Hầu như năm nào Bác cũng gửi thư kêu gọi, nhắc nhở, động viên cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân tích cực đắp đê, làm kè, giữ đê phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão.
Bác cũng dành thời gian đi kiểm tra tình hình đê điều và việc chuẩn bị phòng, chống lụt bão của nhiều địa phương. Người đã để lại cho cán bộ và nhân dân ta những lời căn dặn sâu sắc, cụ thể, thiết thực về các giải pháp ứng phó với giặc lụt đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bác nói: “Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là của tất cả mọi quốc dân”.
Trong trận lũ lớn năm 1945, hầu hết các tuyến đê sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình… đều bị vỡ, gây ngập lụt 312.000ha đất canh tác thuộc 11 tỉnh. Thiệt hại tương đương với 14,3 triệu tấn thóc. Hàng triệu dân vùng đồng bằng Bắc bộ bị ảnh hưởng trực tiếp của nạn ngập lụt… Vì vậy, Hồ Chủ tịch và Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề giữ đê phòng lụt.
Chỉ 10 ngày sau khi thành lập Chính phủ lâm thời, ngày 10/01/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra tình hình hàn khẩu các đoạn đê bị vỡ ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, nhưng không báo trước cho địa phương.
Tại thị xã Hưng Yên, sau khi thăm nhà một số bà con nghèo, Người tiếp chuyện các thân hào tới chào mừng và nói: “Chúng tôi xuống đây có hai việc: trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê… Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là của tất cả mọi quốc dân… cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp vào việc đắp đê. Vậy các thân hào phải hăng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê…, phải giúp cho họ ăn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa”.
Sau buổi nói chuyện với các thân hào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm dân công đang đắp lại đoạn đê bị vỡ ở Hưng Nhân, cách thị xã 6km. Người lội nước, đi thăm hỏi từng người và căn dặn những người hậu cần: “Phải làm sao cho từng hột gạo tới được “bao tử” của anh em đắp đê. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm đê, đề phòng những lạm dụng có thể xảy ra”.
Chiều cùng ngày, Người về thăm và kiểm tra việc tu bổ lại những đoạn đê bị hư hỏng trong trận lũ 1945 ở tỉnh Thái Bình. Tại ban hành chính tỉnh, Người nhắc lại nhiệm vụ thứ hai của chuyến công tác là xin thóc, tiền để nuôi các anh em đắp đê phòng lụt. Người thăm hỏi đồng bào, bắt tay các cụ già trước khi lên xe đi Nam Định ("Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử", tập 3, ngày 10/1/1946).
Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL về thành lập tại Bắc Bộ Ủy ban Trung ương Hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều.
Để khuyến khích và đốc suất công việc hộ đê cho có hiệu quả, Sắc lệnh đã ấn định những thể lệ đặc biệt để thưởng những người có công và phạt những người phạm lỗi trong công việc đó.
Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về thành lập ở Bắc bộ Ủy ban Trung ương hộ đê (tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày nay).
Bác cũng từng nhắc nhở: “Muốn thắng được giặc lụt phải lấy phòng là chính”; “Chớ để nước đến chân mới nhảy”.
Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt:
“Hỡi đồng bào yêu quý. Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thuỷ, hoả, đạo, tặc”.
Trong bức thư “Gửi đồng bào huyện Quỳnh Côi” - Thái Bình, tháng 8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào toàn huyện đã đắp xong con đê bốn xã. Đê ấy đã bảo vệ được non 400 gia đình và hơn 700 mẫu ruộng. Tính đổ đồng thì đê giữ gìn an toàn 1 gia đình và gần hai mẫu ruộng, chỉ tốn chừng 4.400 đồng bạc. Mà một mùa thu hoạch đã bù lại số tiền dùng để đắp đê.Thế là rất lợi”.
Ngày 25/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình đê điều và công tác chuẩn bị phòng chống lụt ở tỉnh Bắc Ninh. Người đến thị sát các đoạn đê xung yếu, kiểm tra một số điếm canh đê và kè Thống Thượng xã Việt Thống, huyện Quế Võ.
Tại thị xã Bắc Ninh, sau khi nghe Tỉnh ủy báo cáo tình hình chuẩn bị chống lụt, Bác căn dặn: “Cán bộ các ngành trong tỉnh phải tích cực động viên nhân dân tham gia, phải chuẩn bị chống giặc lụt như trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cần khắc phục tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân, phải thường xuyên sẵn sàng đối phó kịp thời với bão lụt”.
Ngày 30/8/1069, bệnh của Bác càng nặng thêm, liên tục đau ngực. Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần phải lo cứu dân nếu đê vỡ”. Thủ tướng không dám giấu Bác, báo cáo là lũ vẫn chưa rút hết. Rồi Thủ tướng mạnh dạn thưa với Bác: “Chính phủ muốn mời Bác lên khu an toàn để Bác được tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt”.
Bác lắng nghe, rồi lắc đầu, thong thả nói chậm: “Không! Bác không muốn đi đâu cả. Bác không thể bỏ dân. Dân ở đâu, Bác ở đó, dù lụt lội hơn nữa, dù Mỹ có ném bom Hà Nội trở lại…”. Thủ tướng chỉ còn biết ứa nước mắt... (trích "Những giờ phút cuối đời Bác Hồ", bài đăng trên Trang tin điện tử của Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 31/8/2020 do Nguyễn Thanh Huống tổng hợp).