Lăn lộn khắp mọi miền đất nước để xin xe đạp cũ, anh Trần Quyết Thắng (Hà Tĩnh) miệt mài phục chế, sơn sửa những thứ "bỏ đi", thay thế linh kiện, biến chúng thành những chiếc xe "mới toanh" đem tặng cho hàng trăm học sinh nghèo ở nhiều nơi.
 

 
160 chiếc xe đã hoàn thành, chuẩn bị lên đường đến với học sinh nghèo.
 
Khi còn là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp, anh Trần Quyết Thắng (SN 1984, trú tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) từng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện như dạy học miễn phí, nhặt rác ở bãi biển, công viên, gom sách giáo khoa cũ, sửa lại máy tính để tặng trẻ em nghèo…
 
Tốt nghiệp đại học, anh Thắng cùng gia đình hoạt động kinh doanh khách sạn tại quê nhà. Từ khoảng tháng 4/2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp, để rèn luyện sức khỏe hàng ngày, thay vì tới phòng tập gym như trước, anh Thắng chuyển sang đạp xe, rồi thành lập câu lạc bộ xe đạp Phố Châu.
 
“Dọc các cung đường, tôi thấy những chiếc xe đạp cũ dựng ở góc vườn của nhà dân hay trong đống phế liệu đang hoen gỉ. Nghĩ tới hoàn cảnh nhiều em học sinh nghèo phải đi bộ nhiều cây số để đến trường dưới cái nắng gay gắt, ý tưởng phục chế xe đạp cũ để tặng cho các em hình thành từ đó. phát triển thành dự án "Rebike for Kids" (tạm dịch là Hồi sinh xe đạp cho trẻ em) với sự tham gia của nhiều người rất tâm huyết”, anh Thắng chia sẻ.
 

 
Trần Quyết Thắng, chủ nhân của dự án "Rebike for Kids".
 
Đầu tiên, anh xin được chiếc xe đạp cũ từ người hàng xóm. Đem về tháo ra lau chùi, sơn sửa, phục chế một cách tỉ mỉ, "tân trang" như xe mới, nhưng khi đạp thử thì không thể di chuyển nên anh phải mang đến thợ xử lý. Sau vài lần như thế, anh mới hiểu cấu tạo và cách lắp ráp xe.
 
“Xin được xe thì phải tẩy rửa qua rồi tháo ra phục chế. Bộ phận nào móp méo cong vênh thì gò nắn lại; cái nào gãy thì hàn; gỉ sét thì dùng hóa chất tẩy rửa rồi phun sơn. Có những thứ không thể tận dụng được, bắt buộc phải thay mới như: đèn hậu, giỏ xe, tay nắm, tay phanh và vòng bi. Bên cạnh đó, tăm xe (nan hoa) và pê-đan cũng phải thay mới 70-80%", anh Thắng kể.
 


 
Cũng theo anh Thắng, mỗi sản phẩm là tâm huyết và kỳ vọng của nhiều người nên sau khi lắp ráp xong phải đi thử, kiểm tra cẩn thận, đảm bảo chất lượng tốt và an toàn rồi mang ra chỉnh sửa, tẩy rửa; dán tem nhãn đẹp đẽ rồi mới lên kế hoạch mang đi trao tặng.
 
“Ban đầu tôi nghĩ sẽ cố gắng tặng xe toàn bộ trẻ em khó khăn ở huyện nhà. Tuy nhiên, khi đi xin xe ở nhiều nơi, có nhiều người đóng góp nên quyết định mở rộng việc tặng xe cho cả học sinh ở các tỉnh khác”, anh Thắng tâm sự.
 
Khi PV hỏi về những khó khăn khi bắt tay vào công việc "hồi sinh" những chiếc xe đạp cũ, anh Thắng khá ngại ngần chia sẻ bởi không muốn "kể khổ".
 
"Ban đầu thì tôi cũng gặp khó khăn về tài chính, phải bán đi chiếc xe đạp mới mua 19 triệu đồng, kết hợp vay tiền trả góp để mua sắm dụng cụ sửa chữa những chiếc xe đạp cũ.
 
Khi tôi chia sẻ ý định mua đồ dùng để sửa xe, đang băn khoăn nên mua loại nào, săn lùng mấy hôm chưa mua được thì bỗng dưng có người gọi điện đề nghị trao tặng hộp đồ nghề sửa xe đạp ngày xưa của bố để lại. Lúc ấy vui như vừa trút được một phần gánh nặng trên vai.
 
Mình làm công việc có ích cho cộng đồng nên được cộng đồng hỗ trợ rất nhiệt thành. Người thì hỗ trợ máy phun cát, người lại cho máy bơm. Địa điểm làm việc được chủ nhà cho thuê giá rẻ hơn thị trường. Cũng là làm công nhưng chú Lân và anh Sơn làm việc với ý thức và trách nhiệm cao hơn”, anh Thắng xúc động kể.
 

Ông Nguyễn Quốc Lân suốt ngày miệt mài với dầu mỡ, ốc vít.
 
Từ khi bắt tay vào việc phục chế xe đạp tới nay, anh Thắng và cả nhóm đã xin được khoảng 700 chiếc xe đạp cũ, sau đó chia sẻ cho các nhóm tại Vĩnh Long, TP.HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, Lào Cai và Hải Phòng cùng làm, mang quà tặng đến cho học sinh nghèo ở các địa phương thuận lợi hơn.
 
Trong gần 1 năm qua, "Rebike for Kids" do anh Thắng xây dựng ý tưởng và phát triển đã phục chế được gần 400 xe đạp, hiện đã trao tặng 195 xe cho học sinh, trong đó có 70 em ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), số còn lại tặng cho các em ở huyện Kongchro (Gia Lai) và Lũng Cú (Hà Giang). Nhóm đã hoàn thành phục chế 160 xe, còn 40 xe đang lắp ráp, chuẩn bị trao ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa và nhiều nơi khác. "Dự định xe của nhóm em phục chế sẽ có mặt tại 64 tỉnh, thành", anh Thắng hào hứng nói.
 

 
Anh Nguyễn Phi Sơn đang làm sạch chiếc xe cũ đã được sửa chữa an toàn để tiến hành dán nhãn mác.
 
Nói về định hướng, anh Thắng cho biết: “Từ trước đến nay, việc trao tặng xe cho ai đó thì chỉ là trao giá trị vật chất. Hiện "Rebike for Kids" đang hợp tác với dự án “Gieo hạt cùng vĩ nhân” để phát huy hiệu quả tốt hơn. Người nhận xe phải đáp ứng yêu cầu đọc và nắm được thông tin cơ bản về bộ sách của một vĩ nhân nào đó. Những người thực hiện sẽ giám sát việc đọc và trả bài trước lớp, tức là 1 người đọc thì cả lớp được nghe. Dự án này sẽ tác động lên tư duy và nhận thức của người nhận".
 
Anh Thắng chia sẻ thêm, mỗi chiếc xe được trao tặng không chỉ đơn thuần là một món quà, đọng lại trong anh còn là một câu chuyện đời. Chiếc xe số 1 và số 2 được trao cho 2 anh em mồ côi, sống cùng bà nội tại Hương Sơn. Sau khi nhận xe, 1 buổi các cháu đi học, buổi còn lại đi bán trái cây thuê để mưu sinh. Người anh sau đó vẫn phải nghỉ học, đi đánh giày tại TP Vinh để kiếm sống./.