Mặc dù lực lượng PCCR điều động rất đông, nhưng khó có thể khống chế được lửa rừng. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?
 
Như chúng tôi đã đề cập ở chương trình trước về những hạn chế bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng tại tỉnh Hà Tĩnh, đã gây thiệt hại lớn diện tích rừng. Nguyên nhân của vấn đề này là gì, tại sao cứ xảy ra cháy rừng là cháy bằng hết, mặc dù lực lượng được điều động rất đông, nhưng khó có thể khống chế được lửa rừng; giải pháp cho vấn đề này là gì?  
 
Những người trong cuộc, những người đã trực tiếp tham gia chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh những ngày qua, họ đã chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại và cả những bất cập, hay nói đúng hơn là lý do, câu trả lời cho việc, tại sao khi phát hiện rừng bốc cháy, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người được huy động nhưng vẫn không thể ngăn được lửa cháy lan ra diện rộng, đến khi rừng cháy hết thì lửa mới được dập tắt.
 
"Một số vụ cháy như ở Can Lộc, Hương Sơn, chúng tôi thấy huy động lực lượng kịp thời, 4 tại chỗ, nhưng vẫn tồn tại hạn chế là không có dụng cụ, phương tiện trang bị"- một người tham gia chữa cháy chia sẻ.
 
Có người cho rằng, khi đã xảy ra cháy rừng, để khống chế đạt hiệu quả cao phải có tổng chỉ huy điều hành lực lượng tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, hiện nay, khi lực lượng tham gia trực tiếp chữa cháy bao gồm biên phòng, công an, dân quân, quân đội, người dân… nhưng để chỉ đạo các lực lượng này thì chưa có tổng chỉ huy.
 
Câu hỏi được đặt ra là tại sao, dù đã nhiều lần xảy ra cháy rừng, nhưng bài học kinh nghiệm này vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh rút ra để triển khai, tổ chức phòng chống cháy rừng hiệu quả. Để rồi khi lửa rừng bốc cháy dữ dội, thì lực lượng tham gia dập lửa chỉ còn cách rút lui, nhường sân chơi cho “giặc lửa” hoành hành. 
 
Phương châm phòng là chính, phát hiện phải kịp thời, chữa cháy phải tổng lực, điều này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần nhấn mạnh tại các hội nghị triển khai về công tác phòng chống chữa cháy rừng, thế nhưng, qua vụ việc cháy rừng tại huyện Nghi Xuân cùng thời điểm này năm 2019 và đến nay dường như tỉnh Hà Tĩnh chưa làm được điều này. 
 
“Một nhóm lửa nếu phát hiện lúc đầu, một cành cây có thể dập được, nhưng nếu cháy thành đại ngàn thì vạn người cũng khó xử lý, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay" - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá. 
 
Nhìn nhận về những hạn chế trong công tác phòng chống cháy rừng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng, công tác tổ chức tuyên truyền đến tận người dân chưa thực sự bài bản, sâu rộng, do đó sau chuyến thị sát chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại hiện trường ông đã yêu cầu các ngành, địa phương cần tập trung nâng cao, đổi mới công tác tuyên truyền về phòng chống cháy rừng. Làm cho người dân hiểu, phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường chúng ta đang sống. 
 
"Biện pháp chủ yếu là tuyên truyền băng nhiều kênh, không chỉ báo chí, truyền hình mà phải đến gõ từng nhà, từng thôn, nhắc từng người dân. Phải có phương pháp tuyên truyền cho phù hợp. Đồng thời đưa PCCR vào trong nội dung sinh hoạt chi bộ, thôn xóm để tuyên truyền thường xuyên cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm thì càng phải tuyên truyền, bởi vì đây là phòng ngừa và răn đe. Đây mới chỉ là khởi đầu, chúng ta dồn sức theo chỉ đạo của Thủ tướng và đừng để lan rộng, chúng ta hành động hôm nay là hành động cho phòng ngừa và phòng ngừa mới tốt" - ông Lê Đình Sơn cho biết. 
 
Phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng là một nhiệm vụ quan trọng và phức tạp, đòi hỏi quyết tâm thực hiện của cả cộng đồng, trong đó có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền, các cấp, các ngành địa phương, ý thức, trách nhiệm của người dân và sự thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực với mục tiêu cuối cùng góp phần giảm thiểu cháy rừng trên cả nước, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.