1. Triệu chứng của bệnh cảm cúm

Khi mắc cảm cúm, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, kèm với các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng khác như đau cơ và sốt có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ.

Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là rhinovirus song cũng có thể do rất nhiều loại virus khác nhau. Tần suất cao nhất của bệnh vào đầu mùa Thu và khoảng cuối mùa Xuân.

2. Phòng bệnh cảm cúm

2.1. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

Năng đi bộ vào sáng sớm hoặc buổi tối để hít thở không khí trong lành của thiên nhiên, khiến cho hệ tuần hoàn làm việc tốt, nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

2.2. Tránh bị nhiễm lạnh

Khi cơ thể bị nhiễm lạnh thì những mạch máu ở cơ quan hô hấp sẽ co lại, lượng máu cung ứng giảm, dẫn đến việc suy giảm kháng thể cục bộ, tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công.

2413-cach-pha-tra-gung-mat-ong-1665634131.jpg

2.3. Nghỉ ngơi đầy đủ

Hệ miễn dịch của chúng ta sẽ suy yếu khi cơ thể mệt mỏi và nghỉ ngơi không đủ, và đây cũng là cơ hội tốt cho yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

2.4. Uống nhiều nước

Uống nước trắng, không nên uống nước lạnh, ăn thức ăn dầu mỡ, cay nóng...

2.5. Luôn giữ phòng ốc thoáng khí và bảo đảm đầy đủ ánh nắng mặt trời

Những vi trùng gây bệnh hoặc những chất không có lợi cho cơ thể có thể thoát ra khỏi phòng nhờ sự lưu thông của không khí, làm giảm đáng kể cơ hội nhiễm bệnh.

2.6. Năng giặt chăn gối, mùng mền

Mồ hôi và các chất bẩn lâu ngày trong chăn gối mùng mền là môi trường thuận lợi cho vi trùng bệnh sinh sôi phát triển. Thường xuyên giặt chăn gối mùng mền, không những có thể lợi dụng các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời giúp chúng ta loại trừ những vi khuẩn gây bệnh mà còn làm cho chăn gối mùng mền khô ráo, mềm mại, có lợi trong việc phòng chống nhiễm cảm.

3. Chữa triệu chứng khi bị cảm cúm

3.1. Ăn hành tây sống

Dùng một ít dầu ô liu nóng rưới lên hành tây đã xắt mỏng. Khi ăn hành tây sống có thể ngăn ngừa bệnh cảm. Hoặc dùng 1 củ hành tây, thái miếng, ép lấy nước uống.

3.2. Đặt hành vào mũi

Khi bị cảm, chúng ta thường có một thời gian nghẹt mũi, có thể dùng hành lá đặt vào hai lỗ mũi khi ngủ, lấy ra sau 3 tiếng, thường chỉ cần làm một lần là đủ. Nếu mũi vẫn chưa thông, ngày hôm sau có thể thực hiện thêm một lần nữa.

Cần chú ý là phải chọn lá hành lá tương đối to, vì nếu nhỏ thì sẽ kém hiệu quả và dễ hít hành vào sâu bên trong mũi, khó lấy ra. Ngoài ra, nếu người bệnh bị dị ứng khi thực hiện phương pháp này, thì có thể dùng một lớp bông mỏng gói hành trước khi đặt vào mũi.

3.3. Gừng nấu với nước coca

Gừng tươi 30g, rửa sạch, thái lát cùng với một lon coca, dùng xoong nhôm nấu sôi. Uống khi còn nóng sẽ có tác dụng tốt cho việc phòng và trị cảm.

3.4. Xông mũi bằng nước nóng

Khi mới nhiễm cảm, lấy một li nước thật nóng còn bốc khói và hít thở hơi nóng bốc lên đến khi nước trong li nguội. Làm nhiều lần trong ngày có thể giảm hẳn chứng nghẹt mũi khó chịu.

3.5. Uống tỏi mật ong

Trộn đều tỏi đã băm nhuyễn với mật ong hòa với nước đun sôi để nguội. Mỗi lần dùng 1 thìa con, một ngày uống 4-6 lần sẽ có tác dụng tốt cho việc chữa trị cảm.

3.6. Trà gừng tươi

Gừng tươi thái nhỏ cho vào tách nước nóng, để khoảng 10 phút là dùng được. Dù bạn không bị cảm cũng có thể pha cho mình một tách trà gừng tươi vì nó rất tốt cho sức khỏe và có công dụng phòng bệnh cảm.

Ngoài ra trong thời kì có dịch cảm bùng phát, nên chú ý việc súc miệng. Dùng nước muối súc miệng thường xuyên mỗi ngày sáng, tối và sau mỗi bữa ăn sẽ có tác dụng loại trừ những vi khuẩn gây bệnh, sát trùng vùng hầu họng. Triệu chứng đau họng thường qua đi rất nhanh nhưng triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi nặng hơn vào các ngày sau đó. Mỗi ngày nên dùng nước lạnh để rửa mặt, dùng tay hất nước vào mũi (chú ý tránh hít thở quá mạnh nước sẽ vào sâu trong mũi), sau đó thở mạnh ra, lặp lại nhiều lần.

Thường xuyên ngâm chân mỗi tối 15 phút trong nước nóng (độ nóng của nước tương đối). Chú ý mực nước ngâm chân không được vượt quá mu bàn chân. Ngâm đến khi hai chân đỏ hồng thì mới có tác dụng phòng ngừa cảm.

Lưu ý, những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốt cao liên tục không hạ sốt được, tức ngực, khó thở, mệt lả hoặc những người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh khi mắc cúm nên đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời những diễn biến nặng có thể xảy ra./.