Thế giới vừa chứng kiến một cột mốc đáng buồn khi số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc 4 triệu người, tức cao gấp hơn 2 lần so với cả năm 2020 dù năm 2021 này mới chỉ đi qua được nửa chặng đường.
Theo phân tích của Reuters, nếu như ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, thế giới mất hơn 1 năm để số người tử vong do Covdi-19 đạt tới con số 2 triệu người, thì ở giai đoạn thứ 2, con số này được ghi nhận chỉ sau 166 ngày. Năm quốc gia đứng đầu về tổng số người tử vong lần lượt là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico, chiếm khoảng 50% tổng số người chết trên thế giới, trong khi Peru, Hungary, Bosnia, Cộng hòa Séc có tỷ lệ tử vong trên dân số cao nhất.
43 trong số 100 ca mắc Covid-19 mới trên thế giới được ghi nhận ở Mỹ Latin. Đáng chú ý, phần lớn các ca mắc đều ở độ tuổi từ 25-40, cho thấy xu hướng bệnh nhân trẻ tuổi vẫn tiếp tục.
Người đứng đầu Chương trình khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho biết: “Tình hình ở Nam Mỹ vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với Tổ chức Y tế thế giới. Tám trong số mười quốc gia hàng đầu báo cáo tỷ lệ tử vong trên mỗi dân số cao nhất trong thời gian qua từ khu vực châu Mỹ và đặc biệt là Nam Mỹ”.
Tuy nhiên, nếu như tuần này là tuần thứ 6 liên tiếp, đại dịch Covid-19 giảm tốc trên toàn thế giới, thì châu Phi lại là lục địa duy nhất mà dịch bệnh vẫn đang gia tăng. Số ca mắc Covid-19 tại đây đang tăng 22% mỗi tuần, nhất là tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Namibia và Uganda. Trong khi đó, Nam Phi đang trong làn sóng lây nhiễm làn sóng thứ 3, với số ca mắc đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần qua, trong khi số ca nhập viện cũng tăng gần 60%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, xu hướng tăng này diễn ra trên toàn bộ lục địa, phần lớn được giải thích là do thời tiết theo mùa lạnh hơn ở miền Nam và sự lây lan của các biến chủng dễ lây lan hơn.
Biến thể Delta đã được báo cáo ở 14 nước châu Phi, trong khi biến thể Beta và Alpha tại hơn 25 nước. Tuy nhiên, một lý do khác dẫn tới tình trạng này là do khó khăn trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng. Nếu như trên thế giới, cứ trên 100 có gần 30 người được tiêm vaccine thì tại châu Phi con số này lại chưa đến 3 người.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Sự gia tăng mạnh mẽ ở châu Phi đặc biệt đáng quan tâm, vì đây là khu vực có ít khả năng tiếp cận với vaccine, chẩn đoán và oxy nhất. Trong khi đó, những bằng chứng hiện có cho thấy các biến thể mới đã làm gia tăng đáng kể sự lây truyền trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là rủi ro đã tăng lên đối với những người không được bảo vệ. Virus đang di chuyển nhanh hơn so với việc phân phối vaccine trên toàn cầu”.
Khi các quốc gia nghèo hơn phải vật lộn để tiêm chủng cho dân số của mình do thiếu vaccine, thì các quốc gia giàu hơn đang được khuyến khích quyên góp nhiều hơn để kiểm soát đại dịch. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vấn đề chính hiện nay tại các nước nghèo là tiếp cận vaccine chứ không phải là chấp nhận vaccine và các nước tài trợ cần gửi vaccine càng sớm càng tốt.
Nhóm họp tại Anh hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý cung cấp ít nhất một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo và tăng năng lực sản xuất, với mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2022./.