ytt-1702256367.jpg
Bánh đúc xứ Nghệ.

Chiều đến, cái bụng ẩm mốc réo ầm, tôi chợt thèm bánh đúc quẹt ruốc ở góc chợ quê tôi "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no". Miếng bánh đúc tình nghĩa, miếng bánh đúc đã giúp anh cu Tràng đẩy xe bò nhặt được vợ trong mùa đói đã trở thành loại bánh đặc sản kết duyên nghĩa vợ tình chồng ghi dấu ấn trong thời cơ cực lầm than của nạn đói năm 1945.

Trông cái bánh đúc màu trắng đục như cặp má phúng phính của em bé mới hấp dẫn làm sao. Thành phần của nó có tinh bột béo lắm, có vôi "bạc tình bạc nghĩa" mà sao ta lại đắm đuối với loại thực phẩm rẻ bèo ở góc chợ vậy hả trời?

Lang thang ở chợ chiều Quán Bánh, tiếng ì xèo, tiếng cò kè hàng cá hàng rau nghe mãi rồi quen tai. Đi một vòng lại tạt vào hàng quà mua ít bánh đúc về nhà thưởng thức. Ui là hấp dẫn:

- Bà ơi cho cháu một chục bánh đúc loại có xương.

Bánh đúc nào mà có xương??? Mua cái bánh đúc còn cạnh khoé sự cay nghiệt của xã hội đối với người chắp vá tủi hờn. Vậy mà người bán bánh còn khuyến mại nụ cười nhân hậu, độ lượng với vị khách văn vở nửa mùa. Bánh đủ độ đông để có thể cầm tay bẻ, không nhão, không khô. Bánh đúc ngon là không còn nghe mùi gờn gợn của nước vôi, ăn vào không ngán, tan trong miệng loại gạo quê xay bột ướt mềm, mịn, thơm. Bánh chả có nhân, chả có áo, trần trụi, chân chất mộc mạc như người dân vùng gió Lào thô mộc, gần gũi.

Bánh đúc chưa kể đến loại bánh đúc đỏ mua ở xã  Trường Sơn - huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh để cái vị gạo lúa lốc bèo ngầy ngậy luẩn quẩn cả đời yêu cơm và các sản vật từ cây lúa đến mê mệt.

Khác với bánh đúc Hà Nội ăn bằng thìa, bằng bát và nước dùng, bánh đúc quê tôi đựng trong thúng mủng lót lá chuối, ruốc có thể bỏ vào bát hoặc đùm lá chuối cũng xong, tạm bợ mà ngon, tạm bợ nhưng rất đỗi thân thiện.

Bánh đúc chả còn ngon nếu nó khinh khỉnh, không kết giao cùng với ruốc chua. Thứ ruốc đi khắp nơi, nghe mùi ruốc chua là bổi hổi, mặc ai thương, ai ghét, mặc ai giận ai yêu, mặc ai chê xấu đẹp, đầu tiên phải dùng tất cả nơron thần kinh khứu giác hít hà cái vị ruốc chua, tôi chỉ thấy sự tê dại, sự ngây ngất của cánh mũi không thể phập phồng hơn thế nữa. Thứ ruốc ngon nhất, chỉ có thể có ở vùng Cửa Hội, đủ độ chua cay mặn ngọt của con khuyếc trôi dạt mùa sương giăng. Nhìn quanh nhìn quất để xem ai có để ý đến mình không, nhón tay lấy một mẩu bánh đúc quệt ruốc chua ( đã bỏ thêm chút đường, mì chính bớt mặn) rồi tan trong miệng để vị giác khỏi ghen tỵ khứu giác.

Ăn vụng bánh đúc cũng phải ăn từ từ không hấp tấp vội vã được, không để ruốc vương vào quần áo thì "thơm" day dứt mãi, cũng không ăn miếng quá to mà nghẹn ngào không nuốt nổi đâu thưởng thức được  như thế nào là ngon. Ăn vụng bánh đúc là thứ ăn vụng thanh lịch nhất nếu người ngoài nhìn thấy vì nó đâu phải là ăn, nó đang trộn mùi và vị, trộn chay và mặn, trộn chất bột và chất tanh để trong bạn có một hỗn hợp bình dân và sang trọng, có thể cá cược các vị nguyên thủ đều không thể có được cảm giác này.

Ăn bánh đúc lại thêm một chút nộm đu đủ dòn dòn, chua ngọt không thể nào diễn tả được cảm giác bánh đúc nó ngon đến đâu nữa. Mùi, vị, đều rất riêng, rất đặc biệt, thích hợp chốn chợ quê, thích hợp cho người lê la, hay người qua đi một phần đời chốn thanh hàn ngồi nhớ lại.

Bánh đúc nhà cũng có thể làm được nhưng ăn vài cái ở chợ nó cảm giác được làm thượng đế xa xỉ với món quà quê, ăn không nhiều nhưng ngon và nhớ thì tràn trề.

Bánh đúc rẻ, ở chốn chợ chiều đâu ai ngó tới, đâu ai thích. Vậy mà là món quê đâu dễ kiếm tìm nơi phồn hoa, một hơi thở quê nhà.

Bánh đúc chiều nay, ăn để nhớ quê, ăn nhớ anh cu Tràng đẩy xe bò nhặt được vợ, ăn để nghe người đời cay nghiệt cảnh dì ghẻ con chồng trong truyền thuyết.

Ăn bánh đúc để nhớ tôi, nhớ những món chế tác từ bàn tay đã tảo tần cha mẹ gieo trồng trên mảnh đất bao đời một nắng hai sương để một đời khát khao con trưởng thành và nhân nghĩa chứ chẳng màng gì to lớn hơn.

Chiều nay, ăn bánh đúc trong tơ tưởng những món nhà quê một thời...