu tố chiếm đoạt trong trường hợp này cũng không đơn giản.

Hành vi có thể là chiếm giữ trái phép tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản nếu như hết thời hạn thuê xe mà không trả lại xe, còn hành vi chiếm đoạt phải là hành vi chuyển quyền sở hữu bất hợp pháp. Do đó, trường hợp chủ xe tố cáo, cơ quan điều tra sẽ làm rõ người thuê xe đã chiếm đoạt tài sản hay chưa, hành vi chiếm đoạt tài sản thể hiện như thế nào.

Thực tế, chiếc xe ô tô đó không thể chuyển quyền sở hữu một cách hợp pháp được bởi đối tượng thuê xe không phải là người chủ sở hữu hoặc được chủ sở hữu ủy quyền. Do đó, quyền sở hữu không bị chuyển giao hợp pháp cho người khác. Hành vi cầm cố xe của người khác hoặc chuyển nhượng viết tay không có giấy tờ, đều không được pháp luật công nhận.

Một tình tiết đáng chú ý trong vụ việc trên được luật sư Cường chỉ ra, đó là Vân Anh đã làm giả đăng ký xe để bán cho người khác nhằm chiếm đoạt số tiền bán xe tài sản và tiền mặt.

Trong giao dịch trên, yếu tố gian dối để chiếm đoạt tài sản là rất rõ ràng, chiếc xe không phải là tài sản của đối tượng này nhưng đối tượng đã gian dối bằng cách làm giả giấy tờ xe. Hành vi này thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Do giấy tờ giả nên người mua xe tưởng rằng chiếc xe này là của đối tượng này nên đã trả tiền và nhận xe. Kết quả điều tra cho thấy chiếc xe không phải là của Vân Anh và giấy tờ xe là giấy tờ giả, đây là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt số tiền bán xe. Do giấy tờ giả nên thủ tục bán xe không hợp pháp, có yếu tố gian dối làm cho hợp đồng vô hiệu và tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ xe là bên cho thuê.

Diễn biến sự việc cho thấy, chiếc xe ô tô vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cho thuê, chiếc xe đã bị thu hồi và trả lại cho chủ xe, bởi vậy chủ xe không bị chiếm đoạt tài sản. Chủ xe chỉ bị thiệt hại là số tiền thuê xe kéo dài quá thời hạn hợp đồng vẫn chưa được trả. Trong vụ này người bị hại rõ ràng nhất là người mua xe và thiệt hại ở đây là số tiền của người mua xe đã bị chiếm đoạt. Hành vi không trả lại xe sau khi hết hạn hợp đồng chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản, rất khó để chứng minh là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Còn việc làm giả giấy tờ xe để bán cho người khác có thể bị xử lý về tội lừa đảo tiền chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự và người bị hại được xác định là người mua xe chứ không phải là chủ xe. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án này để đảm bảo giải quyết vụ án công bằng, đúng pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự, còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự. Điều luật mô tả hành vi phạm tội khác nhau trong đó, tội lừa đảo thì hành vi, thủ đoạn gian dối có trước, việc nhận tài sản xảy ra sau và mục đích chiếm đoạt tài sản có ngay từ đầu. Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì giao dịch xảy ra là vô hiệu do bị lừa dối và bị chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Cường, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quan hệ dân sự ban đầu là hợp pháp, sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi thì đối tượng đã gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản, có tài sản nhưng cố tình không trả thì có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng chiến kỷ niệm chiếm đoạt tài sản thì đều có thể có yếu tố "gian dối" và gian dối chính là căn cứ để xác định hành vi phạm tội nhưng với tội lừa đảo thì hành vi gian dối có trước khi nhận được tài sản, vì gian dối nên nạn nhân mới hiểu lầm rồi trao tài sản, còn đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hành vi gian dối diễn ra sau khi đã nhận được tài sản nhằm mục đích không trả lại tài sản cho nạn nhân.

Ngoài ra, nếu sự việc có một chuỗi hành vi, liên tục có những giao dịch giữa các chủ thể thành một chuỗi giao dịch, việc định tội danh không chỉ phụ thuộc vào hành vi, yếu tố chiếm đoạt mà còn phụ thuộc vào việc xác định người bị hại là ai, ai yêu cầu xử lý./.