nguoinghe.vn
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An.

Xin bà cho biết, lý do Nghệ An được chọn thí điểm cấp Phiếu LLTP tại cấp huyện? Dự kiến các địa phương nào tại Nghệ An sẽ tiến hành thí điểm thực hiện việc này?

- Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông, số lượng thông tin LLTP và hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP đứng thứ 3 toàn quốc sau Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội. Theo thống kê, tỉnh Nghệ An từ năm 2021 đến năm 2023 cấp khoảng 185.000 Phiếu LLTP, vì thế, việc lựa chọn thí điểm cấp Phiếu LLTP tại cấp huyện nhằm giảm áp lực cho công chức khi tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có thể đến Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP, tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trong dự thảo nghị quyết thời gian thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP tại cấp huyện là 2 năm, kể từ 01/01/2025 là khoảng thời gian đủ để các địa phương chuẩn bị các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời, cũng đủ thời gian cho công tác sơ kết, tổng kết trước khi đề xuất sửa đổi quy định của luật để áp dụng trên phạm vi cả nước.

Những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện việc cấp Phiếu LLTP tại huyện, thưa bà?

- Nếu như việc cấp Phiếu LLTP được triển khai tại huyện thì có thể giảm được thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Mặt khác, khi phân quyền cho Phòng Tư pháp huyện thực hiện cấp Phiếu LLTP thì số lượng hồ sơ được chia ra cho các đơn vị sẽ tránh được sự ùn tắc và giảm áp lực cho công chức khi tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đồng thời, đội ngũ công chức Phòng Tư pháp huyện đều có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc; sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành, hiện nay tất cả các thủ tục hành chính đều được giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trên các hệ thống, phần mềm chuyên môn của ngành.

Tuy nhiên, sau khi Sở Tư pháp tiến hành khảo sát tại địa phương cho thấy một số bất cập: Thứ nhất, về nhân sự qua khảo sát tại 21 Phòng Tư pháp trên địa bàn tỉnh, thì tổng số công chức hiện có là 71 công chức, trong đó, có những đơn vị chỉ có 03 công chức hoặc 02 công chức tư pháp. Trong điều kiện tinh giản biên chế như hiện nay, việc bổ sung thêm nhân lực là hầu như không thể thực hiện. Trong khi đó, nếu thêm việc mà không thêm người thì rất khó để tiến hành công việc theo yêu cầu đặt ra. Thứ hai, về trang thiết bị cơ sở vật chất, hiện có 5 đơn vị thiếu máy tính, 6 đơn vị thiếu máy in, 13 đơn vị chưa có máy scan. Đi cùng với thiết bị, cần phải có phần mềm hệ thống của ngành đáp ứng được nhu cầu của công việc.

Trước những khó khăn đó, giải pháp đặt ra lúc này là cần thiết đó là phải xây dựng quy trình cấp Phiếu LLTP tại UBND cấp huyện; tăng cường tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ thông tin liên quan đến công tác LLTP. Nâng cấp Hệ thống Quản lý LLTP dùng chung và Hệ thống Quản lý LLTP, khắc phục tình trạng chậm kết nối, mất kết nối. Cần có quy định thêm thủ tục cấp Phiếu LLTP trong trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP nhằm mục đích xóa án tích và việc thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin LLTP trong dự thảo Nghị quyết được giao cho Phòng Tư pháp, nhưng thực tế Phòng Tư pháp là đơn vị không có bộ phận kế toán, để thuận lợi cho Phòng Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể đối với nội dung này.

Vậy giải pháp của Sở Tư pháp Nghệ An trong giai đoạn này?

- Hiện nay chúng tôi đang tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối để người dân hiểu được và nắm rõ. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết Sở Tư pháp sẽ tham mưu UBND tỉnh, căn cứ vào tình hình điều kiện cụ thể của từng địa phương. Chỉ đạo hướng dẫn cho các đơn vị thí điểm thực hiện phân cấp LLTP cho cấp huyện. Trước mắt sẽ nâng cao năng lực cho các bộ tư pháp cấp huyện để có thể ứng dụng, sử dụng trong hoạt động khi triển khai thí điểm…

Xin cảm ơn bà!