Lâu lắm rồi mới trở lại Vinh, bà cụ bán hàng nước sởi lởi bắt chuyện “O ở mô (cô ở đâu), có uống được nác (nước) chè xanh của bà khôông (không)? Nác chát (chè xanh) bà mới đun đó…”. Khoan khoái tợp một ngụm chè xanh nóng hổi và nhấm nháp thanh kẹo Cu đơ, bà cụ hàng nước tấm tắc “O ni (cô này) không nói giọng Vinh nhưng chắc cũng ở đây lâu lâu hỉ (nhỉ)”. Quả là từ lâu chè xanh xứ Nghệ và kẹo Cu đơ Hà Tĩnh trở thành món khoái khẩu mùa lạnh trong suốt thời gian tôi sống ở Vinh. Xa Vinh lâu rồi, chè xanh cũng ít dùng hơn nhưng cứ cái lạnh vào đông lại thấy nhớ nhớ thế nào ấy. Chẳng thế mà lũ bạn cùng cơ quan cứ trêu rằng tôi là dân xứ Thanh đã bị “Nghệ hóa” mất rồi.

Chè xanh xứ Nghệ không nổi tiếng giống như chè Thái Nguyên, cũng không đi vào thơ ca  “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” hay cặp đôi như “chè Thái, gái Tuyên”, nhưng có một điều chắc chắn nó là thứ thức uống không thể thiếu trong mỗi gia đình xứ Nghệ. Hương vị của chè xanh đi cùng với Cu đơ Hà Tĩnh tạo nên mối lương duyên mà nguồn gốc của nó chẳng ăn nhập gì với nhau. Chè xanh là thức uống yêu thích của người Nghệ, còn Cu đơ là món của người Pháp khi cai trị xứ này.

Ngày nay, giữa các loại thức uống với nhiều loại quảng cáo rầm rộ, chè xanh vẫn tồn tại như một cái duyên và sẽ không ngoa khi nói rằng đó là nét văn hóa của người xứ Nghệ. Khắp một vùng Nghệ An, Hà Tĩnh rộng lớn, đi đâu ta cũng có thể được thưởng thức chè xanh, từ các gia đình đến công sở, từ quán vỉa hè đến nhà hàng, khách sạn. Chè xanh xứ Nghệ được lấy cả phần thân, lá già và lá non cho vào nồi và đun sôi, sau đó cho một nhánh gừng vào và để nguyên như vậy chắt dần nước ra uống. Có lẽ vì thế ngoài vị chát của chè còn có vị ngọt của thân nên chè xứ Nghệ thường có vị chát ngọt. Không có công thức chung để chế món này, các bà nội trợ thường dựa vào loại chè để định lượng nước, thời gian đun và cho gừng nhiều hay ít, chè có ngon thì phải biết cách. Thế nên, dù nhà nào cũng đun chè để uống nhưng có lúc ngon có lúc không. Đun được “chén nước như ý” là cả một niềm tự hào vì chè xanh chỉ ngon trong thời gian khoảng 30 phút đầu.

Tôi bắt đầu cảm nhận văn hóa chè xanh từ sau bữa cơm tối ở nhà cô bạn mà mọi người đều nhận xét “cả hai không có điểm nào chung”. Tôi nhớ như in hình ảnh của nó ngày xưa - cái đứa con nhà giàu lại mắc bệnh chảnh, hiện đại và sành điệu nên nó được gọi là nàng. Suốt cả thời sinh viên dù sống ở Vinh nàng chẳng bao giờ uống chè xanh. Có lần về quê chàng ra mắt, sau bữa cơm tối bố mẹ chồng tương lai tự tay rót nước chè xanh đưa cho, nàng cố gắng nuốt cả bát nước vào bụng vì “nể và sợ”. Tôi thật thà từ chối “cháu uống không quen nên mất ngủ”, hôm đó tôi ngủ tì tì còn nàng mắt cứ thao láo mãi. Nàng cũng là người đầu tiên dẫn tôi ra quán bar, vẫn là “cái ngày xưa ấy” nàng dạy tôi khám phá thế giới văn minh đô thị. Tôi thì rón rén uống nước cam còn nàng uống cocktail. Chẳng biết nàng dùng loại cocktail gì mà lúc nói chuyện tôi thấy lưỡi nàng có màu xanh nhạt giống màu mực Cửu Long. Tôi nghĩ ngay đến con chó đốm lưỡi ở nhà mà không nhịn được cười và món cocktail nàng thích từ đó có biệt danh là “chó đốm”.

 Thời gian trôi đi, cái ngày ra mắt ấy đã trôi qua 15 năm có lẻ. Chả biết nàng mê chè xanh từ lúc nào mà bài diến thuyết cocktail xa lạ của nàng lại thành bài diễn thuyết về chè xanh. Nhìn cảnh bạn vừa uống chè xanh vừa chép miệng khen ngon, còn nhe cả hàm răng “nhìn răng tớ này, ngon chưa, bây giờ chắc lắm, do uống chè xanh đấy…”, rồi nàng thao thao về cách làm thế nào để nước chè xanh ngon. Cái con bé ngày xưa rửa có mấy cái bát thì bày đầy một sân giếng, còn không quên đánh vỡ cả đĩa thế mà bây giờ mồm nói tay làm cứ như là “tổ sư” của chè xanh ấy. Mồm nàng nói, tay nàng rót ra chén thổi phù phù vẫn không quên trợn mắt ra hiệu cho thằng con lại gần: “uống nác chát đi con, không uống là sâu răng đó”. Thằng bé uống một cách thích thú và còn khà ra kiểu người lớn.

Bài diễn thuyết chè xanh của nàng bị tôi chặn đứng: “ừ, thì giờ dùng cocktail chè xanh nên mới không còn là chó đốm” và cũng là lúc hai đứa phải “nhường địa bàn” phòng khách cho các cụ, chả là tối nay các cụ hẹn nhau sang nhà nó uống chè xanh. Ngoài ngõ, tiếng người già ơi ới gọi nhau sang uống nác chát làm tôi có cảm giác đang sống giữa một vùng quê thanh bình nào đó chứ không phải là thành Vinh náo nhiệt. Nhiều người có nhận xét rằng Vinh khó thoát khỏi cảnh “làng trong phố” nhưng sao cái cảnh làng và phố chen nhau này lại thân thương đến thế. Tôi và nàng, hai đứa không có điểm nào chung giờ đã có: cùng khoái chè xanh xứ Nghệ, cùng hát khúc dân ca “không phải quê mình” và cùng sống giữa bao nhiêu ân tình….