Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
* Năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và có hiệu lực từ năm 2022, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách trên chưa bảo đảm để thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới, đặc biệt là để thực hiện được thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Cho nên, để tạo điều kiện cho Nghệ An thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, nhằm định hướng, tạo động lực giúp tỉnh vươn lên phát triển xứng đáng với vị thế, tiềm năng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự vào cuộc rốt ráo, phối hợp nhịp nhàng trong thời gian qua giữa tỉnh Nghệ An, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội nhằm chuẩn bị nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây, sẽ sớm thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung trong việc sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tổ chức vào ngày 25/5/2023. Đó là địa phương phải cố gắng quyết liệt hơn, là chủ lực, là nội lực, là người phải thực hành, không được ỷ lại vào Trung ương; nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng rất quan trọng, không được khoán trắng cho địa phương.
Qua nhiều cuộc làm việc xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; đặc biệt là của Đảng đoàn Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết đi đến thống nhất 19 chính sách thuộc 4 nhóm lĩnh vực trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó, nhóm quản lý tài chính - ngân sách có 5 chính sách; nhóm quản lý đầu tư có 7 chính sách; nhóm quản lý đô thị, tài nguyên rừng có 2 chính sách; nhóm tổ chức bộ máy và biên chế có 5 chính sách.