89-1696901731.PNG

Trụ sở Trung tâm ngoại ngữ STD links 

1. Trung tâm có năng lực “khủng” nhưng "khiêm tốn" học sinh: Tại bài bàn luận trước chúng tôi có đề cập đến Trung tâm ngoại ngữ STD Links có địa chỉ tại số 18, đường Lê Văn Miến, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An. Trung tâm được thành lập ngày 1.8.2023. Đây là một trung tâm có tuổi đời còn rất “non trẻ” nhưng đến hiện nay, tức là chỉ sau 2 tháng thành lập, Trung tâm này đã liên kết với 10 Trường Tiểu học và 5 Trường Mầm non trên địa bàn thành phố Vinh để giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường trong nhà trường.

- Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, ngày 4.8.2023, Trung tâm được phê duyệt 4 giáo viên (3 giáo viên Việt Nam và 1 giáo viên nước ngoài) đủ điều kiện để dạy tiếng Anh tăng cường. Ngày 31.8.2023, trung tâm được duyệt tiếp 5 giáo viên Việt Nam đủ điều kiện giảng dạy tiếng Anh tăng cường. Và đến ngày 20.9.2023 trung tâm được phê duyệt tiếp 2 giáo viên (gồm 1 giáo viên Việt Nam và 1 giáo viên nước ngoài). Như vậy, số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, trung tâm có 11 giáo viên (gồm 9 giáo viên người Việt Nam và 2 giáo viên người nước ngoài) đủ điều kiện giảng dạy.

- Tuy nhiên, tại buổi làm việc với trung tâm vào ngày 25.9.2023, theo hợp đồng lao động tại Trung tâm thì hiện chỉ có 1 giáo viên nước ngoài và 3 giáo viên Việt Nam có hợp đồng lao động chính thức của trung tâm. Một câu hỏi đặt ra, với nhân lực như vậy thì trung tâm liệu có đảm bảo được về cả số lượng giáo viên và chất lượng để thực hiện các hợp đồng với những nhà trường mà trung tâm đã ký? Mặt khác, theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, khi có sự thay đổi về nhân sự đã được phê duyệt thì phải báo cáo với sở nhưng hiện tại trung tâm vẫn chưa có báo cáo.

2. Một thực tế khá ngạc nhiên đó là dù trung tâm đã thuê một tòa nhà tương đối lớn để làm nơi làm việc và có 2 phòng học có đầy đủ dụng cụ học tập nhưng lại "khiêm tốn" học sinh. Bên cạnh đó, các phòng làm việc của trung tâm còn đang rất đơn giản, và có phòng còn chưa được dọn dẹp sạch sẽ. Phải chăng vì trung tâm còn quá non trẻ nên chưa thu hút được học sinh? Hay các phòng học này chỉ để “cho có” và để đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất khi các cơ quan ban ngành về thẩm định thành lập trung tâm?

54-1696901333.jpg

555-1696901349.jpg

Thư mời hợp tác liên kết giảng dạy tiếng Anh tăng cường của một trường học trên địa bàn thành phố Vinh

3. Tại sao lại đồng loạt ký lại hợp đồng liên kết? Theo thông tin chúng tôi nắm được, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa ban hành văn bản cũng như quy trình lựa chọn lại các đối tác liên kết để giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong các khối đầu cấp: khối 1, khối 6 và khối 10. Quy trình lựa chọn lần này phải đảm bảo theo đúng các bước. Đồng thời Sở cũng yêu cầu các Trung tâm cung cấp các văn bằng, chứng chỉ gốc để đối chiếu so sánh. Bên cạnh đó cơ quan này cũng yêu cầu các trường học lựa chọn đối tác theo đúng quy chuẩn, trường hợp nào không đạt chuẩn thì nhất định không ký kết sai quy định.

- Thời điểm này, đã hơn 1 tháng sau lễ khai giảng, đồng nghĩa với việc các trường học đã bước sang tháng thứ 2 của năm học chính thức. Vậy tại sao lại có sự “xóa trộn” bằng việc tìm kiếm lại đối tác hợp tác để thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường trong thời điểm này? Phải chăng vì sự lựa chọn của nhà trường trong thời điểm trước là chưa đúng? Và nếu sự lựa chọn trước đây là chưa đúng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tiền bạc và thời gian mà học sinh và phụ huynh đã bỏ ra trong thời gian vừa qua.

4. Hiện nay, tại các trường tiểu học, việc tách lớp để đảm bảo số lượng học sinh chỉ không quá 20 em/lớp học tiếng anh tăng cường mới chỉ được triển khai tại tiết học với giáo viên nước ngoài còn với giáo viên Việt Nam vẫn chưa thực hiện được. Thời lượng học với giáo viên nước ngoài chỉ 20% tổng tiết dạy. Chúng tôi nghĩ rằng, đã dạy tiếng Anh tăng cường thì với giáo viên nước ngoài hay giáo viên Việt Nam đều phải thể hiện sự “công bằng” trong sỹ số lớp. Không nên có tư tưởng “sính ngoại” như đã thực hiện mấy năm vừa qua. Song quy định về số lượng học sinh trong tiết tiếng Anh tăng cường không quá 20 em. Điều đó đồng nghĩa với việc các lớp học phải tách lớp. Bởi mặt bằng chung của sỹ số lớp học tiểu học tại Nghệ An đang giao động từ 35 – 40 học sinh. Vậy việc tách lớp thì nhà trường có đảm bảo về cơ sở vật chất trong điều kiện các trường Tiểu học đang thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày. Ngoài ra, các Trung tâm liệu có đủ nhân lực để đảm bảo hợp đồng mà mình đã ký kết được?.

5. Mặt khác, trong dư luận cũng đang xôn xao về việc một số trung tâm ngoại ngữ đã và đang sử dụng nhân lực có bằng cấp chưa phù hợp, nhưng chính các bằng cấp, chứng chỉ này lại đã và đang giúp các trung tâm thực hiện được các hợp đồng liên kết thật và thu tiền thật từ phụ huynh. Về tính chính xác của thông tin này chưa được kiểm chứng. Chúng tôi, hy vọng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiểm tra nghiêm túc về năng lực của các Trung tâm ngoại ngữ. Nếu phát hiện Trung tâm nào sử dụng băng, chứng chỉ “dỏm” cần phải công khai minh bạch. 

6. Dư luận rất mong chờ sự chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của vị tư lệnh ngành giáo dục Nghệ An trong thời điểm này để đề án phát triển nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của tỉnh nhà đạt được kết quả như mong đợi.